Bệnh động mạch chi dưới và biến chứng do bệnh tiểu đường khác nhau như thế nào?
Bệnh động mạch chi dưới hình thành khi lòng động mạch có dấu hiệu tắc nghẽn mạch máu, lâu ngày sẽ dẫn đến lở loét, hoại tử chi. Các vết thương nhỏ ở người mắc bệnh đái tháo đường cũng dễ biến chứng thành các vết loét hoại tử lớn khiến nhiều người nhầm lẫn hai bệnh lý này với nhau. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn phân biệt bệnh động mạch chi dưới và biến chứng do bệnh tiểu đường để có biện pháp khám chữa phù hợp.
Bệnh động mạch chi dưới là gì?
Bệnh động mạch chi dưới còn có tên gọi khác là bệnh động mạch ngoại biên. Nguyên nhân thường do các mảng xơ vữa hoặc cục huyết khối hình thành trong lòng động mạch chi dưới, dẫn đến nghẽn hoặc tắc mạch máu. Mảng xơ vữa hay huyết khối này tích tụ lâu ngày có thể khiến lòng động mạch thu hẹp lại, lưu lượng máu ở mô chân cũng giảm rõ rệt khiến chân đau, lở loét. Nếu không được can thiệp sớm, bệnh nặng có thể làm các vết loét này nhiễm trùng, hoại tử, không ít trường hợp phải cắt cụt chi.
Chẩn đoán và điều trị sớm bệnh động mạch chi dưới là cách tốt nhất để cải thiện khả năng vận động, giảm biến cố về tim mạch. Những người có bệnh động mạch chi dưới cũng có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim gấp 6 lần người không có bệnh.
Tắc nghẽn mạch máu chi dưới hình thành do các mảng xơ vữa hoặc cục huyết khối
Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh động mạch chi dưới?
Bệnh động mạch chi dưới là hậu quả của lòng mạch chi dưới bị hẹp hoặc tắc hoàn toàn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghẽn động mạch này có thể do cục huyết khối, mảng xơ vữa hoặc viêm động mạch gây nên.
Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch chi dưới như:
+ Người cao tuổi (từ 55 – 60 tuổi).
+ Nam giới có tỉ lệ mắc bệnh gấp 3 lần nữ giới.
+ Người có tiền sử nghiện thuốc lá.
+ Người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng homocystein máu, rối loạn lipid máu….
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh động mạch chi dưới là gì?
Bệnh động mạch chi dưới thường gây thiếu máu cung cấp cho chi dưới với các biểu hiện như:
- Đau bắp chân khi đi lại hoặc làm việc, thường đau cách hồi sau cường độ cơn đau gia tăng.
- Bệnh nặng gây lở loét, hoại tử từng phần.
Người mắc bệnh đái tháo đường dễ bị biến chứng bệnh động mạch chi dưới do máu huyết lưu thông kém. Ở người mắc bệnh tiểu đường các vết thương nhỏ thường lâu lành, dễ lở loét, hoại tử. Nhất là những người mắc bệnh nặng, kiểm soát đường huyết kém càng khiến dễ gặp phải biến chứng bàn chân. Bệnh nhân thường có triệu chứng đau nhức, vết loét hoại tử lan rộng. Vết thương đa phần là hoại tử ướt với biểu hiện mưng mủ, chảy nước, hoặc lẫn máu làm người bệnh đi lại rất khó khăn, thậm chí nhiễm trùng lan rộng còn có thể cắt cụt chi để bảo toàn tính mạng.
Hình ảnh đôi chân bị tắc nghẽn động mạch chi dưới
Điều trị bệnh động mạch biên chi dưới cần chú ý gì?
Y học hiện đại đưa ra nguyên tắc điều trị bệnh động mạch ngoại biên chi dưới cần chú trọng giảm các triệu chứng khó chịu và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Phác đồ điều trị như sau:
1. Điều trị nguy cơ
- Cai nghiện thuốc lá:
Hút thuốc lá là thói quen phá hủy mạch máu. Trong khói thuốc có chứa hóa chất độc hại làm giảm HDL và tăng LDL, làm tăng CO trong máu, khiến mạch máu co thắt. Đặc biệt, thuốc lá còn làm tăng fibrinogen, tăng độ kết dính tiểu cầu, Hct và làm cho máu đặc quánh, lưu thông máu kém đi rõ rệt. Cai nghiện thuốc lá sẽ giúp cho máu huyết lưu thông tốt hơn, làm giảm tiến triển của các bệnh lý về mạch máu.
