Các thuốc làm tan huyết khối có công dụng và chỉ định như thế nào?
Thuốc làm tan huyết khối (còn được gọi là thuốc tiêu sợi huyết) thường được dùng trong khoảng “khung giờ vàng” để cứu sống người đang có triệu chứng đột quỵ não. Ước tính cứ 8 bệnh nhân được điều trị bằng thuốc tiêu huyết khối đúng thời điểm sẽ có 1 bệnh nhận phục hồi khỏe mạnh.
Thuốc làm tan huyết khối là gì?
Thuốc làm tan huyết khối có tên gọi phổ biến là thuốc tiêu sợi huyết, còn được gọi là tiêu huyết khối. Tác dụng của loại thuốc này là làm tan huyết khối, thường dùng trong điều trị đột quỵ não.
Các cục huyết khối (cục máu đông) được hình thành do Fibrin. Thuốc làm tan huyết khối có thành phần Plasmin giúp tiêu hủy Firbin để tạo thành các sản phẩm có thể hòa tan. Hoạt chất Plasminogen còn được gọi là Alteplase có tác dụng chuyển hóa thành Plasmin làm tan huyết khối. Loại thuốc này thường được dùng trong vòng 3 tiếng đầu tiên sau khi xuất hiện các triệu chứng của đột quỵ thiếu máu não.
Nhồi máu não vẫn có khả năng điều trị thành công, nhưng cần nhận biết sớm, đúng thời gian và xử lí nhanh chóng mới có thể ngăn chặn biến chứng của tai biến mạch máu não. Phương pháp tiêm thuốc làm tan huyết khối là một trong những cách tốt nhất được áp dụng trong “thời gian vàng” (khoảng 3-5 giờ đầu sau khi xuất hiện triệu chứng). Sau 6 giờ xuất hiện triệu chứng thì không thể điều trị bằng thuốc mà cần phải thực hiện mổ phẫu thuật lấy huyết khối.
Mô hình cơ chế tiêu sợi huyết
Đối tượng chỉ định và chống chỉ định dùng thuốc làm tan huyết khối
Thuốc làm tan sợi huyết giúp giảm bớt tỉ lệ tàn tật và hỗ trợ tăng khả năng vận động sau đột quỵ. Khi phát hiện có triệu chứng đột quỵ như: chóng mặt, đau đầu, mất thăng bằng, tê cứng mặt, mắt mờ, tay chân yếu… cần phải đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt để dùng thuốc kịp thời.
Đối tượng chỉ định dùng thuốc làm tan huyết khối như sau:
- Người bệnh lớn hơn 18 tuổi.
- Người có thời gian bị đột quỵ não không quá 3 – 5 giờ đầu.
- Người được chẩn đoán nhồi máu não cấp với các chỉ số: 4 < NIHSS < 22.
- Chưa phát hiện thấy có hình ảnh xuất huyết não qua chụp MRI hoặc CT não.
Thuốc làm tan huyết khối chống chỉ định cho các đối tượng:
- Những người có các triệu chứng đột quỵ não lâu hơn 5 giờ, hoặc không biết thời gian có biểu hiện là bao lâu.
- Người có triệu chứng co giật.
- Người không thực hiện chụp CT sọ không cản quang hoặc phát hiện thấy chảy máu trong sọ não.
- Bệnh nhân bị đột quỵ có dấu hiệu xuất huyết dưới nhện.
- Chụp CT hộp sọ thấy nhồi máu não lớn hơn 1/3 bán cầu.
- Người bệnh có dấu hiệu khiếm huyết thần kinh, chấn thương nặng, tiền sử đã từng đột quỵ, nhồi máu cơ tim, phẫu thuật sọ não trong khoảng 3 tháng trở lại đây.
- Có tiền sử chảy máu hệ tiêu hóa, viêm đường tiết niệu, xuất huyết não, chọc dò tủy sống, mắc bệnh lý nội sọ hoặc có biểu hiện bất thường về đường huyết hay tiểu cầu.
