Huyết khối tĩnh mạch chân diễn biến âm thầm nhưng nguy hiểm
Tĩnh mạch chân có nhiệm vụ dẫn truyền máu từ các cơ quan trở về tim. Khi cục máu đông hình thành ở tĩnh mạch chi dưới sẽ dẫn đến huyết khối tĩnh mạch chân, làm tăng nguy cơ đột tử do tắc mạch phổi.
Nguyên nhân gây cục máu đông trong tĩnh mạch?
Cơ chế hình thành cục máu đông bình thường giúp cầm máu, ngăn chặn tổn thương. Tuy nhiên, khi cục máu đông đột ngột xuất hiện trong thành mạch sẽ khiến cho mạch máu bị tắc nghẽn, máu lưu thông kém làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác.
Những người có nguy cơ cao mắc cục máu đông như:
- Người béo phì, thừa cân, nồng độ Cholesterol cao làm tăng nguy cơ có cục máu đông trong thành mạch.
- Người mắc bệnh ung thư, bệnh tim mạch, huyết áp cao, đái tháo đường, rối loạn đông máu….
- Người ăn uống không lành mạnh, ăn nhiều chất béo, uống rượu bia, hút thuốc lá, lười vận động.
- Người tuổi cao (từ 65 tuổi) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao do thay đổi nội tiết tố, tăng cân nhanh khi mang thai….
Cục máu đông bất thường xuất hiện trong tĩnh mạch chân gây nên huyết khối tĩnh mạch sâu, còn gọi là viêm tắc tĩnh mạch, hoặc thuyên tắc tĩnh mạch sâu chi dưới….
Đôi chân bị huyết khối tĩnh mạch
Dấu hiệu nhận biết huyết khối tĩnh mạch chân
Người bệnh thường có các triệu chứng nhận biết huyết khối tĩnh mạch chân như sau:
- Sưng đau tại vị trí có cục máu đông trong lòng mạch, thậm chí đau sưng toàn bộ chân.
- Cảm giác đau đớn, khó chịu do cục huyết khối gây tắc nghẽn, sưng viêm, lâu ngày gây đau âm ỉ đến dữ dội.
- Biến dạng màu sắc chân, chân có thể có các vệt đỏ, xanh bất thường.
Cục máu đông có thể vỡ ra và đi theo dòng máu chảy, có thể gây tắc mạch phổi dẫn đến khó thở, đột tử bất ngờ. Người có biến chứng tắc mạch phổi thường có biểu hiện: thở dốc, đau tức ngực, nhịp tim nhanh, ho ra máu….
Cục máu đông trong lòng mạch
Chẩn đoán và điều trị huyết khối tĩnh mạch chân
1. Một số xét nghiệm chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch chân
Để chẩn đoán mức độ bệnh và phân biệt với các bệnh lý khác, bác sĩ có thể chỉ định làm xét nghiệm máu để phát hiện bất thường về đông máu, siêu âm Doppler mạch máu, chụp X – Quang hoặc chụp CT Scaner phổi nếu có dấu hiệu tắc mạch phổi.
2. Điều trị huyết khối tĩnh mạch chân
Huyết khối tĩnh mạch chân được xem là bệnh lý nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng nên bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo người bệnh nên đi khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Mục tiêu điều trị trong Y học hiện đại là ngăn chặn cục máu đông phát triển về kích cỡ, phòng ngừa biến chứng tắc mạch phổi.
Một số loại thuốc thường dùng trong điều trị huyết khối tĩnh mạch chân như:
- Thuốc chống đông bao gồm các loại: Heparin trọng lượng phân tử thấp hoặc thuốc dạng uống như: Dabigatran, Warfarin, Rivaroxaban…. Dùng thuốc cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để tránh các biến chứng.
- Điều trị tan huyết khối bằng thuốc tiêu sợi huyết như: Urokinase, Streptokinase hoặc sử dụng chất kích hoạt plasminogen mô….
- Phẫu thuật: Đặt bộ lọc filter bên trong tĩnh mạch chủ để ngăn chặn cục máu đông di chuyển đến các cơ quan khác.
- Sử dụng kết hợp tất áp lực giúp giảm sưng, phù, kích thích lưu thông máu.
Các phương pháp trên cần được bác sĩ chuyên khoa tư vấn để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Thay đổi lối sống dự phòng huyết khối tĩnh mạch chân
Đối tượng có nguy cơ cao mắc huyết khối tĩnh mạch nên chú ý tập thể dục hàng ngày, tránh béo phì, thừa cân, vận động nhiều, tránh đứng hoặc ngồi quá lâu…. Người bệnh cũng nên tạo thói quen tốt cho tĩnh mạch như: kê cao chân khi ngủ, massage chân thường xuyên để tăng cường lưu thông máu.
Huyết khối tĩnh mạch chân có thể gây biến chứng tắc mạch phổi nếu không được điều trị sớm và kịp thời. Mong rằng bài viết đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức giúp phát hiện sớm căn bệnh nguy hiểm này.