Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới càng chủ quan càng nguy hiểm
Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là bệnh lý nguy hiểm cần phải được điều trị sớm. Đa phần phải mất khoảng 3-6 tháng để tiêu cục máu đông, giúp giải phóng lưu lượng máu và ngăn chặn biến chứng.
Cơ chế hình thành bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới
Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu là bệnh lý xảy ra ở bất kì độ tuổi nào. Nguyên nhân là do cục máu đông trong lòng tĩnh mạch sâu gây ách tắc 1 phần hoặc nghẽn hoàn toàn tĩnh mạch.
Bệnh chủ yếu xảy ra ở chi dưới do cấu tạo phức tạp và chịu nhiều áp lực hơn so với các vùng tĩnh mạch khác.
Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới hình thành do cơ chế như sau:
- Do ứ đọng máu lâu ngày: Các yếu tố làm tăng nguy cơ lưu thông máu kém như phụ nữ có thai, người bị giãn tĩnh mạch, người béo phì, người thường xuyên nằm bất động…..
- Tổn thương nội mạc: Khi máu huyết bị ứ đọng trong thời gian dài sẽ dẫn đến thương tổn nội mạc, hình thành viêm tĩnh mạch, viêm mô tế bào….
- Hình thành cục máu đông do tăng đông máu: Tình trạng này không chỉ do thương tổn nội mạc mà còn do các yếu tố khác dẫn đến hình thành cục máu đông bất thường như: thuốc ngừa thai, ung thư, viêm nhiễm….
Cục máu đông hình thành trong van tĩnh mạch
Dấu hiệu nhận biết bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là gì?
Một số triệu chứng huyết khối tĩnh mạch sâu điển hình như:
- Đau chân.
- Màu sắc da chân thay đổi.
- Chân sưng, phù nề do huyết khối.
Các triệu chứng này đa phần thường phát hiện muộn, dẫn đến biến chứng lở loét, hoại tử chi. Bệnh càng để lâu càng làm tăng nguy cơ thuyên tắc động mạch phổi gây các triệu chứng: đau tức ngực, khó thở, thậm chí đột tử nếu không được cấp cứu kịp thời.
Biện pháp dự phòng bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới
Do bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới được xếp vào nhóm bệnh nguy hiểm nên dự phòng huyết khối tĩnh mạch sâu là điều người bệnh nên làm. Dự phòng bệnh được chia làm 2 nhóm như sau:
- Nhóm đối tượng có nguy cơ thấp (người thực hiện phẫu thuật ngắn hoặc người không có yếu tố nguy cơ) nên chú ý vận động chân nhiều, tập thể dục thể thao vừa sức là đủ. Càng duy trì luyện tập thường xuyên càng giúp máu huyết lưu thông, ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh.
- Nhóm đối tượng có nguy cơ cao bao gồm người thực hiện phẫu thuật nằm liệt giường, người có bệnh lý nặng, suy tim, đột quỵ… cần phải thực hiện các biện pháp dự phòng như sau:
+ Mang vớ hoặc giày áp lực.
+ Mang lưới lọc tĩnh mạch.
+ Sử dụng thuốc kháng đông để ngăn chặn tình trạng tăng đông máu. Một số loại thường dùng như: Thuốc kháng đông bao gồm Heparin trọng lượng phân tử thấp, Heparin không phân đoạn, Fondaparinux, kháng Vitamin K, DOACs. Chống chỉ định cho người bị rối loạn đông máu, mất máu giai đoạn tiến triển hoặc người áp dụng biện pháp cơ học như tổn thương da, tắc hoặc hẹp mạch máu chi.
Mang vớ ngăn chặn suy giãn tĩnh mạch và cục máu đông trong thành mạch
Ngoài ra, dự phòng bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới cũng cần chú ý chế độ ăn uống và sinh hoạt như:
- Bỏ hút thuốc lá.
- Giữ cân nặng đạt chuẩn, tránh béo phì thừa cân.
- Tích cực tập thể dục thể thao hàng ngày.
- Không nên đứng hoặc ngồi trong thời gian dài.
- Nếu bạn đang sử dụng liệu pháp hormone, hoặc dùng thuốc tránh thai nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về biện pháp tránh thai hoặc điều trị khác để ngăn ngừa huyết khối.
- Người đang điều trị bệnh tim, suy tim, tăng huyết áp có nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch cao, cần có kế hoạch điều trị riêng biệt để ngăn ngừa cục máu đông.
Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là căn bệnh nguy hiểm, có thể gây đột tử bất ngờ. Do vậy, nếu bạn đang có các triệu chứng nghi ngờ huyết khối tĩnh mạch nên đi thăm khám càng sớm càng tốt để được bác sĩ tư vấn điều trị kịp thời.