- Người đã từng điều trị bằng thuốc chống đông INR.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh đột quỵ não
Một số loại thuốc làm tan huyết khối thường dùng
Dưới đây là một số loại thuốc tan huyết khối có thể được sử dụng trong điều trị đột quỵ:
- Streptokinase: Đây là 1 trong các loại protine được tổng hợp từ hoạt chất C ß- Hemolytic streptococci thời gian bán hủy khoảng 16 – 90 phút. Streptokinase cùng plasmin sẽ tạo nên phản ứng phân hủy plasminogen thành plasmin dẫn đến tiêu cục máu đông. Tuy nhiên, loại thuốc này có tác dụng phụ là tăng nguy cơ chảy máu cao.
- Urokinase: Đây là loại thuốc chứa hoạt chất Glycoprotein, thời gian bán tải khoảng 9 – 12 phút. Loại chất nội sinh này không gây tác dụng phụ mẫn cảm.
- rtPA (tên viết tắt của Recombinant Tisue Plasminogen Activator): Loại thuốc này còn có tên gọi khác là Alteplase được chiết xuất từ tổng hợp tế bào nội mô, lưu hành nồng độ trong máu thấp, thời gian bán hủy nhanh, chỉ từ 3 – 8 phút. Công dụng của rtPA rất mạnh, giúp điều trị nhồi máu não cấp nhanh chóng.
- Một số loại thuốc làm tan huyết khối khác: Tenecteplase, Reteplase, Destmoteplase... thời gian bán hủy tương đối dài và công dụng vẫn đang trong quá trình kiểm nghiệm.
Quy tắc điều trị nhồi máu não bằng thuốc làm tan huyết khối
1. Điều trị tiêu huyết khối bằng thuốc làm tan huyết khối đường tĩnh mạch
Bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, sử dụng thuốc làm tan huyết khối Alteplase (thường dùng Actylyse lọ 50mg/50ml), áp dụng liều lượng 0.9mg/kg (trong đó liều tối đa 90mg). Bác sĩ thực hiện tiêm khoảng 10% vào tĩnh mạch trong khoảng 1 phút, còn lại 90% sẽ được tiêm truyền trong khoảng 1 giờ tiếp theo.
Sau khi thực hiện tiêm truyền, bệnh nhân sẽ được chuyển tới khoa điều trị tích cực để bác sĩ tích cực theo dõi thêm. Ngoài ra, khi theo dõi cần kết hợp chụp cắt lớp vi tính sau khoảng 24h và cân nhắc sử dụng thêm thuốc chống tập kết tiểu cầu.
2. Điều trị tiêu sợi huyết bằng thuốc làm tan huyết khối đường động mạch
Ưu điểm của loai thuốc này là nồng độ cao ở vùng huyết khối, ít gây tác dụng phụ đến toàn thân. Phương pháp này cần áp dụng kĩ thuật rất phức tạp nên cần chú ý cân nhắc và lựa chọn kĩ bệnh viện, bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Trước khí tiến hành bơm, bác sĩ sẽ thực hiện chụp DSA để biết vị trí bị tắc, sau đó mới bơm rtPA pha loãng 0,2mg/ml. Tiêm trực tiếp vào vùng huyết khối bị tắc nghẽn kết hợp chụp chiếu và theo dõi sau tiêm.
Dùng thuốc làm tan huyết khối có gây tác dụng phụ không?
Sau khi thực hiện tiêm thuốc làm tan huyết khối có thể dẫn đến các tác dụng phụ như:
- Chảy máu não, đau đầu, buồn nôn, nhận thức kém. Ước tính khoảng 6,4% ca bệnh gặp biến chứng xuất huyết não.
- Chảy máu ngoại sọ: Biểu hiện chảy máu chân răng, chảy máu dạ dày, xuất huyết trong mắt….
- Một số tác dụng phụ khác như nổi mày đay, phát ban, hạ huyết áp, phù mạch, co thắt phế quản….
Thuốc làm tan huyết khối là một cơ hội sống cho người mắc đột quỵ não. Tuy nhiên, thuốc chỉ thực sự hiệu quả khi được sử dụng trong khoảng 3-5 giờ đầu. Do vậy, người bệnh nên có hiểu biết về chứng đột quỵ não và nhập viện càng sớm càng có cơ hội được cứu sống cao.