Bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới nguyên nhân do đâu?
Theo Y học hiện đại, bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới là do cục máu đông gây nghẽn mạch máu gây nên. Quan điểm của Y học cổ truyền, bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới hình thành do rất nhiều yếu tố tác động. Bài viết dưới đây tổng hợp các nguyên nhân gây bệnh để bất kì ai cũng có thể dự phòng căn bệnh phổ biến này.
Nguyên nhân gây bệnh viêm tĩnh mạch sâu chi dưới theo Y học hiện đại
Nguyên nhân trực tiếp gây nên bệnh viêm tắc tĩnh mạch sâu là do cục huyết khối, dẫn đến tắc nghẽn lòng mạch. Cục máu đông hình thành do quá trình nội mạc bị thương tổn kết hợp với quá trình tăng đông và ứ trệ tuần hoàn gây nên.
Nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm tĩnh mạch sâu chi dưới như:
- Tuổi tác:
Người càng cao tuổi càng có nguy cơ mắc bệnh lý về mạch máu cao, nhất là người trên 60 tuổi.
- Béo phì:
Người thừa cân, béo phì thường có nồng độ mỡ máu cao, dễ gây xơ vữa lòng mạch. Khi các mảng xơ vữa càng dày lên thì thành mạch càng có khả năng suy yếu, các mảng xơ vữa có thể vỡ ra kết hợp với bạch cầu trong máu tạo thành cục huyết khối.
- Người có tiền sử suy giãn tĩnh mạch chi dưới:
Những người đã từng có bệnh lý về tĩnh mạch như suy van tĩnh mạch, suy giãn tĩnh mạch thường có thành mạch suy yếu, dễ bị viêm tắc tĩnh mạch hơn.
- Yếu tố ngoại khoa tác động:
Bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới có thể hình thành sau khi thực hiện phẫu thuật chỉnh hình, phẫu thuật ổ bụng… làm tăng đông máu.
Như vậy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cục máu đông hình thành, cản trở lưu thông mạch máu. Quá trình hình thành cục máu đông diễn ra trong âm thầm, rất khó phát hiện. Do vậy, khi nhận thấy các biểu hiện đau nhức, tê mỏi chân, phù nề hoặc cảm giác khó chịu, người bệnh nên đi thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hình ảnh mô phỏng cục máu đông trong thành mạch
Nguyên nhân gây bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới theo Y học cổ truyền
Theo Đông y, bệnh viêm tắc tĩnh mạch có thể hình thành do các nguyên nhân như:
- Do hư hàn: Người bệnh có sắc mặt nhợt nhạt, người mỏi mệt, sợ lạnh, thích ấm. Phần chân bệnh có màu da tái, đau nhiều, tê giật. Nước tiểu tiện màu trong, đại tiện lỏng. Lưỡi rêu trắng mỏng, mạch trầm vô lực. Khi mắc thể hư hàn máu huyết không được lưu thông dẫn đến các biểu hiện đau, tái da, mỏi mệt, đau chân nhiều khi vận động. Để điều trị cần sử dụng các thảo dược giúp thông lạc, hoạt huyết, tán hàn.
- Do khí trệ huyết ứ: Người mắc huyết ứ, khí trệ dẫn đến máu huyết không thông, mặt xạm, tinh thần mệt mỏi, dễ cáu gắt. Chân thường lạnh, màu da thâm tím, da khô do không nhận đủ máu huyết nuôi dưỡng. Chất lưỡi rêu đỏ, mạch trầm tế. Áp dụng các bài thuốc hành khí, hoạt huyết, khứ ứ sẽ giúp cơ thể được phục hồi, máu huyết lưu thông tốt.
- Do nhiệt độc thịnh: Người mắc thể này thường bị huyết nhiệt, dẫn đến sắc mặt khô, xạm, trong người khó chịu, chóng mặt, ù tai. Phần chân bị bệnh có màu sắc đen tím, sưng mọng, đau nhiều, thậm chí lở loét, phù chi, chảy máu, mủ, nước rất ghê sợ. Chất lưỡi rêu đỏ, mạch tế sác. Để loại bỏ huyết nhiệt cần áp dụng các dược liệu thanh nhiệt, giải độc tố, thông mạch, hoạt huyết.
- Do khí huyết lưỡng hư: Người bệnh có dấu hiệu gầy, yếu, mệt mỏi, đổ mồ hôi. Chân bị bệnh đau ít nhưng lở loét, chảy máu, nước vàng, miệng ướt, xung quanh có màu vàng xạm. Chất lưỡi rêu nhợt nhạt, mạch trầm tế. Khí huyết bị thương tổn cần áp dụng các thảo dược bổ huyết, dưỡng huyết để bổ máu, tăng cường tuần hoàn máu.
Như vậy, theo quan điểm của Y học cổ truyền, bệnh viêm tắc tĩnh mạch hình thành chủ yếu do máu huyết không thông, làm cản trở kinh mạch, lâu ngày sẽ dẫn đến biến dạng các mô tế bào xung quanh, dẫn đến lở loét, hoại tử. Để điều trị bệnh tận gốc cần kết hợp các dược liệu thông mạch, hoạt huyết, dưỡng huyết như: Đan sâm, Xích thược, Hoa hòe, Đương quy, Xuyên khung… sẽ giúp loại bỏ nhanh các triệu chứng đau nhức, phù nề, lở loét chi.
Hình ảnh loét cho do viêm tắc tĩnh mạch sâu
Phòng tránh bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới
Theo bác sĩ chuyên khoa, cách tốt nhất để phòng tránh các bệnh lý về mạch máu là thường xuyên vận động cơ thể để tuần hoàn máu đến các cơ quan. Ngoài ra, người bệnh nên ăn uống lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế các thực phẩm nhiều dầu mỡ, bổ sung rau xanh, hoa quả tốt cho máu huyết.
Trên đây là tổng hợp nguyên nhân gây bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới cho bạn tham khảo. Khi có các biểu hiện nổi tĩnh mạch, đau mỏi chân, tê chân, người bệnh nên đi thăm khám chuyên khoa mạch máu để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị sớm.