Bị hoại tử chân do những bệnh lý nào gây nên?
Rất nhiều bệnh nhân bị hoại tử chân hoang mang không biết vì sao mắc bệnh. Cũng không ít người lúng túng không biết phải chăm sóc các vết hoại tử ở chân như thế nào để giảm nguy cơ nhiễm trùng huyết. Nội dung bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu những vấn đề này.
Nguyên nhân nào dẫn đến bị hoại tử chân?
Hoại tử là thuật ngữ được dùng để chỉ hiện tượng nhiễm trùng, làm mô tế bào dần chết đi. Hoại tử có thể xảy ra ở bất kì bộ phận nào trên cơ thể, nhưng phổ biến nhất là ở tay và chân.
Bị hoại tử chân có thể hình thành do các yếu tố sau:
- Do thiếu máu cung cấp đến chi dưới: Máu huyết giúp vận chuyển dinh dưỡng và oxi đến các cơ quan. Chi dưới có cấu tạo phức tạp và nằm cách xa chân nên lượng máu lưu thông thường kém hơn, dẫn đến thiếu máu đến chi làm tăng nguy cơ lở loét. Các vết lở loét này không được chăm sóc đúng cách sẽ dẫn đến hoại tử.
- Tổn thương vật lí như chấn thương khi không được giữ gìn, chăm sóc sẽ khiến nguy cơ vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng.
- Do tác động của một số bệnh lý nền như: đái tháo đường, huyết áp cao, viêm tắc động mạch, viêm tắc tĩnh mạch… đều khiến lưu thông máu kém. Khi lòng mạch đột ngột có cục máu đông xuất hiện sẽ dẫn đến thuyên tắc mạch máu gây lở loét chi.
Bị hoại tử chân là tình trạng không thể coi thường, nhất là đối với bệnh nhân tiểu đường và mắc các bệnh lý về mạch máu. Người bệnh nên sắp xếp thời gian đi thăm khám định kì, tuân thủ điều trị triệt để, tránh biến chứng loét chi, hoại tử chi.
Người bệnh bị hoại tử đen đặc các ngón chân vì viêm tắc mạch máu
Nhận biết sớm dấu hiệu bị hoại tử chân: Giảm nguy cơ đoạn chi
Hoại tử chân có 2 loại là hoại tử khô và hoại tử ướt. Dấu hiệu phân biệt 2 loại hoại tử này như sau:
- Biểu hiện của bệnh nhân bị hoại tử khô:
+ Da có dấu hiệu khô, co rút.
+ Màu sắc da chuyển từ màu xanh sang màu đen.
+ Bong tróc da.
+ Cảm giác lạnh chi, tê chi.
+ Có thể đau hoặc không.
+ Sốt cao.
Hình ảnh hoại tử khô ở chân
- Biểu hiện nhận biết hoại tử ướt ở chân:
+ Sốt, đau chi cường độ cao.
+ Da chuyển sang màu đỏ, rồi đến nâu, sau đen lại.
+ Hình thành mụn nước, chảy máu mủ, mùi hôi thối.
+ Khi nhấn vào các vết thương thấy có biểu hiện của trào dịch mủ, máu.
Bị hoại tử chân có biểu hiện đau dữ dội kèm theo sốt cần phải được cấp cứu khẩn cấp để ngăn chặn biến chứng nhiễm trùng huyết có thể dẫn đến hôn mê, đột tử.
Hình ảnh chân bị hoại tử ướt, mưng mủ
Phương pháp điều trị cho người bị hoại tử chân
Điều trị cho người bị hoại tử chân cần chú ý đến mức độ của hoại tử để cân nhắc phác đồ phù hợp. Một số biện pháp thường được sử dụng như:
- Thuốc giảm đau, giảm phù, giảm viêm.
- Làm sạch và chăm sóc vết thương, loại bỏ hết tế bào nhiễm trùng.
- Liệu trình dùng oxy Hyperbaric (HBO) giúp tăng cường oxy đến các mô, hỗ trợ phục hồi mô tế bào.
- Phẫu thuật cắt bỏ các tế bào chết, loại bỏ dị vật làm tổn thương tế bào bên trong. Phẫu thuật thường áp dụng cho những trường hợp bị hoại tử chân nặng, có khi phải loại bỏ 1 phần chi để bảo tồn sự sống.
Muốn phòng ngừa bị hoại tử chân, mỗi người cần chú ý:
- Với bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường: Nên kiểm soát lượng đường huyết, dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ kết hợp với thường xuyên kiểm tra chân, tay để phát hiện sớm các vết loét. Người mắc bệnh tiểu đường rất dễ mắc biến chứng bàn chân, các vết loét dù rất nhỏ cũng lâu lành. Bác sĩ khuyên người bệnh nên phát hiện sớm các vết loét và vệ sinh theo đúng hướng dẫn chuyên khoa để ngăn chặn nhiễm trùng, hoại tử vết thương.
- Hạn chế tăng cân quá nhanh, nên giảm cân khi đang béo phì, thừa cân: Người thừa cân thường có khả năng lưu thông máu kém kèm theo tăng nguy cơ máu nhiễm mỡ, tiểu đường… khiến phục hồi mô tế bào thường kém.
- Cai nghiện thuốc lá: Hút thuốc lá làm hỏng mạch máu, khiến các đầu chi không nhận đủ máu huyết, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về mạch máu.
- Trường hợp có các vết thương ở da cần vệ sinh cẩn thận, tránh bôi các loại thuốc lạ vào vết thương có thể làm nhiễm trùng lan rộng.
- Thay đổi môi trường làm việc: Nếu bạn thường xuyên làm việc trong môi trường lạnh, nhiệt độ xuống quá thấp sẽ khiến da chân, tay tê cóng, lạnh, nhợt nhạt thậm chí tím ngắt do lưu thông máu kém.
Mong rằng bài viết đã giúp người bị hoại tử chân nhận biết rõ hơn về tình trạng bệnh của mình và kịp thời đến cơ sở y tế gần nhất để được trợ giúp y khoa.