Tắc mạch chi dưới: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị theo Y học cổ truyền
Tắc mạch chi dưới là bệnh lý hình thành do cục máu đông hoặc mảng xơ vữa làm tắc nghẽn lòng mạch. Bệnh làm phần chi không được nuôi dưỡng sẽ hoại tử sớm trong khoảng vài giờ đến vài ngày.
Tắc mạch chi dưới: Quan điểm theo Tây y
Tắc động mạch nuôi chi cấp tính có thể xảy ra do cục máu đông hoặc mảng xơ vữa đi từ hệ thống tuần hoàn khác đến chi dưới và nghẽn lại dẫn đến tắc nghẽn động mạch cấp tính. Cục máu đông cũng có thể xuất hiện ngay ở vùng động mạch bị tắc hẹp dẫn đến bệnh.
Tắc mạch chi dưới gây nên các triệu chứng lâm sàng như sau:
- Những cơn đau: Tình trạng đau thường dữ dội ở vùng chi bị tắc nghẽn, làm người bệnh đi lại, vận động rất khó khăn, thậm chí có thể phải nằm liệt giường.
- Triệu chứng dị cảm chân: Cảm giác tê bì, kiến bò ở chân.
- Lạnh chi: Ở vùng chi bị tắc động mạch sẽ có cảm giác chi lạnh do không nhận được máu huyết nuôi dưỡng chi.
- Màu sắc chân biến đổi: Chi không nhận được máu huyết sẽ đổi sang màu nhợt nhạt, sau đó đốm tím hoại tử dần xuất hiện ở vùng thiếu máu nặng.
- Mất mạch: Tắc mạch chi dưới nặng khi thăm khám còn không nhận thấy mạch đập hoặc mạch đập rất yếu.
- Biểu hiện liệt cơ: Động mạch bị tắc nghẽn sẽ tác động đến vùng chi làm giảm lưu thông máu, khiến các đầu chi yếu đi, sau đó có thể liệt cơ.
Tây y xếp tắc mạch chi dưới vào nhóm bệnh mạch máu ngoại biên nguy hiểm cần phải phải điều trị khẩn cấp để tránh biến chứng liệt cơ và teo chi.
Hình ảnh mạch máu tắc nghẽn làm lưu lượng máu giảm
Tắc mạch chi dưới: Quan điểm theo Y học cổ truyền
Theo Y học cổ truyền, tắc mạch chi dưới có thể gây tàn phế vì phải cắt cụt chi để bảo toàn tính mạng, nặng hơn còn dẫn đến tử vong đột ngột. Đông y gọi bệnh tắc mạch chi dưới là “thoát cốt thư”, hoặc “cốt thư”. Căn bệnh này hình thành do các nguyên nhân như:
- Ngoại nhân: Do thấp tà, hàn tà, hỏa tà xâm nhập.
- Bất nội ngoại nhân: Do lao thương, chế độ ăn uống không lành mạnh.
- Do thất tình, khí huyết, đàm ẩm gây nên.
Trong đó, hàn tà gây tắc ứ huyết mạch, đau nhức chi. Hàn tà lâu ngày hóa hỏa, làm cho chi dưới sưng tấy, lở loét hóa mủ, phù thũng. Thất tình là ngũ tạng bị mất cân bằng, khiến khứ huyết ứ trệ, đi lại khó khăn. Lao thương, ăn uống quá độ cũng khiến khí huyết mất cân bằng, gây ứ huyết.
Đoạn chi do tắc mạch máu chi dưới không phải trường hợp hiếm gặp
Người bệnh mắc tắc mạch chi dưới sẽ có các triệu chứng nhận biết điển hình như: mạch máu co thắt dẫn đến thiếu máu, lạnh chi, tê bắp chân, tê bàn chân, da chân có màu nhợt nhạt rồi dần chuyển sang tím tái. Khi bệnh nặng, cường độ cơn đau nhiều, đầu ngón chân có thể bị hoại tử, chân lạnh teo nhợt nhạt, cơ thể mệt mỏi.
Một số vị thuốc thường dùng để điều trị bệnh tắc mạch chi dưới như: thảo dược hoạt huyết (Hồng hoa, Đào nhân, Xuyên khung, Đan sâm, Ngưu tất, Ích mẫu thảo….), thảo dược tiêu viêm (Kim ngân hoa, Bồ công anh, Liên kiều, Thương nhĩ tử, Hoàng bá, Ngưu bàng tử….), thảo dược trừ thấp (Thổ phục linh, Độc hoạt, Bạch linh, Tỳ giải….), thảo dược bổ huyết (Đương quy, Bạch truật, Hoàng kỳ, Sinh địa, Thục địa, Bạch thược, Mạch môn….), thảo dược ôn kinh tán hàn (Xuyên khung, Phụ tử, Sa nhân, Quế chi….).
