Thuốc điều trị vết thương hoại tử dùng quá liều gây tác dụng nguy hiểm
Vết thương trên cơ thể nếu không được chăm sóc đúng cách có thể dẫn đến hoại tử. Thuốc điều trị vết thương hoại tử nên dùng như thế nào để ngăn chặn nhiễm trùng lan rộng? Cùng tìm hiểu thêm qua nội dung bài viết dưới đây.
Thuốc điều trị vết thương hoại tử: Cần xác định chính xác nguyên nhân
Hoại tử là thuật ngữ để chỉ tình trạng mô tế bào dần chết đi. Hoại tử có thể xảy ra ở bất kì vị trí nào trên cơ thể, nhưng thường gặp nhất ở chân, tay. Hoại tử hình thành do vết thương hở không được chăm sóc đúng cách dẫn đến nhiễm trùng, hoặc do một số bệnh lý như:
- Bệnh đái tháo đường: Lượng đường huyết trong máu tăng cao dẫn đến tổn thương dây thần kinh ngoại biên làm người bệnh đau nhức, tê bì chân. Đái tháo đường cũng khiến các chất béo tạo thành mảng bám trong động mạch gây tắc nghẽn mạch máu, làm các vết thương dù rất nhỏ cũng khó lành lặn.
- Bệnh viêm mao mạch hoại tử: Viêm mao mạch hoại tử là căn bệnh tự miễn gây tổn thương mao mạch vừa và nhỏ. Bệnh gây xuất huyết dưới da, các nốt xuất huyết này chuyển sang màu đỏ thẫm, nâu tím rồi dần phát triển thành các vết loét, hoại tử.
- Bệnh viêm tắc mạch máu, viêm tắc động mạch, xơ vữa động mạch: Đây là những căn bệnh điển hình làm tổn thương thành mạch, làm cho lòng mạch dần chít hẹp khiến lưu lượng máu giảm. Chân, tay là những vùng có cấu tạo xa tim, khi không nhận đủ lượng máu nuôi dưỡng sẽ dần chuyển sang hoại tử.
Trước khi kê thuốc điều trị vết thương hoại tử, bác sĩ chuyên khoa cần xác định chính xác nguyên nhân là gì. Nếu do các bệnh lý đái tháo đường, bệnh lý mạch máu sẽ có các loại thuốc điều trị khác nhau để giảm thiểu các triệu chứng và kiểm soát bệnh lý nền.
Hoại tử chân có thể dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng
Thuốc điều trị vết thương hoại tử: Cần căn cứ vào các triệu chứng
Vết thương hoại tử được chia làm 2 loại là hoại tử khô và hoại tử ướt với các đặc điểm phân biệt như sau:
- Hoại tử khô:
+ Đặc điểm bề mặt vết thương khô, không có dịch.
+ Vùng da quanh vết hoại tử khô có biểu hiện nóng, đỏ, rát, đau nhức nhối.
+ Tại vết hoại tử chuyển sang màu nâu hoặc đen, có thể bong tróc da.
- Hoại tử ướt:
+ Vết thương có dịch mủ, máu.
+ Lở loét to.
Ngoài ra, vết thương hoại tử còn đi kèm với các dấu hiệu:
- Đau nhức: Vết thương hoại tử gây đau tăng dần, bệnh càng nặng càng đau nhiều. Vết thương bị hoại tử khô thường đau nhức nhưng không loét. Cơn đau có thể lan rộng sang các vùng mô tế bào lân cận.
- Mùi khó chịu ở bề mặt vết thương: Hoại tử càng nặng mùi càng hôi thối. Đây là biểu hiện của nhiễm trùng. Lúc này cần có các loại thuốc sát trùng, làm sạch vết thương hoại tử kết hợp với thuốc kháng viêm để ngăn chặn nhiễm trùng lan rộng.
- Sốt: Người bệnh có biểu hiện sốt nhẹ hoặc sốt cao. Dấu hiệu này cũng cảnh báo nhiễm trùng. Nếu có dấu hiệu sốt cao trên 39 độ không hạ cần lập tức đưa người bệnh tới cơ sở y tế để được thăm khám sớm, tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Căn cứ vào các triệu chứng như: đau nhức, mức độ viêm nhiễm mà bác sĩ chuyên khoa sẽ kê đơn thuốc phù hợp nhất để giảm đau, giảm viêm.
Hoại tử nặng phải cắt cụt ngón chân
Thuốc điều trị vết thương hoại tử gồm những loại nào?
1. Thuốc sát trùng vết thương hoại tử
Nguyên tắc khi điều trị vết thương hoại tử là cần phải loại bỏ hết phần tế bào hoại tử trước để ngăn chặn mô tế bào lan rộng sang xung quanh. Trường hợp hoại tử quá nhanh cần phải cân nhắc cắt bỏ mô tế bào bằng các dụng cụ sát trùng chuyên dụng. Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng dung dịch sát khuẩn để kiểm soát nhiễm trùng, giúp vết thương sạch sẽ và ngăn ngừa bội nhiễm.
Lựa chọn thuốc sát trùng lên vết thương cần chú ý chọn loại có khả năng kháng khuẩn rộng, không gây đau hoặc kích ứng vùng niêm mạc, không có màu để dễ dàng quan sát những tiến triển ở bề mặt vết loét.
2. Thuốc uống điều trị vết thương hoại tử
Tùy vào các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm chẩn đoán mà bác sĩ có thể kê đơn thuốc gồm các loại: thuốc hạ sốt, thuốc kháng sinh giảm đau, giảm viêm, thuốc điều trị bệnh lý nền (kiểm soát đường huyết, cao huyết áp hoặc thuốc chống đông máu….).
Sử dụng thuốc điều trị vết thương hoại tử bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để giảm thiểu những tác dụng phụ đối với cơ thể.
3. Thuốc Đông y điều trị vết thương hoại tử
Nguyên nhân chính dẫn đến hoại tử là do huyết ứ. Lưu thông máu kém làm cho các vết thương lở loét khó lành, khi gặp các tác nhân như vi khuẩn sẽ dẫn đến nhiễm trùng hoại tử. Vì vậy, Đông y chủ yếu sử dụng các thảo dược tự nhiên giúp hoạt huyết, thúc đẩy lưu thông máu đến các cơ quan. Các dược liệu cũng có công dụng “kép” giúp tăng hệ miễn dịch chống lại ngoại tà xâm nhập, tăng sức bền thành mạch làm cho các tế bào bị tổn thương mau chóng phục hồi.
Khi sử dụng các bài thuốc Đông y điều trị vết thương bị hoại tử cần lưu ý kiên trì áp dụng hàng ngày kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để đem lại hiệu quả. Người bệnh nên hạn chế ăn các thực phẩm như hải sản, thịt bò, gà, đồ tanh, xôi nếp… làm vết thương mưng mủ, chảy máu, lâu lành. Thay vào đó, hàng ngày nên bổ sung nhiều vitamin C, các loại rau củ quả để tăng cường miễn dịch, giúp tế bào bị tổn thương sớm phục hồi.
Thuốc điều trị vết thương hoại tử rất đa dạng nhưng bắt buộc phải dùng đúng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan tự ý mua thuốc điều trị để tránh nguy cơ nhiễm trùng nặng phải cắt cụt chi.