Vết thương hoại tử khô xử lí như thế nào để tránh nhiễm trùng?
Vết thương hoại tử khô là hiện tượng khá hiếm gặp. Hoại tử khô chủ yếu diễn ra ở vùng đầu chi, làm chi chuyển sang màu đen đặc, thậm chí có thể bong da và mất khả năng vận động. Làm thế nào để ngăn chặn hoại tử khô lan rộng? Nội dung bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm ra giải pháp giúp điều trị hiệu quả hoại tử khô.
Vết thương hoại tử khô: Hình thành do các nguyên nhân nào?
Hoại thư khô khác với hoại tử ướt là ở chỗ một phần của cơ thể bị cắt đột ngột nguồn cung cấp máu và không có biểu hiện lở loét, chảy dịch, chảy mủ. Vết thương hoại tử khô thường xảy ra ở các đầu chi như bàn tay, bàn chân, nhưng cũng có thể lan rộng đến cả cánh tay hoặc cẳng chân.
Người mắc nguy cơ tiềm ẩn như bệnh về mạch máu, bệnh tiểu đường, bệnh tự miễn thường có nguy cơ cao bị hoại tử khô. Cụ thể các yếu tố làm tăng nguy cơ hoại tử khô bao gồm:
- Bệnh tiểu đường: Lượng đường huyết cao trong máu làm cản trở lưu thông máu và gia tăng biến chứng bệnh mạch máu ngoại biên, làm các vết thương khó lành.
- Bệnh mạch máu: Một số bệnh mạch máu thường gặp nhất là bệnh động mạch ngoại biên, viêm tắc động mạch, viêm tắc tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch… làm giảm lưu lượng máu đến các chi.
- Bệnh tự miễn: Điển hình nhất là viêm mao mạch hoại tử khiến các nốt xuất huyết trên da dần lở loét, hoại tử. Ngoài ra, hội chứng Raynaud cũng khiến mạch máu bị co thắt, làm các ngón tay, ngón chân dần tắc hẹp.
- Nghiện thuốc lá: Thành phần của thuốc lá làm nghẽn động mạch, giảm lưu thông máu và tăng nguy cơ hình thành bệnh Bueger gây hoại tử, tím đen bàn tay.
Ngón chân hoại tử khô do bệnh đái tháo đường
Ngoài ra, một số bệnh lý khác cũng là nguyên nhân dẫn đến hoại tử khô như: bỏng lạnh, vết thương do tai nạn.
Vết thương hoại tử khô có đặc điểm da khô lại, đổi từ màu nâu đến tím xanh, rồi dần đen đặc lại. Diễn biến hoại tử khô thường chậm và đến cuối cùng các mô tế bào dần bong ra. Hoại tử khô có thể biến chứng thành hoại tử ướt nếu vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng.
Hoại tử khô và hoại tử ướt là 2 dạng hoại tử phổ biến nhất. Ngoài ra còn có các dạng hoại tử khác như: hoại tử sinh hơi, hoại tử vùng mặt, hoại tử nội tạng, hoại tử Fournier (liên quan đến đường tiết niệu), hoại tử Meleney (thường xuất hiện sau phẫu thuật).
Vết thương hoại tử khô nguy hiểm như thế nào?
Hoại tử khô là bệnh lý nghiêm trọng bắt buộc phải được điều trị khẩn cấp. Khi nhận thấy các biểu hiện của hoại tử khô, người bệnh cần lập tức tới bệnh viện để được kiểm tra và phác đồ điều trị phù hợp nhất:
- Vùng chi lạnh, tê, vận động khó khăn.
- Da khô.
- Có dấu hiệu teo chi.
- Chân khập khiễng, hoặc bị co rút.
- Cảm giác như có kim châm, kiến cắn ở chân.
- Vùng chi bệnh có dấu hiệu chuyển sang màu đỏ, tím, đen.
- Đau nhức, khó chịu.
Khi có các dấu hiệu sốc nhiễm trùng như: sốt, huyết áp thấp, thở gấp, thiếu minh mẫn… cần phải được cấp cứu ngay để giữ lại mạng sống. Đặc biệt, một số bệnh nhân có thể không cảm thấy đau nên chỉ khi thăm khám khi đầu chi chuyển sang màu đen dẫn đến điều trị muộn và khó khăn. Không ít trường hợp phải cắt bỏ chi để bảo toàn tính mạng.
Hoại tử khô ở các đầu ngón chân
Nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ cao mắc hoại tử khô nên thường xuyên đi thăm khám định kỳ để phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt.
Phương pháp y khoa điều trị vết thương hoại tử khô
1. Phẫu thuật loại bỏ mô tế bào chết
Vết thương hoại tử khô có các mô tế bào chết không thể phục hồi cần phải phẫu thuật loại bỏ. Phẫu thuật này bao gồm:
- Cắt lọc phần da bị hoại tử: Bác sĩ sử dụng các dụng cụ vô trùng để cắt và bỏ đi các mô tế bào chết.
- Đoạn chi: Phẫu thuật cắt cụt chi áp dụng cho trường hợp nặng, không có khả năng hồi phục, có nguy cơ lây lan ảnh hưởng đến những vùng khác và có thể đe dọa tính mạng.
2. Liệu pháp oxi cao áp
Đây là phương pháp đặt bệnh nhân vào buồng chứa không khí nén. Sau đó, bệnh nhân sẽ được trùm đầu và thở oxi tinh khiết. Biện pháp này giúp tăng lượng oxi trong máu, cải thiện lưu thông máu ở vùng chi hoại tử. Liệu pháp này thường được áp dụng cho những bệnh nhân có vết thương hoại tử do bệnh tiểu đường để giảm thiểu nguy cơ cắt cụt chi.
