Huyết khối tĩnh mạch cánh tay có gây thuyên tắc phổi không?
Huyết khối tĩnh mạch cánh tay thường ít gặp nhưng có thể gây biến chứng nặng nề như thuyên tắc phổi, dẫn đến đột tử. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu cơ chế gây huyết khối tĩnh mạch cánh tay giúp chẩn đoán và điều trị bệnh tốt nhất.
Như thế nào là huyết khối tĩnh mạch cánh tay?
Huyết khối tĩnh mạch cánh tay là dạng bệnh lý hiếm gặp. Cơ chế của bệnh hình thành là do tĩnh mạch cánh tay xuất hiện cục máu đông. Bệnh thường không có nguyên nhân cụ thể. Huyết khối hình thành ở tay chủ yếu do hậu quả của các bệnh lý khác gây nên.
Đa phần huyết khối tĩnh mạch thường gặp ở vùng chi dưới. Huyết khối tĩnh mạch cánh tay bao gồm 2 loại:
- Huyết khối tĩnh mạch nông: Tĩnh mạch nông nằm ngay dưới bề mặt da. Vùng tĩnh mạch cánh tay còn là điểm hội tụ tĩnh mạch đầu, tĩnh mạch nền, tĩnh mạch giữa ở cẳng tay, sau đó kết nối đổ máu xuống vùng tĩnh mạch nách.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu: Tĩnh mạch sâu thường nằm ở trong vùng cơ, thường kết nối với tĩnh mạch nách.
Huyết khối tĩnh mạch nông ít xảy ra hơn so với huyết khối tĩnh mạch sâu. Đặc biệt huyết khối tĩnh mạch sâu ở cánh tay vừa phổ biến vừa gây nhiều biến chứng nguy hiểm hơn.
Huyết khối tĩnh mạch tay gây nổi tĩnh mạch, phù nề, đau nhức
Cơ chế hình thành huyết khối tĩnh mạch cánh tay
Hình thành khuyết khối trong mạch máu thường là kết quả do máu huyết bị ứ đọng, dẫn đến rối loạn tăng đông máu và gây thương tổn mạch máu. Tình trạng này sẽ làm mất cân bằng giữa quá trình tạo huyết khối và tiêu sợi huyết, dẫn đến cục máu đông phát triển.
Huyết khối tĩnh mạch sâu cánh tay có thể xảy ra do nhiều yếu tố như:
- Do dị tật bẩm sinh xảy ra ở lồng ngực (thừa cơ, xương sườn cổ, chèn gân bất thường, hội chứng lối thoát ngực)….
- Do biến chứng từ quá trình phẫu thuật ở cánh tay, thủ thuật đặt Catheter, lọc máu, tiêm chích ma túy….
- Do sự phát triển bất thường của xương.
- Do thói quen tập nâng tạ, nâng vật nặng diễn ra trong nhiều ngày.
Những bất thường về giải phẫu ở vùng cánh tay khiến không gian xương đòn bị thu hẹp, làm chèn ép tĩnh mạch cánh tay, dẫn đến tổn thương tĩnh mạch, gây tăng đông máu.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh bao gồm:
- Dùng thuốc tránh thai hoặc thuốc điều trị nội tiết thay thế.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc vừa mới sinh con xong.
- Người vận động ít, nằm bất động lâu ngày.
- Do thiếu máu, thiếu sắt, lupus ban đỏ, bệnh tuyến giáp, béo phì, viêm ruột….
- Tăng đông máu do đột biến gen MTHFR, tăng phosphor máu, thiếu Protein S, thiếu protein C, bệnh đa hồng cầu nguyên phát, hội chứng kháng phospholipid.
- Nhiễm trùng xảy ra ở quanh cánh tay.
- Do những tác động cơ học như: gãy xương, đặt Catheter tĩnh mạch, đặc lọc máu, tiêm….
- Do mạch máu dị dạng.
Huyết khối tĩnh mạch tay cũng như huyết khối tĩnh mạch chi dưới hình thành do cục máu đông xuất hiện trong lòng mạch
Chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch cánh tay
Triệu chứng lâm sàng nhận biết huyết khối tĩnh mạch cánh tay bao gồm:
- Đau nhức cánh tay cường độ gia tăng, nhất là khi làm việc.
- Màu sắc cánh tay chuyển sang màu xanh đen, đỏ bầm.
- Cánh tay sưng, nặng nề, nóng đỏ và đau.
- Sốt.
- Nổi tĩnh mạch nông nhìn thấy rõ bằng mắt thường.
Đặc biệt khi có biến chứng thuyên tắc phổi người bệnh còn gặp phải triệu chứng ho ra máu, đau tức ngực, khó thở… cần phải cấp cứu ngay để ngăn chặn nguy cơ đột tử.
Khi thăm khám, bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch cánh tay dựa vào kết quả xét nghiệm như:
- Siêu âm mạch máu 2D hoặc Doppler tĩnh mạch.
- Chụp tĩnh mạch dựa trên catheter.
- Chụp cộng hưởng tử (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT Scan).
- Xét nghiệm D – Dimer.
- Xét nghiệm công thức máu.
Chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch cánh tay cũng cần phân biệt với các bệnh lý khác như: phù nề, tắc mạch bạch huyết.
Điều trị huyết khối tĩnh mạch cánh tay
Huyết khối tĩnh mạch cánh tay nếu không được điều trị ngay có thể dẫn đến khuyết tật vĩnh viễn. Nguy hiểm hơn còn gây thuyên tắc tĩnh mạch phổi dẫn đến đột tử. Huyết khối ở cánh tay nhẹ hơn có thể gây biến chứng suy tĩnh mạch mạn, viêm tĩnh mạch xanh, viêm tĩnh mạch trắng… ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và cuộc sống.
Điều trị huyết khối tĩnh mạch cánh tay cần căn cứ vào các triệu chứng như:
- Kiểm soát cơn đau bằng thuốc chống viêm không Steroid (NSAID). Loại thuốc này bắt buộc phải sử dụng theo đơn của bác sĩ chuyên khoa để tránh tác dụng phụ nguy hiểm.
- Sử dụng thuốc chống đông máu để ngăn chặn sự phát triển của cục máu đông.
- Áp dụng bài thuốc Y học cổ truyền, kết hợp các dược liệu tán ứ, thông mạch, hoạt huyết để làm tan cục máu đông, kích thích tuần hoàn máu.
Huyết khối tĩnh mạch cánh tay rất hiếm gặp, điều trị phức tạp và đòi hỏi phải kiên trì. Vì vậy, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường ở tay, bạn nên sớm đến bệnh viện để thăm khám, tránh để lâu, điều trị rất khó khăn và tăng biến chứng nguy hiểm.