Bệnh hoại tử ngón chân: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị
Bệnh hoại tử ngón chân được coi là hậu quả của việc chăm sóc các vết lở loét không đúng cách gây nhiễm trùng lan rộng. Hoại tử đa số hình thành ở những bệnh nhân có bệnh lý nền như: đái tháo đường, viêm tắc tĩnh mạch…. Nội dung bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm về bệnh lý này.
Bệnh hoại tử ngón chân là gì?
Bệnh hoại tử ngón chân được xem là tình trạng các mô tế bào dần chết đi do nhiều yếu tố tác động. Hoại tử không chỉ gây đau đớn mà còn có thể dẫn đến tử vong khi nhiễm trùng máu. Trong vết hoại tử luôn có chứa các mảnh vụn tế bào và tế bào mô chết, tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
Các mô hoại tử còn có thể lan rộng sang các tế bào mô xung quanh. Khi máu huyết không được điều hòa sẽ dẫn đến các chi không nhận đủ oxi, gây nên biến chứng thoát thư. Phát hiện và điều trị bệnh hoại tử ngón chân sớm, khi hoại tử ở phần mô tế bào, chưa ăn sâu vào phần cơ và gân sẽ làm tăng cơ hội bảo tồn chi.
Hình ảnh các ngón chân bị hoại tử
Nguyên nhân gây bệnh hoại tử ngón chân
Bệnh hoại tử ngón chân có thể được hình thành do rất nhiều nguyên nhân như:
- Do chấn thương, tai nạn: Chấn thương ở chân gây lở loét nếu không được chăm sóc đúng cách có thể dẫn đến nhiễm trùng. Ngoài ra, các yếu tố khác như: hệ miễn dịch kém, bỏng da, bỏng axit hoặc hóa chất… đều có thể khiến vùng da bị thương tổn.
- Do máu lưu thông kém: Ngón chân là nơi có cấu tạo cách xa tim nhất nên tuần hoàn máu thường kém hơn. Khi mắc các bệnh lý nền như bệnh đái tháo đường, viêm tắc mạch máu… càng khiến cho máu huyết không được điều hòa. Chi dưới không nhận đủ máu sẽ dần chết đi và dẫn đến hoại tử.
- Do thói quen hút thuốc lá: Thiêu thụ quá nhiều thuốc lá làm cho mạch máu hẹp lại, lưu thông máu kém đi, dẫn đến các mô tế bào không được nuôi dưỡng. Hoại tử do hút nhiều thuốc lá thường xảy ra ở bàn tay, bàn chân nhiều hơn.
- Do mắc bệnh ung thư: Người mắc bệnh ung thư thường có hệ miễn dịch kém, các vị trí ung thư tế bào sẽ chết đi gây hoại tử.
- Chăm sóc vết lở loét, mụn nhọt không đúng cách: Các nốt mụn nhọt, lở loét ở bàn chân nếu không được chăm sóc theo chỉ dẫn của bác sĩ đều có thể dẫn đến bệnh hoại tử ngón chân.
Ngón chân hoại tử lan rộng ra cả bàn chân
Triệu chứng nhận biết bệnh hoại tử ngón chân là gì?
Bạn có thể nhận biết bệnh hoại tử ngón chân dựa vào các dấu hiệu như sau:
- Vùng da chân bị phù nề, sưng đỏ: Ngay tại vùng ngón chân bị hoại tử sẽ có triệu chứng sưng đỏ, phù nề và đau nhức không yên.
- Có biểu hiện chảy dịch: Bệnh hoại tử ngón chân còn gây chảy dịch mủ xanh hoặc vàng.
- Thay đổi màu sắc da: Vùng da bị hoại tử thường khô hơn, dày hơn, chuyển sang màu nâu hoặc đen. Ở bề mặt vết thương còn có thể chuyển sang màu vàng, màu xanh lá, màu nâu.
- Mùi hôi tanh: Giai đoạn đầu, hoại tử chân thường có mùi hôi tanh, đến khi bệnh nặng chuyển sang mùi hôi thối, đau nhức không yên.
- Có sủi bọt: Trên bề mặt ngón chân hoại tử còn có bọt trắng dẫn đến vi khuẩn xâm nhập.
- Một số biểu hiện khác: sốt cao, mệt mỏi, buồn nôn, đau nhức, tiêu chảy….
Người bệnh mắc hoại tử ngón chân đều có cảm giác đau. Lí do là bởi các vi khuẩn tấn công gây đau đớn gia tăng. Ngoài đau trực tiếp tại vết thương, người bệnh còn phải chịu nhiều cơn đau khác như: tiêu chảy, sốt, mệt mỏi… do nhiễm khuẩn. Riêng người mắc bệnh tiểu đường thường không nhận thấy rõ mức độ đau đớn bởi lượng đường trong máu gia tăng, các mạch máu bị hủy hoại làm hệ thần kinh cảm giác hoạt động kém rõ rệt.
Giải pháp điều trị bệnh hoại tử ngón chân
Nhiễm trùng hoại tử thường có tốc độ lan nhanh chóng sang các vùng lân cận. Nguyên tắc điều trị bệnh hoại tử ngón chân giúp hạn chế tối đa nguy cơ phải cắt cụt ngón chân như sau:
- Xử lí vết thương bị hoại tử: Bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ chuyên dụng, vô khuẩn để loại bỏ hết các mô tế bào chết không có khả năng hồi phục. Người bệnh không nên tự ý loại bỏ các mô tế bào để tránh nhiễm trùng mà cần đến bệnh viện gần nhất để được bác sĩ chăm sóc và điều trị.
- Đối với bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường cần phải có biện pháp kiểm soát tốt lượng đường huyết như dùng thuốc hoặc điều chỉnh chế độ ăn uống. Điều này sẽ giúp giảm những biến chứng của bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến mạch máu.
- Trong quá trình điều trị, bạn cũng kết hợp thay đổi chế độ dinh dưỡng để hạn chế viêm, sưng, mưng mủ. Một số thực phẩm không nên ăn như: thịt gà, đồ nếp, thịt bò, hải sản, đồ tanh, thuốc lá, bia rượu… bởi có thể làm cho các triệu chứng đau nhức, hoại tử tắc nghẽn mạch máu gia tăng.
Không ít người phải chịu nhiều đau đớn vì bệnh hoại tử ngón chân. Thậm chí, nhiều người phải lựa chọn cắt cụt ngón chân để ngăn chặn nhiễm trùng máu. Do vậy những người có nguy cơ cao bị hoại tử như bệnh nhân tiểu đường, người mắc bệnh viêm mạch máu… cần có biện pháp điều trị triệt để kết hợp với chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý để ngăn chặn biến chứng phổ biến này.