Bệnh hoại tử ở người già là do đâu? Có thể chữa được không?
Bệnh hoại tử ở người già hình thành do rất nhiều nguyên nhân. Các vết loét da, hoại tử khiến người già đau đớn, sinh hoạt và vận động phải phụ thuộc vào con cháu. Nội dung bài viết giúp bạn tìm hiểu về nguyên nhân và những cách chăm sóc vết loét ở người già để giảm tối đa nguy cơ dẫn đến hoại tử.
Bệnh hoại tử ở người già nguyên nhân do đâu?
Bệnh hoại tử ở người già thường phát triển từ các vết loét. Trong đó chiếm 70% là vết loét hình thành do van tĩnh mạch bị suy yếu, làm cho máu ứ đọng trong lòng tĩnh mạch, không thể di chuyển trở về tim, khiến loét da.
Suy van tĩnh mạch có thể là nguyên nhân dẫn đến suy giãn tĩnh mạch, thậm chí hình thành huyết khối trong lòng mạch. Bệnh có thể xảy ra ở 1 bên, hoặc cả 2 bên chân. Dấu hiệu loét da là biến chứng nặng của bệnh, thường hình thành do máu bị ứ trệ quá lâu. Biểu hiện của viêm loét hoại tử thường như sau:
- Vết loét to, rộng ở vùng mắt cá chân.
- Vết loét tiến triển, đau nhức, mưng mủ, chảy nước.
- Vết loét có mùi hôi tanh hoặc hôi thối.
Người cao tuổi cũng có thể bị hoại tử, loét da bởi các nguyên nhân sau:
- Loét da do ăn uống kém, thiếu dinh dưỡng.
- Người bị tai biến, phải nằm lâu một chỗ cũng có thể xuất hiện các vết loét ở vị trí tì đè nhiều.
- Do vận động kém khiến máu huyết lưu thông trì trệ, các vùng chi nằm cách xa tim không nhận đủ lượng máu nuôi dưỡng trong thời gian dài.
- Do sức đề kháng kém nên các vết thương, vết loét nhỏ cũng lâu lành, khi bị vi khuẩn xâm nhập sẽ dẫn đến hoại tử.
- Người cao tuổi mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường khiến biến chứng tổn thương bàn chân tăng, khó lành.
Bệnh hoại tử ở người da rất dễ hình thành. Ngay cả các vết loét nhỏ không được vệ sinh, chăm sóc hàng ngày đều có thể tiến triển thành viêm loét. Nếu để hoại tử lan rộng phải bắt buộc cắt lọc đi các tế bào chết, làm cho bệnh nhân đau đớn và vận động phụ thuộc vào người chăm sóc.
Hoại tử da do biến chứng bệnh tiểu đường
Dấu hiệu nhận biết sớm tiến triển loét da hoại tử ở người già
Các vết loét trên da của người già nếu không được vệ sinh hàng ngày, cùng với chế độ ăn uống kém, thiếu hụt các chất dinh dưỡng, thói quen ít vận động càng khiến dẫn truyền máu đến vùng chi bị bệnh kém, làm gia tăng tiến triển hoại tử. Nhất là các vết loét trên da của bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, bại liệt… càng dễ bị lở loét.
Người càng ít vận động thì các vết tì, loét dưới da thường tiến triển hoại tử với các biểu hiện đau đớn nhiều, có thể đau nhức dữ dội. Bề mặt vết loét ửng đỏ lên, có thể kèm theo mụn nước, xung quanh bề mặt có màu đỏ hoặc tím, đen. Mô hoại tử nhìn thấy rõ vết loét, mềm, sờ vào chảy máu, mủ, nước. Vết loét càng nhiễm trùng nặng càng có mùi hôi thối rất ghê sợ.
Người già đang mắc bệnh lý nền như: đái tháo đường, suy giãn tĩnh mạch, viêm tắc tĩnh mạch… cần thường xuyên xem xét các vết loét ở chân để kịp thời điều trị càng sớm càng giảm nguy cơ tiến triển thành hoại tử.
Đôi chân bị hoại tử do viêm tắc tĩnh mạch
Biện pháp chăm sóc và điều trị bệnh hoại tử ở người già
Tùy thuộc vào các nguyên nhân gây loét da mà mỗi người cao tuổi cần được chăm sóc khác nhau như:
- Với người cao tuổi phải nằm lâu 1 chỗ, không ngồi dậy đi lại được cần phải thường xuyên thay đổi tư thế nằm để hạn chế các vết loét tì đè xuống giường.
- Những vùng da bị tì đè nhiều nên vệ sinh sạch sẽ hàng ngày.
- Người có bệnh lý nền như viêm tắc tĩnh mạch, suy giãn tĩnh mạch, đái tháo đường… nên điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ, kết hợp theo dõi biểu hiện của cơ thể hàng ngày.
- Nếu người già có khả năng vận động nên thường xuyên đi lại nhẹ nhàng để máu huyết điều phối đến các cơ quan.
- Về vấn đề thực đơn, dinh dưỡng cho bệnh hoại tử da ở người già cần phải chú ý bổ sung protein, khoáng chất, sinh tố, rau củ, hoa quả… để tăng cường sức đề kháng. Nhóm thực phẩm không nên ăn như: thịt chó, hải sản, đồ chiên xào, dầu mỡ, đồ cay, thuốc lá, chất kích thích….
- Người cao tuổi bị đái tháo đường phải thường xuyên kiểm tra bàn chân mỗi ngày để phát hiện sớm các vết loét và kịp thời báo với bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, người bệnh cũng nên chú ý giữ gìn bàn chân, đi tất chân cùng với sử dụng giày dép phù hợp để ngăn ngừa tối đa các hoạt động gây tổn thương chân.
Bệnh hoại tử ở người già thường tiến triển do nhiều bệnh lý nền khác như: tiểu đường, viêm tắc mạch máu, suy giãn tĩnh mạch…. Người cao tuổi nên thường xuyên đi thăm khám và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để ngăn chặn bệnh tiến triển nặng.