Cục máu đông trong tĩnh mạch: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị
Cục máu đông trong tĩnh mạch có thể gây biến chứng thuyên tắc động mạch phổi dẫn đến suy hô hấp, gây đột tử bất ngờ nếu không được điều trị kịp thời. Cục huyết khối hình thành do đâu? Nguyên nhân, cách nhận biết và biện pháp điều trị như thế nào? Cùng tìm hiểu thêm qua bài viết dưới đây nhé!.
Cục máu đông là gì? Phân loại huyết khối theo Y học hiện đại
Cục máu đông còn được gọi là huyết khối (tên tiếng Anh là: Thrombosis) là tình trạng xuất hiện cục máu đông trong lòng mạch máu.
- Nghiên cứu phân loại cục huyết khối theo vị trí bao gồm:
+ Huyết khối thành: Có cục máu đông dính vào thành nội mô của buồng tim, dễ gây nhồi máu cơ tim.
+ Huyết khối van tim: Cục máu đông nhỏ, do viêm nội tâm mạc trong bệnh thấp tim.
+ Huyết khối động mạch: Thường xuất hiện ở các ổ loét do xơ vữa động mạch, hoặc bệnh lý động mạch vành.
+ Huyết khối tĩnh mạch: Cục máu đông trong lòng tĩnh mạch.
+ Huyết khối các mạch máu nhỏ: Cục máu đông xuất hiện trong các tiểu động mạch.
- Phân loại cục máu đông theo hình ảnh đại thể:
+ Cục huyết khối đỏ: Cấu tạo gồm có hồng cầu, bạch cầu và các sợi fibrin, xuất hiện trong các mạch máu nhỏ.
+ Cục huyết khối trắng: Bao gồm tơ huyết, tiểu cầu, khá phổ biến.
+ Cục huyết khối pha hay hỗn hợp: Bao gồm sự đan xen của các tế bào máu và sợi fibrin. Cục máu đông có 2 màu, lớp màu đỏ là tơ huyết bạch cầu và hồng cầu, lớp màu trắng là đường zahn bao gồm sợi tơ huyết và tiểu cầu.
Đa phần huyết khối trong tĩnh mạch lớn và động mạch là loại huyết khối hỗn hợp, phần đầu có màu trắng, phần ở giữa có màu trắng và đỏ, phần đuôi có màu đỏ. Cục máu đông này có đặc điểm chắc nhưng dễ bị mủn.
Cục máu đông làm gia tăng bệnh lý về mạch máu và tim mạch
Cơ chế hình thành huyết khối tĩnh mạch như thế nào?
Theo nghiên cứu, fibrin là hoạt chất chính tạo nên cục máu đông. Các yếu tố tham gia vào quá trình đông máu bao gồm: tiểu cầu, fibrin, tế bào sợi, tế bào cơ trơn, tế bào thần kinh đệm, ATP, hạt chứa serotonin, hạt chứa catecholamine, hạt chứa men thủy phân.
Diễn biến quá trình đông máu như sau:
- Giai đoạn thành mạch: Khi thành mạch máu bị tổn thương sẽ dẫn đến phản xạ co lại, khiến tiểu cầu tụ lại thành nút. Các tiểu cầu bám dính nhau sẽ dẫn đến quá trình đông máu (còn được gọi là tự cầm máu).
- Giai đoạn huyết tương: Đây là giai đoạn mạch máu diễn ra quá trình hình thành thromboplastin, sau đó tiếp tục tác động đến fibrinogen để tạo nên fibrin (còn gọi là sợi tơ huyết ) .
- Giai đoạn huyết khối đông: Bao gồm co cục máu và giai đoạn tiêu cục máu. Lúc này cục máu đông có thể xuất hiện trong khoảng 3 – 24 giờ đầu tiên, sau đó teo nhỏ dần đi, rồi tan do men plasmin.
Đông máu thực chất là một quá trình phản ứng bảo vệ cơ thể để làm lành vết thương. Tuy nhiên, cục huyết khối xuất hiện trong thành mạch khi mạch máu không bị đứt rách được gọi là bệnh lý huyết khối mạch máu. Quá trình này diễn ra do 3 yếu tố tác động như:
- Yếu tố huyết động: Tuần hoàn máu chảy chậm sẽ khiến bạch cầu chảy giữa trục dòng máu, đến hồng cầu và tiểu cầu. Dòng máu chảy chậm thường do van tĩnh mạch khiễn các tiểu cầu và thành phần máu bị bám dính vào thành mạch bị thương tổn, dẫn đến giải phóng yếu tố đông máu bao gồm các sợi fibrin. Từ đó hình thành cục huyết khối.
