Viêm tắc động mạch điều trị bằng Y học hiện đại hiệu quả không?
Viêm tắc động mạch còn được gọi là bệnh tắc động mạch ngoại biên, chủ yếu xảy ra ở chi dưới. Viêm tắc động mạch nặng có thể làm cho chi dưới bị hẹp hoặc tắc hoàn toàn, không nhận được máu nuôi dưỡng chi dẫn đến cơ nhục tổn thương, hoại tử hình thành.
Tìm hiểu chung về bệnh viêm tắc động mạch
Viêm tắc động mạch có thể xảy ra ở bất kì đoạn mạch nào của cơ thể như: động mạch thận, động mạch cảnh… nhưng đa số gặp ở động mạch chi dưới. Thống kê cho thấy có khoảng 12 – 14% dân số mắc bệnh này, trong đó tỉ lệ người bệnh trên 70 tuổi chiếm 20%. Đặc biệt tỉ lệ người bệnh đái tháo đường trên 50 tuổi cũng chiếm 1/3 bệnh nhân viêm tắc động mạch. Năm 2010, thế giới có khoảng 202 triệu người mắc viêm tắc động mạch chi, và có khoảng 41.000 người tử vong vì căn bệnh này.
Nguyên nhân gây bệnh được xác định là do trong lòng mạch có đoạn xơ vữa hoặc cục máu đông xuất hiện. Do căn bệnh này diễn biến rất âm thầm, đặc biệt khoảng 70 – 80% các trường hợp không có dấu hiệu nhận biết rõ rệt ở giai đoạn sớm.
Viêm tắc động mạch làm giảm nhanh lưu lượng máu đến các chi. Lâu dần sẽ làm cho khả năng vận động chi kém đi, các cơn đau nhức tăng dần. Khi gặp triệu chứng này, không ít bệnh nhân nhầm lẫn với bệnh tuổi già hoặc xương khớp, dẫn đến điều trị sai và làm cho bệnh nặng nề hơn.
Động mạch bị tắc nghẽn 1 phần hoặc hoàn toàn dẫn đến viêm tắc
Một số giai đoạn bệnh viêm tắc động mạch
Các triệu chứng của viêm tắc động mạch được chia làm 2 giai đoạn chính như sau:
- Giai đoạn sớm: Các dấu hiệu lâm sàng thường rất mờ nhạt. Trong đó, đặc trưng nhiều nhất là những cơn đau ở bắp chân do không nhận đủ máu huyết cung cấp cho chi. Triệu chứng này thường dễ bị bỏ qua do cơn đau nhiều khi lao động, đi lại nhưng nghỉ ngơi thì thấy đỡ. Vì vậy, nhiều người không chủ quan đi thăm khám ngay từ giai đoạn sớm này.
- Giai đoạn sau: Cường độ cơn đau nặng nề hơn, diễn ra thường xuyên hơn. Ngay cả khi nghỉ ngơi cũng không thấy đỡ khiến người bệnh khó chịu, mất ngủ, mệt mỏi. Đặc biệt, các vết loét có thể xuất hiện và dễ gây nhầm lẫn với bệnh lý về da liễu. Hoại tử chi nếu không được xử lí kịp thời còn gia tăng và có thể khiến người bệnh phải đối diện với nguy cơ hoại tử, cắt cụt chi.
Người mắc viêm tắc động mạch còn có một số triệu chứng khác như:
- Đau nhiều ở háng hoặc bắp chân, cơn đau gia tăng khi đi đứng lâu hoặc leo cầu thang.
- Chân bị bệnh lạnh hơn so với chân khỏe mạnh.
- Màu da chân chuyển từ tái nhợt sang xanh tím.
- Rụng lông và các móng chân chậm dài ở bên chân bị bệnh.
- Tê bì và yếu chân.
- Sờ thấy mạch bàn chân, cổ chân yếu hoặc mất mạch.
Khi thiếu máu chi trầm trọng sẽ dẫn đến các triệu chứn: lở loét nhiều ở bàn chân, cẳng chân. Bệnh càng nặng, chân hoại tử càng đau và khả năng phục hồi càng kém.
Hoại tử bàn chân nặng do viêm tắc động mạch
Viêm tắc động mạch hình thành do nguyên nhân nào?
Ước tính khoảng 95% bệnh nhân mắc viêm tắc động mạch là do các mảng xơ vữa lòng mạch, còn lại do huyết khối, bệnh Buerger (ở người hút thuốc lá) hoặc thiếu máu do chấn thương, phình động mạch.
Yếu tố nguy cơ gây viêm tắc động mạch bao gồm:
- Nghiện thuốc lá.
- Đái tháo đường.
- Cao huyết áp.
- Béo phì, thừa cân.
- Người cao tuổi (trên 50 tuổi).
- Tiền sử gia đình có người mắc viêm tắc động mạch, bệnh tim mạch hoặc đột quỵ.
