Triệu chứng viêm mao mạch dị ứng phân biệt với nhiều bệnh tự miễn khác
Viêm mao mạch dị ứng còn gọi là Ban xuất huyết Schonlein – Henoch là bệnh viêm mạch hệ thống ảnh hưởng đến da, hệ tiêu hóa, thận và khớp. Triệu chứng viêm mao mạch dị ứng rất giống với bệnh Lupus ban đỏ và nhiều căn bệnh khác. Bài viết giúp bạn phân biệt 2 căn bệnh tự miễn phổ biến này để có thêm kiến thức điều trị bệnh hiệu quả.
Triệu chứng nhận biết viêm mao mạch dị ứng
Viêm mao mạch dị ứng hình thành khi cơ thể xuất hiện các phản ứng trước các kháng nguyên (như virus, vi khuẩn, kí sinh trùng, thay đổi thời tiết, thức ăn lạ…) dẫn đến lắng đọng IgA trong thành mạch làm thương tổn mạch máu. Đây là căn bệnh gây viêm mạch hệ thống, phổ biến nhất ở độ tuổi trẻ em.
Triệu chứng viêm mao mạch dị ứng như sau:
- Ban xuất huyết: Có các nốt xuất huyết dưới da, thường không ngứa, không đau. Một số trường hợp nốt xuất huyết có thể phát triển thành hoại tử (đa số gặp ở người trưởng thành). Nốt xuất huyết thường mọc nhiều ở chân, tay, mông, đùi, ít khi ở thân mình. Người mắc bệnh nhẹ có thể nổi ban xuất huyết khoảng 5 – 10 ngày rồi hết, nhưng bệnh nặng có thể khiến nổi ban kéo dài từ tháng này sang tháng khác.
- Đau khớp: Chủ yếu gây đau khớp cổ chân, khớp gối, kéo dài khoảng 3 – 7 ngày, đối xứng ở 2 chân gây đau nhưng thường không gây biến chứng nghiêm trọng.
- Đau bụng: Người bệnh thường đau thành từng cơn, đau quanh rốn, có thể kèm theo buồn nôn, nôn nhiều, đại tiện ra máu.
- Tổn thương thận: Biểu hiện viêm cầu thận mức độ nhẹ có thể khôi phục nếu được điều trị sớm. Tuy nhiên, ở trẻ em biến chứng về thận thường rất nhanh, gây viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận mạn. Viêm cầu thận mạn và suy thận giai đoạn cuối trong viêm mạch Schỗnlein – Henoch thường gặp ở người trường thành, ít gặp hơn ở trẻ em.
Nốt xuất huyết do viêm mao mạch dị ứng
Chẩn đoán bệnh viêm mao mạch dị ứng phân biệt với các bệnh tự miễn khác
Để chẩn đoán chính xác, ngoài các triệu chứng viêm mao mạch dị ứng còn cần chú ý các xét nghiệm như:
- Phát hiện tăng số lượng bạch cầu đa nhân trung tính.
- Tăng số lượng tiểu cầu, xét nghiệm đông máu không thấy bất thường.
- Tăng nồng độ CRP.
- Thực hiện xét nghiệm nước tiểu thấy hồng cầu niệu, protein niệu, trụ hồng cầu ở bệnh nhân thương tổn thận.
- Tăng nồng độ IgA trong máu.
- Thực hiện sinh thiết da hoặc thận nhận thấy hình ảnh hoại tử mô dạng Fibrin trong thành mạch máu, dẫn đến phù nề tế nào nội mô và phát hiện bạch cầu đa nhân trung tính.
- Thực hiện nhuộm miễn dịch huỳnh quang vào mô sinh thiết khi có dấu hiệu lắng đọng IgA trong máu.
Chẩn đoán viêm mao mạch dị ứng phân biệt với các bệnh lý như:
- Bệnh lý đau bụng ngoại khoa (thường không đi kèm với các triệu chứng viêm mao mạch dị ứng trên da và khớp).
- Nhiễm trùng não mô cầu: Thường có triệu chứng sốt, ban xuất huyết đa hình thái, nhiễm trùng….
- Thấp tim: Có biểu hiện sốt, không thương tổn trên da như triệu chứng của viêm mao mạch dị ứng. Khi thực hiện siêu âm tim và khám lâm sàng phát hiện tổn thương van, cơ tim và gây tăng nồng độ CRP trong máu.
- Xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn: Biểu hiện ban xuất huyết đa hình thái có đặc điểm xuất huyết dạng mảng, phân bố toàn thân, gây xuất huyết nội tạng và niêm mạc như: tiêu hóa, chảy máu chân răng, rong huyết….
- Lupus ban đỏ: Thường gây biểu hiện sốt, xuất huyết dạng ban theo hình cánh bướm, rụng tóc, đau khớp, viêm loét miệng….
- Phản ứng sau khi dùng thuốc: Phát ban xuất hiện sau khi dùng thuốc, thường gây ngứa….
- Viêm khớp dạng thấp: Người bệnh có biểu hiện sốt, đau khớp, biến dạng khớp, nổi ban xuất huyết.
- Viêm nội mạc nhiễm khuẩn: Người bệnh có triệu chứng sốt cao, nhiễm trùng, có thể gây tổn thương van tim.
