Cách xử lý vết thương bị hoại tử theo hướng dẫn của bác sĩ
Vết thương bị hoại tử nếu không biết cách điều trị và chăm sóc hàng ngày có thể lan rộng, thậm chí tiến triển thành nhiễm trùng máu gây tử vong. Bài viết giúp bạn biết cách xử lý vết thương bị hoại tử giúp mô tế bào bị thương tổn nhanh chóng phục hồi.
Cách xử lý vết thương bị hoại tử: Cần căn cứ vào cấp độ hoại tử
Hoại tử là biểu hiện nặng nhất khi mô tế bào bị chết không có khả năng phục hồi trở lại. Hoại tử gồm có 2 loại là: hoại tử khô và hoại tử ướt. Hoại tử khô thường gặp ở những bệnh nhân mắc viêm tắc mạch máu, bệnh Bueger (gặp ở người nghiện thuốc lá) làm các đầu ngón tay, ngón chân khô lại, màu đen, bong tróc. Hoại tử ướt thường hình thành ở các vết thương hở, có biểu hiện loét ra, chảy dịch vàng, xanh hoặc lẫn nước, máu, mủ.
Hoại tử thường có các biểu hiện nhận biết dễ dàng như:
- Những cơn đau: Càng hoại tử nặng thì người bệnh càng cảm thấy đau đớn dữ dội. Tuy nhiên, hoại tử khô thường ít gây đau như hoại tử ướt. Các vết thương hoại tử ướt ngoài đau đớn còn có triệu chứng sưng, nóng đỏ, loét da.
- Vết thương có mùi lạ: Những vết thương hở có mùi hôi, tanh, thậm chí mùi thối là các dấu hiệu điển hình cho thấy vết thương bị nhiễm trùng. Để xử lý tình trạng này, người bệnh cần phải làm sạch vết thương bằng dung dịch sát khuẩn kết hợp với loại bỏ mô tế bào bị hoại tử để làm hết mùi ở vết thương.
- Sốt: Người bệnh thường có biểu hiện sốt nhẹ hoặc sốt cao, tùy thuộc vào mức độ chấn thương hoặc nhiễm trùng. Nếu có biểu hiện sốt cao trong nhiều giờ cần phải đến ngay bệnh viện để kiểm tra, làm xét nghiệm máu, tránh nhiễm trùng huyết có thể đe dọa tính mạng.
Cách xử lý vết thương bị hoại tử có dấu hiệu đau nhức, có mùi, chảy máu mủ… cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ để có biện pháp chăm sóc và điều trị phù hợp nhất.
Hoại tử da do viêm tắc động mạch ở tay
Cách xử lý vết thương bị hoại tử: Phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh
Một số nguyên nhân hoại tử thường gặp nhất bao gồm:
- Hoại tử do nhiễm trùng: Các loại liên cầu, tụ cầu, vi khuẩn xâm nhập vào vết thương hở đều có thể dẫn đến lở loét, đau nhức, hoại tử mô. Xử lí vết thương này cần làm sạch mô tế bào chết, sau đó uống thuốc kháng sinh, kháng viêm là ổn. Tình trạng này thường không quá nghiêm trọng và dễ điều trị nhất.
- Hoại tử do bệnh lý: Bệnh đái tháo đường, viêm tắc mạch máu, viêm mao mạch hoại tử, viêm tắc động mạch… đều gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến lưu thông máu huyết đến các chi, dẫn đến lở loét, hoại tử nhiều. Trường hợp này, ngăn chặn hoại tử cần kết hợp điều trị bệnh lý nền kết hợp với chăm sóc, vệ sinh vết thương. Nếu chỉ vệ sinh bề mặt bên ngoài mà không điều trị bệnh lý nền sẽ dẫn đến hoại tử không dứt.
Điều trị vết thương bị hoại tử cần phải căn cứ vào các biểu hiện bệnh lý đi kèm để loại bỏ triệt những cơn đau nhức và giảm viêm loét.
Hoại tử sâu, lở loét, mưng mủ do viêm mao mạch hoại tử
Hướng dẫn cách xử lý vết thương bị hoại tử: Chăm sóc bề mặt vết thương hở
Tùy thuộc vào cấp độ hoại tử, vị trí hoại tử mà người bệnh cần phải có cách chăm sóc khác nhau. Tuy nhiên, các bước chăm sóc vết thương hoại tử cơ bản nhất thường bao gồm:
- Rửa, vệ sinh vết thương: Khi có biểu hiện nhiễm trùng, hàng ngày cần chú ý vệ sinh vết thương bằng dung dịch sát khuẩn, nước muối sinh lý, không nên vệ sinh bằng xà phòng hay các loại thuốc có thành phần gây kích ứng làm tổn thương nhiều hơn.
- Loại bỏ mô tế bào chết: Đây là việc làm cần thiết giúp loại bỏ vi khuẩn, mô hoại tử, dịch mủ… để giảm nhiễm trùng. Việc quan trọng này cần được tiến hành bởi bác sĩ chuyên khoa, sử dụng các dụng cụ vô trùng để cắt bỏ phần hoại tử. Nếu vết hoại tử sâu, bác sĩ có thể thực hiện gây tê để giảm đau đớn cho người bệnh. Người bệnh không nên tự ý làm để tránh nhiễm trùng.
- Dùng thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh được sử dụng cho những trường hợp có biểu hiện nhiễm trùng như: sưng, đỏ, đau, nóng xung quanh bề mặt vết thương. Bác sĩ sẽ thực hiện kê đơn thuốc chống viêm dạng gel bôi hoặc dạng uống. Uống và bôi thuốc kháng sinh cần đúng với đơn thuốc của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý giảm, tăng hoặc dừng thuốc nếu chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Về vấn đề băng bó vết thương: Băng vết thương chỉ áp dụng cho những trường hợp nặng, các vết hoại tử nhẹ, hoặc hoại tử do các bệnh lý nền như viêm mao mạch hoại tử, viêm tắc tĩnh mạch… không nhất thiết phải băng bó. Bệnh nhân có thể tham khảo sử dụng gạc mỏng phủ lên trên bề mặt để giúp vết thương mau lành.
Ngoài việc theo dõi, vệ sinh vết thương bị hoại tử hàng ngày, người bệnh cũng nên kết hợp thay đổi chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp để giảm bớt các triệu chứng bệnh như:
- Không dùng thuốc lá hoặc rắc thuốc kháng sinh bừa bãi lên bề mặt vết thương hở để tránh tạo nên các vết loét sâu.
- Hạn chế tránh tỳ đè vào vết thương để giảm thiểu tối đa vi khuẩn xâm nhập. Bệnh nhân có thể dùng găng tay y tế, bơm đầy nước vào trong rồi buộc chặt, đặt bên dưới vùng vết thương để hạn chế cử động, va chạm vào vùng vết thương.
- Kiểm soát chế độ ăn uống: Người bệnh nên ăn thực phẩm lỏng, đồ ăn dễ tiêu hóa, các loại quả giàu vitamin C, rau xanh… để tăng hệ miễn dịch, hỗ trợ tái tạo tế bào da. Các thực phẩm người bị hoại tử không nên ăn bao gồm: hải sản, thịt bò, thịt chó, đồ nếp, da gà… làm cho vết thương mưng mủ, đau nhức hơn.
Trên đây là các cách xử lý vết thương bị hoại tử theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu bạn đang mắc viêm tắc tĩnh mạch, viêm mao mạch hoại tử, đái tháo đường… có biểu hiện hoại tử da cần tới bệnh viện để được chăm sóc và điều trị kết hợp.