Bệnh huyết khối tĩnh mạch phát hiện muộn dễ gây đột tử
Bệnh huyết khối tĩnh mạch bao gồm: huyết khối tĩnh mạch nông và huyết khối tĩnh mạch sâu. Bệnh hình thành do cục máu đông xuất hiện bên trong thành mạch. Dưới đây là một số kiến thức cơ bản về bệnh lý và phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn tham khảo.
Bệnh huyết khối tĩnh mạch nông là gì?
1. Nguyên nhân gây huyết khối tĩnh mạch nông
Huyết khối tĩnh mạch nông do cục huyết khối hình thành bên trong tĩnh mạch nông. Người có nguy cơ cao mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch nông là bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch, chấn thương, ung thư, phụ nữ có thai…. Huyết khối tĩnh mạch nông thường ít gây nguy hiểm như huyết khối tĩnh mạch sâu, tuy nhiên vẫn có thể gây các biến chứng lở loét, hoại tử chân.
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh huyết khối tĩnh mạch nông
Người bệnh mắc huyết khối tĩnh mạch nông sẽ có các dấu hiệu nhận biết như sau:
- Đau âm ỉ ở vùng tĩnh mạch nông bị bệnh.
- Sờ vào thấy tĩnh mạch nổi to, cứng.
- Cảm giác sưng, đỏ tấy vùng chi bệnh.
Triệu chứng huyết khối tĩnh mạch nông có thể gây đau tại chỗ hoặc gây đau nhiều ở tĩnh mạch hiển chạy dọc chi. Tình trạng viêm có thể kéo dài trong khoảng 1 – 2 tuần, dẫn đến phù nề, sưng tấy, đau nhiều ở bắp chân. Nếu kèm theo các triệu chứng rét run, sốt cao cần phải tới bệnh viện thăm khám gấp để tránh biến chứng nhiễm trùng huyết do viêm tĩnh mạch.
Hình ảnh cục huyết khối trong mạch máu
3. Điều trị huyết khối tĩnh mạch nông như thế nào?
Đây là căn bệnh huyết khối tĩnh mạch gây tổn thương dọc theo vùng tĩnh mạch nông. Do vậy, khi chẩn đoán cần phải phân biệt huyết khối tĩnh mạch nông với bệnh viêm mô xơ, ban đỏ cứng, ban đỏ dạng nút, viêm mô tế bào, viêm mô mỡ dưới da… để có biện pháp điều trị phù hợp.
Bác sĩ chỉ định dùng thuốc chống viêm Steroid có tác dụng làm giảm các triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch. Trường hợp huyết khối ở khu vực nối tĩnh mạch đùi và tĩnh mạch hiển, có thể áp dụng phương pháp làm nóng tại chỗ, kết hợp nâng cao chân. Trường hợp huyết khối tĩnh mạch có cục máu đông kích thước lớn, huyết khối lan rộng có thể áp dụng phẫu thuật thắt và tách tĩnh mạch hiển. Phẫu thuật được xem là phương pháp phức tạp, đòi hỏi phải có tay nghề cao để cắt đoạn tĩnh mạch bị bệnh, bảo tồn tĩnh mạch hiển. Do vậy, bạn nên tới các cơ sở y tế để được tư vấn cụ thể hơn.
Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu là gì?
1. Nguyên nhân gây bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu xảy ra ở vùng chi dưới, do cục máu đông gây nên. Huyết khối tĩnh mạch sâu rất nguy hiểm nếu cục máu đông vỡ ra, trôi nổi theo dòng máu, có thể dẫn tới thuyên tắc động mạch phổi, không được cấp cứu ngay có thể dẫn đến đột tử.
Bệnh huyết khối tĩnh mạch, đặc biệt là tĩnh mạch sâu rất nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm.
2. Dấu hiệu nhận biết huyết khối tĩnh mạch sâu
Một số dấu hiệu biểu hiện của huyết khối tĩnh mạch sâu như:
- Đau chân, chuột rút ở bắp chân, bắp đùi.
- Sưng, phù nề chân.
- Cảm thấy ấm chân, sẹo đỏ ở chân.
- Cảm thấy khó thở, thở nhanh, đau tức ngực, ho ra máu… có thể là triệu chứng của thuyên tắc động mạch phổi.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc huyết khối tĩnh mạch sâu bao gồm: người phẫu thuật chỉnh hình, phẫu thuật khung chậu, liệt chi, gãy xương, ung thư… làm tăng nguy cơ cục máu đông trong huyết mạch. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng làm tăng khả năng mắc bệnh như:
- Người có tiên sử bị huyết khối tĩnh mạch.
- Bệnh nhân trên 40 tuổi.
- Người bị béo phì, thừa cân.
- Người phải nằm bất động kéo dài hoặc đang điều trị liệu pháp estrogen.
- Người có tiền sử gia đình bị huyết khối tĩnh mạch hoặc bệnh rối loạn đông máu.
- Phụ nữ mang thai, người mới sinh con.
- Người mắc ung thư.
Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể dẫn đến thuyên tắc phổi
3. Chẩn đoán và điều trị bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu
Ngoài các dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm đông máu, xác định nồng độ D- Dimer trong máu…. Đặc biệt, siêu âm Doppler mạch máu kết hợp chụp CT Scaner và X – quang phổi nếu nghi ngờ có dấu hiệu tắc mạch phổi.
Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới cần chú ý hạn chế cục máu đông phát triển, ngăn chặn tái phát và phòng ngừa biến chứng tắc mạch phổi. Một số biện pháp điều trị được áp dụng như sau:
- Sử dụng thuốc chống đông: Chỉ định thuốc Heparin trọng lượng phân tử thấp như: Dabigatran, Rivaroxaban, Warfarin….
- Thuốc tiêu sợi huyết: Thường dùng plasminogen mô (tPA), Urokinase và Streptokinase….
- Phẫu thuật: Đặt bộ lọc (Filter) trong lòng tĩnh mạch dưới của cơ thể để ngăn ngừa thuyên tắc động mạch phổi.
- Kết hợp dùng tất áp lực giúp giảm phù nề, cải thiện các triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch chi dưới.
Bài viết đã giúp bạn tìm hiểu về bệnh huyết khối tĩnh mạch, bao gồm huyết khối tĩnh mạch nông và huyết khối tĩnh mạch sâu. Để dự phòng huyết khối, bạn nên thường xuyên tập thể dục thể thao, tránh béo phì, thừa cân, ngồi đúng tư thế để máu huyết luôn được lưu thông.