Viêm mao mạch dị ứng có thể gây biến chứng về thận
Phương pháp điều trị viêm mao mạch dị ứng theo Tây y
Điều trị viêm mao mạch được chỉ định áp dụng cho tất cả các bệnh nhân. Bác sĩ chuyên khoa chỉ định:
- Nghỉ ngơi nhiều, hạn chế làm việc nặng nhọc.
- Có thể bổ sung vitamin liều cao (tiêm hoặc uống).
- Bù dịch.
Có biểu hiện viêm với các dấu hiệu đau khớp, có ban xuất huyết có thể chỉ định:
- Dùng thuốc chống viêm không Steroid (NSAIDs).
- Dẫn xuất: Ibuprofen, naproxen, diclofenac…. Trong đó, liều lượng Naproxen áp dụng cho trẻ em trên 12 tuổi và người lớn: dùng mỗi ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 200 - 500mg, liều lượng tối đa 1500mg/ngày; Trẻ em trên 2 tuổi: dùng liều lượng 5mg/kg/ chia làm 2 lần. Nếu dùng Diclofenac: liều lượng 50 - 75mg chia làm 2 lần uống trong ngày. Dùng Ibuprofen cho người lớn liều lượng 200-800mg dùng mỗi ngày 2 – 4 lần; trẻ em dùng liều lượng 30 – 40mg/kg chia làm 3 – 4 lần/ ngày. Hạn chế sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị suy gan, suy thận hoặc xuất huyết tiêu hóa.
Trường hợp không đáp ứng với thuốc kháng viêm không Steroid đơn thuần:
- Dùng Glucocorticoid (có nhiều loại như: prednison, prednisolon, methylprednisolon, ...): Áp dụng cho các bệnh nhân có biểu hiện tổn thương thận, đau bụng, đau khớp, xuất huyết nhưng không đáp ứng với thuốc kháng viêm Steroid.
- Liều lượng: Mỗi ngày 1mg/kg trong thời gian đầu, sau đó giảm dần liều lượng. Thời gian áp dụng không quá 1 tháng.
- Khi dùng cần chú ý theo dõi huyết áp, đường máu, mật độ xương, Cortisol máu….
Dùng thuốc ức chế miễn dịch (cyclosporin, cyclophosphamid, azathioprin,…):
- Áp dụng kết hợp với glucocorticoid khi bệnh nhân có dấu hiệu thương tổn thận, người mắc thận hư, viêm cầu thận.
- Liều lượng: Dùng Cyclosporin liều lượng 2 – 5mg/kg/ ngày, chia làm 2 lần, thời gian điều trị khoảng 3 – 6 tháng; Dùng Cyclophosphamid liều lượng uống 1 - 2mg/kg/ngày, duy trì trong 3 – 8 tuần; Dùng Azathioprin với liều lượng 2mg/kg/ngày, dùng trong thời gian 3 – 6 tháng.
Chẩn đoán theo dõi tác dụng phụ:
- Khi dùng Azathioprin cần theo dõi xét nghiệm máu và chức năng gan ít nhất 1 tuần/ 1 lần trong tháng đầu tiên, những tháng sau khoảng 1 – 2 lần/ tháng. Nếu số lượng bạch cầu < 1.5G/L, TC < 100G/L. HC niệu (+) cần dừng thuốc.
- Uống Cyclophosphamid cũng cần thực hiện xét nghiệm máu mỗi tuần 1 lần kết hợp với xét nghiệm chức năng gan, thận mỗi tháng 1 lần. Nếu kết quả xét nghiệm là SLBC < 1.5G/L, TC < 100G/L, HC niệu (+) cần ngưng uống thuốc.
- Uống Cyclosporin: Thực hiện đo huyết áp hàng tuần kết hợp xét nghiệm thận mỗi tháng/ lần.
Một số phương pháp điều trị khác áp dụng cho bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương nặng:
- Corticoid liều cao: Dùng methylprednisolon liều lượng 500mg/ngày, dùng trong 3 ngày, dùng cho bệnh nhân thận hư không đáp ứng với loại Corticoid thông thường.
- Dùng Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch.
- Thực hiện lọc huyết tương.
- Ghép thận.
Một số biện pháp điều trị theo triệu chứng viêm mao mạch dị ứng như:
- Trị suy thận: Cần kết hợp thuốc lợi tiểu, hạn chế ăn muối.
- Đau bụng: Dùng thuốc giảm đau.
- Xuất huyết tiêu hoá: Dùng thuốc cầm máu hoặc thuốc ức chế tiết dịch vị dạ dày như: Ranitidin, Omeprazol, Cimetidin.
- Đau khớp: Dùng thuốc giảm đau.
Khi điều trị các triệu chứng của viêm mao mạch dị ứng cần theo dõi các chỉ số huyết áp, xuất huyết, đau bụng, đau khớp, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, tốc độ lắng máu, chỉ số xét nghiệm thận (Creatinin, Ure, Kali máu), phân tích nước tiểu (chỉ số protein niệu, hồng cầu niệu), nồng độ IgA….
Điều trị giảm triệu chứng của viêm mao mạch dị ứng cũng cần theo dõi thường xuyên để ngăn chặn biến chứng về thận. Mong rằng bài viết đã giúp bạn có thêm nhiều kinh nghiệm điều trị viêm mao mạch dị ứng.