Những người có các yếu tố nguy cơ trên sẽ khiến cho lưu lượng máu giảm rõ rệt. Ban đầu người bệnh chỉ cảm thấy đau nhức chân, càng nặng thì cường độ đau càng lớn, sau phát triển thành các vết lở loét không lành. Tổn thương ở chân có thể dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử nặng nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách.
Chẩn đoán cận lâm sàng bệnh viêm tắc động mạch
Khi thăm khám, bác sĩ chuyên khoa căn cứ vào các dấu hiệu cận lâm sàng như sau:
- Mạch yếu, hoặc không cảm nhận thấy mạch ở khu vực hẹp động mạch. Khi thực hiện đặt ống nghe ở chân sẽ nghe thấy tiếng gió rít.
- Tổn thương ở đầu chi gây teo cơ, tím đầu chi, hoại tử ngọn chi.
- Đo chỉ số huyết áp cổ chân và cánh tay, nếu chỉ số này ≤ 0,90 được chẩn đoán viêm tắc động mạch. Nếu chỉ số < 0,40 cảnh báo dấu hiệu bệnh nặng khó có thể phục hồi chi. Nếu chỉ số huyết áp cổ chân và cánh tay bình thường khi đang nghỉ ngơi, nhưng sau khi chạy bộ thấy chỉ số giảm từ 15% – 20% được chẩn đoán viêm tắc động mạch.
- Thực hiện siêu âm đánh giá mức độ lưu thông máu ở vùng động mạch bị hẹp.
- Tiến hành chụp mạch máu kĩ thuật số để xác định mức độ tổn thương để chỉ định phác đồ điều trị thích hợp.
Theo tài liệu phân loại của Rutherford – Baker (1997) sẽ có 4 cấp độ và 7 lọai viêm tắc động mạch như sau:
- Cấp độ 0, Loại 0: Người bệnh không có triệu chứng điển hình.
- Cấp độ I, Loại 1: Chân khập khiễng nhẹ, có đau.
- Cấp độ I, Loại 2: Chân khập khiễng mức độ vừa, đau nhiều.
- Cấp độ I, Loại 3: Chân khập khiễng nặng, đau rất nhiều.
- Cấp độ II, Loại 4: Đau nhiều, đau khi nghỉ ngơi.
- Cấp độ III, Loại 5: Có xuất hiện các vết loét.
- Cấp độ IV, Loại 6: Vết loét chuyển sang hoại tử nghiêm trọng.
Điều trị viêm tắc động mạch theo Y học hiện đại
1. Điều trị bằng thuốc
Cilostazol hay pentoxifylline có thể được kê đơn để cải thiện các triệu chứng đau cách hồi, thiếu máu ở chi. Ngoài ra, bổ sung vitamin B12, Folate cũng giúp giảm nguy cơ các bệnh lý về mạch máu. Tuy nhiên, các loại thuốc này chủ yếu giúp giảm các triệu chứng đau nhức, khó chịu và có thể gây nhiều tác dụng phụ đến hệ tiêu hóa, gan thận nên cần cẩn trọng sử dụng theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Dùng thuốc dự phòng chống tiểu cầu như: Thuốc Aspirin, Clopidogrel giúp ngăn chặn làm hình thành cục máu đông. Ngoài ra, còn có thể áp dụng thuốc statins để hạ Cholesterol, nhằm giảm các nguy cơ tai biến về tim mạch. Các loại thuốc chống đông cũng cần sử dụng theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để ngăn chặn biến chứng xuất huyết.
2. Phục hồi chức năng mạch máu
Một số biện pháp phẫu thuật thường được áp dụng bao gồm:
- Thực hiện tạo hình mạch cho các động mạch lớn (tạo hình qua da). Phương pháp này có tỉ lệ tái phát cao.
- Phẫu thuật loại bỏ mảng xơ vữa hoặc cục máu đông trong lòng mạch.
- Cắt và nối các tĩnh mạch hiển lớn.
- Cắt cụt chi nếu tiên lượng không thể phục hồi chi. Biện pháp này là cần thiết nếu hoại tử quá nặng.
Đặt giá Stent động mạch giúp nong đoạn động mạch tắc
3. Sống lành mạnh
- Cai nghiện thuốc lá.
- Kiểm soát lượng đường huyết.
- Tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn, có thể tham khảo các bài tập chạy bộ trên máy cường độ nhẹ khoảng 30 phút mỗi ngày để thúc đẩy lưu thông máu tốt hơn.
- Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, cắt cụt chi, người bệnh cần chú ý vệ sinh chi hàng ngày sạch sẽ, lựa chọn giày dép phù hợp, đồng thời ăn uống lành mạnh, tăng cường rau xanh, hoa quả, hạn chế các thực phẩm như hải sản, thịt bò, đồ tanh… sẽ hỗ trợ tế bào phục hồi tốt hơn.
Trên đây là một số lưu ý về bệnh viêm tắc động mạch và phương pháp điều trị theo Tây y. Người bệnh hãy theo dõi thêm các bài viết của Khang Mạch Linh để cập nhật nhiều kiến thức ngăn ngừa bệnh lý mạch máu nguy hiểm.