Viêm tắc động mạch chi dưới điều trị theo Tây y cần chú ý gì?
Viêm tắc động mạch chi dưới là căn bệnh thiếu máu chân mạn tính, có thể khiến bệnh nhân mất khả năng đi đứng, vận động. Người bệnh có thể phải đối mặt với tình trạng hoại tử bàn chân lan rộng, thậm chí cắt cụt chi sống thực vật và tử vong do nhiễm trùng.
Những ai dễ bị viêm tắc động mạch chi dưới?
Viêm tắc động mạch chi dưới có thể do các mảng xơ vữa hoặc cục máu đông hình thành trong lòng động mạch. Khi bị nghẽn tắc động mạch sẽ làm cho lưu lượng máu nuôi chân giảm rõ rệt. Bệnh càng nặng chi thiếu máu càng cao dẫn đến viêm loét, hoại tử hình thành.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm tắc động mạch bao gồm: người hút thuốc lá, người lớn tuổi, có bệnh huyết áp, đái tháo đường, ít vận động…. Ngoài ra, những người có tiền sử gia đình đã từng có bố mẹ, anh em ruột mắc bệnh xơ vữa động mạch cũng có nguy cơ cao bị bệnh.
Động mạch bị hẹp hoặc tắc nghẽn dẫn đến viêm tắc
Nguyên nhân dẫn đến viêm tắc động mạch chi dưới
Xơ vữa động mạch và cục huyết khối xuất hiện trong lòng mạch là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm tắc động mạch chi dưới. Bệnh ảnh hưởng nhiều đến vận động, sinh hoạt, thậm chí có thể tàn phế, sống thực vật. Phát hiện bệnh muộn làm việc điều trị rất khó khăn.
Biểu hiện của viêm tắc động mạch chi dưới
Người mắc viêm tắc động mạch chi dưới sẽ có các dấu hiệu nhận biết cơ bản như:
- Đau: Mức độ đau tùy thuộc vào vị trí viêm, thời gian mắc bệnh, mức độ tắc nghẽn.
- Mất mạch: Không nhận thấy mạch ở mu chân, nếu nghi ngờ cần phải thực hiện kĩ thuật siêu âm Doppler ngay.
- Thay đổi màu da chi: Chi lạnh và da nhợt nhạt.
- Tê bì, dị cảm chi.
- Liệt chi, mất khả năng vận động.
Dựa vào các dấu hiệu lâm sàng mà bác sĩ chuyên khoa chia viêm tắc động mạch chi dưới thành các giai đoạn:
- Giai đoạn I: Người bệnh vẫn còn cảm giác ở chi và khả năng vận động tốt, kiểm tra thấy mạch đập.
- Giai đoạn IIa: Người bệnh không bị yếu cơ, vẫn còn khả năng vận động nhưng cảm giác ở đầu chi dần yếu và mất.
- Giai đoạn IIb: Người bệnh mất hoàn toàn cảm giác ở chi, phía trên các ngón chân có biểu hiện liệt nhưng không hoàn toàn. Trường hợp này cần điều trị can thiệp khẩn cấp để phục hồi chức năng chi.
- Giai đoạn III: Người bệnh bị liệt chi, mất cảm giác ở chi và nhiễm trùng nặng. Rất khó để bảo tồn chi khi bệnh nặng, có thể bắt buộc phải cắt cụt chi để tránh nhiễm trùng lan rộng.
Để chẩn đoán chính xác viêm tắc động mạch chi dưới cần kết hợp chụp cắt lớp vi tính đa dãy (thực hiện tiêm thuốc cản quang) hoặc siêu âm mạch máu.
Viêm tắc động mạch dẫn đến hoại tử ngón chân
Phương pháp điều trị viêm tắc động mạch chi dưới
Viêm tắc động mạch chi dưới nếu không được can thiệp giúp máu lưu thông đến các đầu chi, có thể dẫn đến bắt buộc phải cắt cụt chi do hoại tử. Vì vậy, phát hiện sớm và điều trị đúng được xem là cách tốt nhất để điều trị bệnh.
- Điều trị viêm tắc động mạch chi dưới bằng thuốc:
Thuốc chống huyết khối (chống ngưng tập tiểu cầu), thuốc vận mạch, giảm đau… cần được sử dụng đúng theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa để tăng lưu lượng máu, hỗ trợ máu huyết lưu thông đến nuôi dưỡng các chi.
- Điều trị bằng viêm tắc động mạch chi dưới bằng phương pháp can thiệp mạch:
Can thiệp nội mạch là phương pháp sử dụng tiểu phẫu, luồn thiết bị vào trong lòng động mạch bị hẹp, thực hiện nong đoạn hẹp và đặt Stent giúp ngăn chặn tắc hẹp lòng mạch.
- Điều trị viêm tắc động mạch chi dưới bằng biện pháp ngoại khoa:
Phẫu thuật ngoại khoa, bác sĩ sẽ thực hiện cắt đi vùng động mạch bị bệnh và nối bằng động mạch khỏe mạnh để cải thiện tuần hoàn máu.
Lời khuyên:
Với những bệnh nhân mắc viêm tắc động mạch chi dưới có bệnh lý nền như đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu cần được tích cực phối hợp điều trị. Người bệnh cũng cần sống lành mạnh, không hút thuốc lào, thuốc lá, không dùng các chất kích thích như bia, rượu. Chế độ ăn uống cũng nên hạn chế ăn đồ nhiều muối, nhiều đường, nhiều dầu mỡ, nên tăng cường ăn các món luộc, hấp, rau củ quả, ngũ cốc để tuần hoàn máu được cải thiện. Bệnh nhân cũng cần chú ý tăng cường thể lực, vận động nhẹ nhàng để cơ thể khỏe mạnh.