Gợi ý một số bài thuốc Đông y trị tắc mạch chi dưới
1. Bài thuốc trị thể khí trệ huyết ứ
Người bệnh có dấu hiệu: Chi bị thương tổn, mặt u ám, da trắng nhợt nhạt, teo chi, lưỡi xám tía hoặc hồng, mạch huyền tế, trầm huyền.
Pháp trị: Áp dụng các dược liệu hành khí, hoạt huyết, giải uất. Tham khảo một số bài thuốc sau:
- Bài thuốc Hoạt huyết thông mạch ẩm:
Đan sâm 12g Thương truật 12g
Hoàng bá 10g Ý dĩ nhân 12g
Đào nhân 8g Đương quy 12g
Kim ngân hoa 16g Xích thược 12g
Địa long 12g Ngưu tất 16g
Cam thảo 4g Thổ phục linh 16g.
Sắc thuốc uống mỗi ngày 1 thang chia làm 2 lần.
- Bài thuốc Tứ diệu dũng an thang:
Kim ngân hoa 16g Cam thảo 4g
Đương quy 10g Nhân sâm 8g
Bạch linh 12g Bạch thược 12g
Xuyên khung 8g Mạch môn 12g
Bồ công anh 12g
Sắc uống mỗi ngày 1 thang chia làm 2 lần uống sau ăn.
2. Bài thuốc trị thể hàn thấp
Người mắc hàn thấp có biểu hiện chi lạnh, da trắng bợt, đau nhức, chuột rút nhiều vào ban đêm, lưỡi nhợt nhạt. Người bệnh nên tham khảo 1 số bài thuốc sau:
- Bài thuốc Tứ vật đào hồng:
Xuyên khung 8g Đương quy 10g
Đào nhân 8g Bạch thược 12g
Thục địa 13g Hồng hoa 8g
Sắc thuốc uống mỗi ngày 1 thang chia làm 2 lần.
- Bài thuốc Quế chi thang:
Bạch thược 12g Quế chi 6g
Đại táo 3 quả Cam thảo 4g.
Sắc thuốc uống mỗi ngày 1 thang chia làm 2 lần.
3. Bài thuốc trị thể thấp nhiệt
Bệnh nhân có dấu hiệu hoại tử khô hoặc hoại tử ướt các đầu ngón tay, phù nề chi, có thể sốt, mạch huyền sác, lưỡi rêu vàng.
Áp dụng bài thuốc Giải độc tế sinh thang:
Đương quy 10g Cam thảo 4g
Hoàng cầm 10g Kim ngân hoa 12g
Hoàng bá 10g Mạch môn 12g
Thiên hoa phấn 10g Phục linh 12g
Ngưu tất 12g Hồng hoa 8g
Viễn chí 8g Sài hồ 8g
Xuyên khung 8g
Sắc thuốc uống mỗi ngày 1 thang chia làm 3 lần uống sau ăn.
4. Bài thuốc thể khí huyết lưỡng hư
Tắc mạch chi dưới do khí huyết lưỡng hư có biểu hiện cơ thể mệt mỏi, suy sụp, ăn ngủ kém, người gầy sút, mạch nhược tế, lưỡi rêu trắng mỏng, trên chi có nhiều vết loét, chảy mủ…. Tham khảo một số bài thuốc như:
- Bài thuốc Thập toàn đại bổ:
Xuyên khung 8g Cam thảo 4g
Đương quy 10g Nhân sâm 8g
Quế chi 6g Hoàng kỳ 12g
Thục địa 12g Bạch thược 12g
Bạch linh 12g.
Sắc thuốc uống mỗi ngày 1 thang.
- Bài thuốc Bát trân thang:
Nhân sâm 8g Cam thảo 4g
Đương quy 10g Xuyên khung 8g
Bạch linh 12g Bạch thược 12g
Thục địa 12g Bạch truật 12g
Sắc thuốc uống mỗi ngày 1 thang chia làm 3 lần uống trong ngày.
Trên đây là tổng hợp kiến thức về tắc mạch chi dưới theo quan điểm của Y học cổ truyền. Sử dụng các thảo dược Đông y cần kiên trì kết hợp sinh hoạt, ăn uống lành mạnh để bệnh được đẩy lùi.