Thiếu máu chi dưới: Lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa
Thiếu máu chi dưới là tình trạng mà một phần hoặc toàn bộ chi dưới không nhận được sự cung cấp máu đầy đủ để đáp ứng các hoạt động sinh lý. Ở Việt Nam, bệnh lý tim mạch và các nguy cơ liên quan như: Nghiện thuốc lá, tiểu đường, tăng huyết áp và béo phì ngày càng gia tăng. Thiếu máu chi dưới và các biến chứng tai hại của bệnh đang ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Nguyên nhân gây thiếu máu chi dưới
Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu chi dưới, trong đó vữa xơ động mạch là nguyên nhân hàng đầu. Tỷ lệ tử vong do bệnh này chiếm khoảng 1% nhưng ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, làm việc và lao động hàng ngày.
Thiếu máu chi dưới: Đừng coi thường triệu chứng đau cách hồi
Người mắc thiếu máu chi dưới nên cẩn trọng với các dấu hiệu sau:
Đau cách hồi: Biểu hiện là triệu chứng đau xuất hiện khi đi bộ, sau đó người bệnh phải dừng lại để nghỉ. Bệnh càng nghiêm trọng thì quãng đường đi càng ngắn.
- Tê bì chân.
- Chuột rút chân.
- Sưng đỏ, đau nóng chân.
- Lạnh, đau, tê đầu ngón chân.
Máu huyết cung cấp cho các chi không đủ sẽ dẫn đến viêm loét, hoại tử mô. Đây là biến chứng nghiêm trọng nhất, có thể khiến người bệnh phải lựa chọn cắt cụt chi và sống tàn phế.
Chân tím tái vì thiếu máu chi dưới
Ngoài thăm khám tại chỗ, bác sĩ sẽ thực hiện đo huyết áp ở chân và tính toán chỉ số ABI, tức là huyết áp tâm thu ở cổ chân chia cho huyết áp tâm thu ở tay. Nếu kết quả ABI từ 0,9-1,3 được xem là động mạch bình thường; từ 0,75-0,9: Thiếu máu chi dưới nhẹ, từ 0,4-0,75: Tình trạng thiếu máu nặng, chỉ đủ cung cấp máu cho nhu cầu chuyển hóa trong lúc nghỉ ngơi, dưới 0,4 là thiếu máu chi dưới nặng, không đủ cho các hoạt động hàng ngày.
Chẩn đoán thiếu máu chi dưới còn được xác định dựa trên các xét nghiệm như: Siêu âm mạch máu, chụp CT mạch máu lớp đa dãy (MSCT) giúp xác định mức độ hẹp mạch máu và vị trí vùng hẹp để có biện pháp điều trị thích hợp.
Hoại tử chi vì thiếu máu chi dưới
Điều trị thiếu máu chi dưới như thế nào?
Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến đầu chi không nhận đủ máu huyết, dẫn đến lạnh chi, tím chi, lở loét, hoại tử chi. Phương pháp điều trị phổ biến nhất hiện nay gồm:
- Điều trị bằng thuốc:
Sử dụng thuốc chống đông (thuốc chống ngưng tập tiểu cầu) kết hợp với thuốc vận mạnh, giúp cải thiện lưu thông máu, tăng khả năng biến dạng của hồng cầu, giảm hình thành cục máu đông và tăng cường cung cấp máu cho chi.
- Điều trị bằng can thiệp mạch:
Đây là một phương pháp tiên tiến được áp dụng tại nhiều trung tâm tim mạch. Phương pháp này sử dụng dụng cụ để điều trị động mạch bị hẹp bằng cách mở rộng phần bị hẹp và đặt giá đỡ (stent) tại vị trí hẹp. Kết quả của điều trị bằng can thiệp mạch thường rất tích cực.
- Điều trị phẫu thuật:
Phẫu thuật vẫn là một phương pháp điều trị cơ bản, trong đó bác sĩ tạo ra một đoạn đường máu mới đi vòng qua vùng động mạch bị tổn thương. Sau khi điều trị bằng phẫu thuật hay can thiệp mạch, bạn sẽ tiếp tục được theo dõi và duy trì điều trị bằng thuốc chống đông máu với liều lượng và thời gian theo chỉ định của bác sĩ.
Lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa
Thiếu máu chi dưới có liên quan chặt chẽ với các yếu tố nguy cơ như: Thói quen hút thuốc lá, bệnh đái tháo đường, tăng mỡ máu, tăng huyết áp,…. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ nguyên tắc:
- Bỏ thuốc lá.
- Kiểm soát các bệnh lý liên quan như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, để tránh biến chứng tàn phế, khi nhận ra những bất thường ở đầu chi như: Lạnh chi, tê bì chi, đau mỏi chi,... người bệnh nên sớm đi thăm khám để được bác sĩ tư vấn, tránh biến chứng nguy hiểm.