- Dòng máu chảy chậm làm tăng cường quá trình đông máu và dẫn đến thương tổn tế bào nội mô, làm tắc nghẽn dòng chảy.
- Khi cục huyết khối hình thành trong thành mạch lâu sẽ dẫn đến viêm mô tế bào, kích hoạt yếu tố hoại tử.
Cục máu đông gây tắc nghẽn tĩnh mạch
Triệu chứng nhận biết cục máu đông trong động mạch hay tĩnh mạch
Cục máu đông thường tiến triển âm thầm, đa phần là hậu quả của nhiều bệnh lý, hoặc tổn thương mạn tính, dẫn đến tắc mạch máu. Tùy thuộc vào vị trí tắc nghẽn mạch máu mà có các biểu hiện thường gặp như:
- Huyết khối động mạch:
Đây là bệnh lý gây thiếu máu cấp tính, sau đó phát triển thành hoại tử mô. Một số vị trí tắc nghẽn thường gặp như:
+ Tắc mạch chi: Dẫn đến hoại tử, nhiễm trùng, có thể phải cắt cụt chi.
+ Tắc mạch vành: Có thể gây nhồi máu cơ tim.
+ Tắc mạch não: Dẫn đến nhồi máu não.
- Huyết khối tĩnh mạch:
+ Người bệnh có biểu hiện đau ở vùng tĩnh mạch bị bệnh, cơn đau thường gia tăng về cường độ.
+ Thay đổi sắc tố da: Vùng chân bệnh có xu hướng màu đỏ, nóng, sau có thể chuyển thành xanh đen bất thường.
+ Sưng, nặng chân, phù nề chân bệnh.
+ Có thể kèm theo dấu hiệu giãn tĩnh mạch nông.
+ Loét da ở vùng tĩnh mạch bị bệnh.
Huyết khối tĩnh mạch có thể gây thuyên tắc động mạch phổi. Khi có biểu hiện khó thở, đau tức ngực, ho ra máu… đều là dấu hiệu của thuyên tắc phổi. Người bệnh nên đi kiểm tra ngay lập tức để tránh đột tử.
Những đối tượng nào có nguy cơ hình thành cục máu đông
Huyết khối là căn bệnh có thể gặp ở bất kì ai và độ tuổi nào. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất bao gồm:
- Huyết khối động mạch:
Những người thường xuyên hút thuốc lá, có triệu chứng rối loạn Lipid máu, hoặc trong gia đình có người mắc bệnh tim mạch… thường có nguy cơ cao mắc xơ vữa động mạch dẫn đến huyết khối.
Ngoài ra, những người lười vận động, béo phì… cũng có nguy cơ cao bị bệnh.
- Huyết khối tĩnh mạch:
+ Người cao tuổi (thường trên 70 tuổi).
+ Người bị bệnh ung thư, bị chấn thương, phẫu thuật chi dưới…
+ Người đang điều trị bằng liệu pháp hormone hoặc sử dụng thuốc tránh thai.
+ Người bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới.
+ Người uống nhiều rượu, bia, ít vận động.
+ Người đứng hoặc ngồi quá lâu trong thời gian dài.
Hình ảnh huyết khối tĩnh mạch
Phòng ngừa cục máu đông trong lòng tĩnh mạch
Muốn phòng ngừa cục máu đông trong thành mạch, bạn nên chú ý:
- Sinh hoạt lành mạnh, tăng cường luyện tập thể dục thể thao.
- Kiểm soát các chỉ số đường máu, cân nặng.
- Chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe, giảm lượng muối và chất béo có hại.
- Không hút thuốc lá.
- Vận động cơ thể thường xuyên.
Biện pháp chẩn đoán cục máu đông trong thành mạch
Do bệnh huyết khối thường diễn biến âm thầm nên cần kết hợp thăm khám lâm sàng, khai thác tiền sử bị bệnh, dùng thuốc của bệnh nhân kết hợp chẩn đoán thông qua hình ảnh chụp siêu âm, MRI, chụp CT tĩnh mạch để phát hiện sớm tổn thương mạch máu.
Phương pháp điều trị cục máu đông
Có nhiều loại huyết khối và mỗi loại lại có phương pháp điều trị khác nhau. Bác sĩ có thể sử dụng các loại thuốc chống đông máu hoặc làm tan cục máu đông; hoặc các biện pháp phẫu thuật đặt lưới lọc tĩnh mạch, mở tĩnh mạch để loại bỏ cục huyết khối, hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học….
Trên đây là những kiến thức cơ bản về cục máu đông trong tĩnh mạch cho bạn tham khảo. Khi nhận thấy các dấu hiệu đau mỏi chân, bạn nên đi thăm khám để bác sĩ chẩn đoán và điều trị sớm, tránh để lâu ngày có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.