- Kiểm soát lượng đường huyết:
Người mắc bệnh đái tháo đường dẫn đến biến chứng loét chân, nhiễm trùng bàn chân tăng mạnh. Vì vậy, nếu phát hiện có bệnh lý nền là đái tháo đường cần phải chú ý điều trị kiểm soát đường huyết bằng thuốc kết hợp thay đổi lối sống và ăn uống phù hợp để giảm nguy cơ biến chứng.
- Điều trị bằng thuốc ức chế HMG - CoA Reductase (Statin):
Nghiên cứu mới chỉ ra rằng áp dụng Statin trong điều trị bệnh động mạch chi dưới giúp giảm nguy cơ biến chứng tim mạch. Người mắc bệnh động mạch chi dưới cần được theo dõi nồng độ LDL cần đạt là <100mg/dL (<2,59mmol/L). Trường hợp bệnh nhân có nguy cơ biến chứng cao, tổn thương động mạch chi dưới ở nhiều vị trí khác nhau cần theo dõi và điều chỉnh thuốc phù hợp để nồng độ LDL ở ngưỡng <70mg/dL giúp giảm nguy cơ tai biến nguy hiểm.
- Điều chỉnh huyết áp:
Mức huyết áp khuyến cáo của bệnh nhân mắc bệnh động mạch chi dưới là <140/90mmHg. Riêng người suy thận hoặc đái tháo đường cần theo dõi huyết áp thấp hơn <130/80mmHg.
- Kháng tiểu cầu:
Sử dụng thuốc kháng tiểu cầu giúp giảm tối đa các biến chứng về mạch máu. Sử dụng thuốc Clopidogrel lớn hơn ASA giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở người mắc bệnh động mạch ngoại biên.
2. Biện pháp điều trị cải thiện chức năng
- Phương pháp tập luyện:
Người mắc bệnh động mạch chi dưới cần áp dụng các bài tập vật lý trị liệu giúp giảm bớt cơn đau và tăng cường khả năng vận động. Người bệnh có thể đi bộ hoặc đi trên thảm lăn. Khi đau có thể nghỉ ngơi và tập kéo dài khoảng 30 phút – 1 tiếng. Mỗi đợt tập sẽ được tiến hành ít nhất 3 lần trong 1 tuần và duy trì khoảng 3 tháng.
- Dùng thuốc:
Kê đơn naftidrofuryl và cilostazol giúp giảm đau khập khiễng. Trong đó, naftidrofuryl là loại thuốc thuộc nhóm đối kháng 5-hydroxytryptamine type 2 giúp cải thiện chức năng cơ, ngăn chặn tập kết tiểu cầu và hồng cầu với liều lượng ban đầu là 600mg/ ngày. Cilostazol là nhóm thuốc ức chế phosphodiesterase III giúp giãn mạch, kháng tiểu cầu.
3. Điều trị tái thông mạch máu bằng phẫu thuật
Người mắc bệnh động mạch chi dưới cần được tư vấn các biện pháp tái thông can thiệp nội mạch, hoặc phẫu thuật mạch máu phù hợp với tình trạng bệnh. Phẫu thuật tái thông động mạch cần căn cứ vào độ tuổi và dạng tổn thương mạch máu. Áp dụng can thiệp nội mạch cho những trường hợp tổn thương nặng, không thể điều trị bằng dùng thuốc.
Bệnh động mạch chi dưới ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động, làm gia tăng nguy cơ tử vong cao nhất là ở bệnh nhân lớn tuổi và có bệnh lý nền. Chẩn đoán và điều trị sớm là yếu tố quan trọng để giảm triệu chứng và gia tăng cơ hội sống cho bệnh nhân.