3. Phẫu thuật bắc cầu và tạo hình mạch máu
Phẫu thuật bắc cầu và tạo hình mạch có thể áp dụng điều trị vết thương hoại tử khô. Phương pháp này tăng cường lưu thông máu và ngăn chặn nguy cơ cắt bỏ bộ phận bị hoại tử. Trong đó, phẫu thuật bắc cầu giúp chuyển hướng lưu thông máu. Bác sĩ chuyên khoa thường áp dụng kĩ thuật ghép nối tĩnh mạch với phần động mạch lành lặn.
Tạo hình mạch là thủ thuật sử dụng quả bóng nhỏ đặt bên trong lòng động mạch, sau đó quả bóng sẽ phồng to lên để nong mạch máu, giúp máu lưu thông tốt hơn. Bác sĩ chuyên khoa có thể cân nhắc đặt dụng cụ ống Stent để nong mạch máu.
4. Thuốc giảm kích cỡ cục máu đông
Bác sĩ chuyên khoa có thể kê đơn thuốc chống đông máu giúp giảm kích cỡ huyết khối, cải thiện lưuu lượng máu. Thuốc chống đông máu thường dùng nhất là Warfarin (liều dùng 2 – 5mg). Tác dụng phụ của thuốc chống đông máu là làm tăng nguy cơ chảy máu. Vì vậy, không sử dụng thuốc chống đông cho những bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp, bệnh tim, bệnh gan, thận, ung thư, rối loạn đông máu…. Thuốc chống đông máu bắt buộc phải dùng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
5. Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh có thể dùng cho những bệnh nhân có vết thương hoại tử khô đang có biểu hiện nhiễm trùng. Các loại thuốc kháng sinh thường được kê đơn bao gồm: Penicillin G (công dụng ức chế vi khuẩn sinh sôi), Clindamycin (tiêu diệt vi khuẩn bằng cách chặn quá trình sản xuất protein ở vi khuẩn).
Quy trình chăm sóc vết thương hoại tử khô
1. Hướng dẫn bài tập vật lý trị liệu cho người mắc vết thương hoại tử khô
Bạn sẽ được hướng dẫn các liệu pháp phục hồi chức năng ngón tay, ngón chân, bàn chân, bàn tay. Các bài tập đơn giản như: đi bộ, khiêu vũ, đạp xe, nhảy dây… hàng ngày sẽ giúp tăng cường vận động để thúc đẩy máu lưu thông tốt nhất.
Ngoài ra, để kích thích tuần hoàn máu, người bệnh cũng có thể tham khảo các bài tập cho vai, cẳng tay, cổ tay, ngón tay, hông, đầu gối, bàn chân… bằng các tư thế xoay, gập, duỗi cũng giúp hỗ trợ cải thiện bệnh.
2. Ngừng hút thuốc
Khói thuốc lá làm co thắt mạch máu, dẫn đến các mô chết nhanh hơn do không nhận đủ máu huyết. Vì vậy, ngưng hút thuốc lá sẽ khiến lưu lượng máu hoạt động tốt hơn, các chi nhận đủ dinh dưỡng và oxi sẽ nhanh chóng phục hồi hơn.
3. Thay đổi chế độ ăn
Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các vết thương hoại tử khô. Bác sĩ chuyên khoa khuyến khích người bệnh nên ăn thực phẩm giàu đạm nhưng ít chất béo để hỗ trợ chữa lành tổn thương ở cơ và mô tế bào. Nhóm thực phẩm nên tăng cường như: cá nước ngọt, phô mai, gà (bỏ da), thịt lợn nạc, các loại hạt, đậu, trứng, lạc….
Thực phẩm giàu Germanium và thực phẩm giàu chống oxi hóa cũng nên tăng cường trong bữa ăn. Nhóm thực phẩm có chứa hàm lượng Germanium cao như: nấm hương, tỏi, hành, bột mì, nhân sâm, lô hội, rau xanh, cám… giúp tăng cường hệ miễn dịch và chữa lành các vết thương hở.
Người bệnh cũng cần tránh nhóm thực phẩm có nhiều chất béo và đường ngọt như: các loại bánh ngọt, đồ chiên xào, mỡ động vật, nội tạng động vật, thịt đỏ, hải sản, thịt chó.
Riêng với người mắc bệnh tiểu đường cần đặc biệt áp dụng chế độ ăn theo lời khuyên của bác sĩ, hạn chế tối đa lượng đường nạp vào cơ thể, đồng thời thường xuyên kiểm tra lượng đường huyết. Ngoài ra, người đái tháo đường cũng cần chú ý kiểm tra chân, tay hàng ngày để phát hiện sớm các vết nứt và báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa.
Người bệnh cũng cần hạn chế tối đa rượu, bia nạp vào trong cơ thể vì bia rượu cũng là những tác nhân ảnh hưởng xấu đến thành mạch.
4. Hướng dẫn chăm sóc vết thương hoại tử khô
Hàng ngày người bệnh cần giữ vết thương hoại tử khô luôn sạch. Người bệnh có thể sát trùng vết thương bằng nước oxi già hoặc dung dịch betadine, sau đó bôi thuốc kháng sinh. Bạn nên hỏi bác sĩ chuyên khoa về việc có nên băng bó vết thương hay không và dùng thuốc như thế nào.
Vết thương hoại tử khô có thể điều trị ở giai đoạn sớm. Để tránh mất khả năng vận động, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra và tuân thủ phác đồ điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.