Điều trị viêm tắc tĩnh mạch theo quan điểm Y học cổ truyền
Y học cổ truyền quan niệm bệnh viêm tắc tĩnh mạch hình thành do khí huyết ngưng trệ dẫn đến mạch lạc tắc nghẽn. Do vậy, điều trị viêm tắc tĩnh mạch theo quan điểm của Đông y cần phải hoạt huyết, thông lạc, hóa ứ để máu huyết lưu thông, tránh biến chứng cắt cụt chi.
Cơ chế sinh bệnh viêm tắc tĩnh mạch theo Y học cổ truyền
Bệnh viêm tắc tĩnh mạch hình thành theo quan điểm của Y học hiện đại là do xuất hiện cục máu đông gây nghẽn 1 phần hoặc hoàn toàn dòng chảy của tĩnh mạch.
Theo Đông y, cơ chế gây viêm tắc tĩnh mạch là do khí huyết ngưng trệ làm mạch lạc tắc nghẽn dấn đến máu huyết không thông. Điều trị viêm tắc tĩnh mạch theo quan điểm của Y học cổ truyền dù là tĩnh mạch nông hay sâu đều cần phải thông mạch, hoạt huyết, hóa ứ để tuần hoàn máu lưu thông mới giúp hết đau và phục hồi các mô tế bào bị thương tổn.
Các bài thuốc thường dùng trong Đông y cần tùy vào thể trạng để áp dụng các vị thuốc thanh nhiệt, giải độc, ích khí, tán hàn. Khi nhiệt giảm, huyết ư được giải mà cơ thể vẫn còn thủy thấp lưu trệ, chi dưới vẫn sưng to cần phải căn cứ vào tình hình bệnh để thông lạc, dưỡng huyết, hoặc hoạt lạc trừ thấp.
Ở giai đoạn mãn tính, đa phần người bệnh nhiễm hàn thấp làm kinh lạc ứ trệ, do vậy cần chú trọng hoạt huyết ích khí, ôn kinh tán hàn.
Hình ảnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới
Bài thuốc điều trị viêm tắc tĩnh mạch nông
1. Điều trị viêm tắc tĩnh mạch nông cấp tính
Theo Y học cổ truyền, ở giai đoạn đầu, người mắc viêm tắc tĩnh mạch nông có dấu hiệu sưng đỏ, đau nhiều, lưỡi rêu trắng, mạch tế sác. Ở giai đoạn này cần có bài thuốc giải độc, thanh nhiệt, hoạt huyết, lợi thấp.
Phương trị: thanh nhiệt - giải độc - lợi thấp hoạt huyết.
Bài thuốc Tứ diệu tán: Gồm các vị Thương truật, Ý dĩ, Hoàng bá, Ngưu tất mỗi vị 10g. Đem tán thành bột mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 – 12g.
2. Điều trị viêm tắc tĩnh mạch nông mãn tính
Viêm tắc tĩnh mạch nông do thể khí hư huyết ứ làm mạch lạc không có kết nối dẫn đến biểu hiện: tĩnh mạch nổi lên ngoằn ngoèo, sờ vào thấy cứng, da tím, đau nhức, phù nề, chất lưỡi rêu mỏng, mạch trầm tế sáp.
Người mắc viêm tắc tĩnh mạch nông mãn tính cần áp dụng bài thuốc giúp hoạt huyết, ích khí, thông lạc tán kết.
Bài thuốc “Tiểu kim đan gia giảm” gồm có các vị: Ngũ linh chi, Địa long mỗi loại 10g; Thảo ô, Mộc miết tử, Hoắc hương mỗi vị 6g; Nhũ Hương, Bạch dáng Hương, Mộc dược mỗi vị 8g, Đương quy 15g. Đem sắc thuốc uống mỗi ngày 1 thang, chia làm 2 lần.
Một số vị thuốc giúp hoạt huyết, thông mạch, tán ứ
Điều trị viêm tắc tĩnh mạch sâu theo quan điểm Y học cổ truyền
1. Điều trị viêm tắc tĩnh mạch sâu do thấp nhiệt trở lạc làm khí huyết ứ trệ
Người bệnh có dấu hiệu phát sốt, sợ lạnh, miệng khát, chi sưng phù, đau nhức. Bệnh nhân còn thấy đại tiện táo, tiểu tiện ít, lưỡi rêu vàng, mạch huyền tế.
Điều trị thấp nhiệt cần có bài thuốc thanh nhiệt, hoạt huyết, lợi thấp, thông kinh lạc.
Bài thuốc “Kỳ đương thang” gồm có Hoàng kỳ 40g, Đương quy 8g. Gia thêm các vị Hoàng bá, Đan bì, Chi tử, Liên kiều để lương huyết. Ngoài ra có thể gia thêm các vị như:
- Có biểu hiện nhiệt độc thịnh, chân sưng đỏ nhiều, người mỏi mệt gia thêm: Tử hoa, Địa đinh, Hổ trượng, Bồ công anh để giải độc tố.
- Bụng chướng gia thêm: Đại hoàng, Mang tiêu, Chỉ xác giúp thông tiết nhiệt.
- Nếu miệng khát do nhiệt thịnh, tân thương thì gia thêm các vị: Thiên hoa phấn, Chi mẫu, Hoàng liên để sinh tân, thanh nhiệt.
2. Điều trị viêm tắc tĩnh mạch sâu do khí huyết hư, hàn thấp trệ
Người bệnh mắc viêm tắc tĩnh mạch sâu lâu ngày sẽ khiến chi sưng to, phù nề, ấn tay không thấy lõm xuống, đau đớn, đổi màu tím xám. Chất lưỡi rêu trắng, mạch trầm tế.
Áp dụng bài thuốc ôn kinh thông lạc, ích khí hoạt huyết.
Tham khảo bài thuốc Bát trân thang gồm có các vị: Bạch truật, Bạch linh, Bạch thược, Quy đầu mỗi loại 12g; Thục địa 20g; Đẳng sâm 16g; Cam thảo 6g; Xuyên khung 8g. Gia thêm các vị:
- Nếu thấy đau nhiều gia thêm: Mộc dược, Nhũ hương để phá ứ, hoạt huyết.
- Nếu chi sưng to, đau nhiều, căng chướng gia thêm: Mộc qua, Ty qua lạc, Ô dược, Phòng kỷ để trừ thấp.
- Nếu tĩnh mạch tắc có cục máu đông to gia thêm: Bạch chỉ, Tam lăng, Vương bất lưu hành để tán kết, phá ứ.
- Nếu sờ vào thấy chi lạnh, gia thêm: Tế tân, Quế chi để thông lạc, tán hàn.
- Nếu cảm thấy đau lưng mỏi gối do thận tinh bất túc gia thêm: Đỗ trọng, Thỏ ty tử, Xuyên tục đoạn để bổ thận.
Trên đây là tổng hợp các bài thuốc điều trị viêm tắc tĩnh mạch theo quan điểm của Y học cổ truyền cho bạn tham khảo. Dùng thuốc Đông y mang lại lợi thế là giúp trị bệnh tận gốc nhưng đòi hỏi phải kiên trì sử dụng hàng ngày mới có hiệu quả. Bạn nên kết hợp chế độ ăn uống khoa học, tránh xa các chất kích thích kết hợp với tập luyện đúng cách để sớm khỏe mạnh.