Cách điều trị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới theo Đông y
Viêm tắc tĩnh mạch chi dưới là một bệnh lý về mạch máu được Y học cổ truyền gọi chung là chứng “Thoát thư”. Rất nhiều người đang tìm kiếm cách điều trị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới bằng thảo dược Đông y như thế nào? Dưới đây là một số bài thuốc giúp thông mạch, hoạt huyết mang lại hiệu quả với người mắc viêm tắc tĩnh mạch chi dưới.
Nhận diện viêm tắc tĩnh mạch chi dưới theo Đông y
Y học cổ truyền cho rằng viêm tắc tĩnh mạch là dạng bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh và vận mạch. Do mạch lạc tắc nghẽn khiến máu huyết không được điều hòa, dẫn đến các mô tổ chức, cơ nhục xung quanh không được nuôi dưỡng, về lâu dài sẽ gây lở loét, chảy mủ, hoại tử.
Đông y chia viêm tắc tĩnh mạch chi dưới thành 3 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn đầu: Máu huyết không thông do vệ khí không được điều hòa, làm các vùng đầu ngón tay, ngón chân không nhận đủ máu huyết và oxi nuôi dưỡng. Điều này dẫn đến hệ quả ngón tay, ngón chân lạnh, châm chích như có kiến cắn, bàn tay, bàn chân đau cách hồi, tê mỏi không yên. Người bệnh thường nhầm lẫn các triệu chứng này với bệnh lý về xương khớp làm phát hiện và điều trị bệnh thường muộn.
- Giai đoạn sau: Máu huyết ứ trệ khiến ngón tay, ngón chân tím đỏ, đau nhức không yên.
- Giai đoạn cuối: Cơ thể tích tụ hàn tà, uất kết, hóa hỏa làm tay chân bị thương tổn, loét da, chảy máu, mủ. Hỏa độc càng mạnh thì cơ nhục càng đau nhức, lở loét, thậm chí có thể hoại tử, tháo khớp.
Tùy thuộc vào thể trạng và nguyên nhân gây bệnh mà Đông y có các bài thuốc phù hợp để điều trị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới.
Viêm tắc tĩnh mạch chi dưới gây lở loét hoại tử
Một số cách điều trị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới theo Đông y
1. Điều trị chi sưng to, phù nề, đau đớn
Để giảm triệu chứng này, bạn có thể tham khảo một số cách như:
- Áp dụng bài thuốc Tân tiêu phiến: Ngày uống 2 lần, mỗi lần 5 viên.
- Dùng 250g Ngư tinh thảo hoặc lá mã xỉ tươi, cho thêm 1 nắm muối, giã nát và đắp vào vùng chân sưng đau.
- Bài thuốc giải độc tố, giảm phù nề gồm có các vị: Mộc miết tử, Hoàng liên, Hoàng bá, Khổ sâm mỗi loại 12g; Bồ công anh 30g; Cam thảo, Xích thược, Đan bì, Kim ngân hoa, Bạch chỉ mỗi loại 10g. Đem các vị thuốc tán bột, đem đun với nước sôi, sau đó vớt bỏ bã, dùng nước chấm vào các chỗ đau mỗi ngày 2 lần.
- Châm cứu các huyệt đạo: Huyệt thái uyên, huyệt cách du, huyệt dương lăng tuyền, Nội quan. Ở chi dưới dùng Tam âm giao, Âm lăng tuyền. Áp dụng châm cứu ngày 30 phút, cách 1 ngày thực hiện 1 lần. Phương pháp này đòi hỏi người có tay nghề cao thực hiện, không nên tự ý châm cứu có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
2. Điều trị chi thể chướng, đau tức nặng
Áp dụng bài thuốc Hoạt huyết chỉ thống tán bao gồm các vị: Thổ phục linh, Ngũ gia bì, Khương hoạt, Hồng hoa, Bạch chỉ, Một dược, Tô mộc, Xuyên ngưu tất, Uy linh tiên, Xuyên tiêu, Nhũ Hương, Khương hoàng, Quy vĩ, Nguyên hồ, Hải đồng bì mỗi thứ 10g. Đem tán bột, trưng nước rồi chườm vào chỗ đau mỗi lần 1 tiếng, ngày chườm 2 lần.
3. Bài thuốc điều trị thấp nhiệt ứ trệ
- Người bệnh có các dấu hiệu chướng nhiệt, xung huyết, sưng đau, sờ thấy tĩnh mạch cứng, đau, miệng khô, tiểu tiện bế, lưỡi rêu vàng nhờn, mạch hoạt huyền.
- Áp dụng bài thuốc gồm các vị: Ích mẫu thảo 60 - 100g, Tử hoa địa đinh, Sinh cam thảo mỗi vị 30g; Tử thảo, Xích thược, Đan bì mỗi vị 15g.
- Gia giảm thêm các vị:
+ Nếu có biểu hiện mạch hoạt, lưỡi hồng, sốt cao gia thêm: Sài gồ 10 – 15g, Sinh thạch cao 60 – 100g, Viên ngưu giác 15 – 30g.
+ Nếu chất lưỡi rêu dày, lưỡi vàng nhờn gia thêm: Hoàng bá 15g, Sinh đại hoàng 5 – 10g, Hoàng cầm 15g.
Vị thuốc Hoàng cầm giúp thông mạch, hoạt huyết
4. Bài thuốc điều trị thể thấp nhiệt hạ trú
Người bệnh có thể dùng các vị Bồ công anh, Tử hoa địa đinh, Kim ngân hoa, gia thêm các vị Hoàng cầm, Đan bì, Chế sinh địa, Sinh cam thảo, Liên kiều, Thuyền thoái, Sinh đại hoàng đem tán bột, trộn với nước ấm, đắp mỗi ngày 1 lần.
5. Bài thuốc điều trị thể khí huyết ứ trệ
Dùng Hồng hoa, Đan sâm, Đào nhân, Chế một dược, Vương bất lưu hành, Xuyên ngưu tất, Mộc thông, Chế nhũ Hương, Địa miết trùng, Thổ bối mẫu, Cam thảo, Quế chi, Lạc lạc thông đem trưng nước, đắp vào chỗ viêm.
6. Bài thuốc trị Tỳ thận hao hư
Sử dụng các vị Hoàng kỳ, Lạc đẳng sâm, Đương quy, Thiên ma, Đan sâm, Chế một dược, Cam thảo, Lộc giác xương, Chế nhũ Hương, Kỷ tử, Thiên ma, Xích thược, Ý dĩ nhân, Liên nhục, Thổ bối mẫu mỗi ngày dùng 1 thang, chia làm 2 lần uống.
Ngoài ra có thể kết hợp bài thuốc đắp gồm các vị Kinh giới, Trúc tiêu, Huyền minh phấn, Phòng phong, Ngải diệp, Bạc hà diệp, Thuyền thoái.
Trên đây là các cách điều trị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới theo Đông y. Trước khi áp dụng các bài thuốc trên, người bệnh cũng cần đi thăm khám để được chẩn đoán và điều chỉnh liều lượng thảo dược phù hợp với thể trạng.