Huyết khối tĩnh mạch nông và bí quyết điều trị dứt điểm
Huyết khối tĩnh mạch nông là căn bệnh do cục máu đông hình thành trong lòng tĩnh mạch nông. Cụ thể triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch nông như thế nào? Bệnh có thể điều trị dứt điểm được không? Bài viết là toàn bộ những điều bạn cần biết về căn bệnh này để ngăn chặn biến chứng nguy hiểm.
Huyết khối tĩnh mạch nông là bệnh gì?
Huyết khối tĩnh mạch nông hình thành do xuất hiện cục máu đông trong tĩnh mạch nông dẫn đến các triệu chứng ứ máu, nổi tĩnh mạch, đau nhức, phù nề chân.
Người có nguy cơ cao bị huyết khối tĩnh mạch nông bao gồm:
- Người có tiền sử bị giãn tĩnh mạch hoặc rối loạn đông máu.
- Phụ nữ đang mang thai.
- Người bị chấn thương phải phẫu thuật, nằm bất động lâu ngày.
- Người mắc ung thư.
Huyết khối tĩnh mạch nông cũng có thể làm tiền đề dẫn đến huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây đột tử nếu cục máu đông di chuyển đến phổi.
Hình ảnh huyết khối trong lòng tĩnh mạch
Nhận biết triệu chứng huyết khối tĩnh mạch nông
Huyết khối tĩnh mạch nông thường diễn biến âm thầm. Người bệnh nên đặc biệt chú ý đến các triệu chứng như:
- Đau âm ỉ vùng tĩnh mạch bị bệnh.
- Cảm thấy xơ cứng tĩnh mạch.
- Đỏ vùng chân bệnh.
- Đau nhiều, phù chân.
- Một số trường hợp nặng có thể bị sốt không rõ lí do.
Các triệu chứng này thường xuất hiện ở vùng tĩnh mạch có cục máu đông, thậm chí có thể kéo dài theo tĩnh mạch hiển. Triệu chứng đau âm ỉ, đỏ chân thường xuất hiện trước, sau đó ở giai đoạn nặng người bệnh sẽ thấy đau đớn nhiều, phù chân nặng hơn. Các dấu hiệu sốt cao, ớn lạnh có thể do bị viêm tĩnh mạch nặng gây nhiễm trùng huyết cần phải được điều trị sớm.
Chân sưng phù do huyết khối tĩnh mạch
Chẩn đoán Huyết khối tĩnh mạch nông dựa trên các phương pháp nào?
1. Chẩn đoán lâm sàng
Để phân biệt huyết khối tĩnh mạch nông với các bệnh lý về mạch máu khác, bác sĩ chuyên khoa cần chú ý một vài dấu hiệu lâm sàng như sau:
- Người mắc huyết khối tĩnh mạch nông thường có các đường viền rõ ràng hơn, chạy dọc theo tĩnh mạch nông để phân biệt với bệnh viêm tĩnh mạch nông, viêm mô xơ, ban đỏ cứng, ban đỏ dạng nút, viêm mô tế bào, viêm mô mỡ dưới da….
- Huyết khối tĩnh mạch nông có mặt ở cả tĩnh mạch nông chi dưới hoặc chi trên, ít gặp ở tĩnh mạch vú hoặc ngực.
- Huyết khối tĩnh mạch nông ở vùng chi trên thường do các yếu tố như: đặt catheter tĩnh mạch, tiêm truyền tĩnh mạch. Trong đó suy giãn tĩnh mạch chi dưới chủ yếu là yếu tố nguy cơ chính gây huyết khối tĩnh mạch nông chi dưới.
- Người bệnh thường có dấu hiệu căng cứng cơ, đau dọc theo tĩnh mạch, sờ vào thấy nóng, da biến đổi màu hồng, đỏ.
- Huyết khối tĩnh mạch nông có khả năng di chuyển, phát triển hoặc tái diễn ở tĩnh mạch tay, chân, thân mình. Đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý khác như: ung thư tuyến tụy….
2. Chẩn đoán qua hình ảnh siêu âm
Bệnh nhân có thể được bác sĩ tư vấn thực hiện siêu âm để chẩn đoán tốc độ lưu thông máu và vị trí cục máu đông trong thành mạch.
Phương pháp điều trị huyết khối tĩnh mạch nông
Để điều trị huyết khối tĩnh mạch nông có các phương pháp như sau:
- Điều trị bằng Tây y:
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống viêm Steroid nhằm giảm các triệu chứng sưng đau tĩnh mạch.
Với bệnh nhân đang có biểu hiện huyết khối tĩnh mạch nông lan rộng cần phải kê đơn thuốc chống đông, đa phần sử dụng Heparin phân tử thấp. Có thể tham khảo liều dùng: enoxaparin 40 mg, thực hiện tiêm dưới da ngày 2 lần hoặc fondaparinux 5,1 mg thực hiện tiêm dưới da mỗi ngày 1 lần, kéo dài trong khoảng 1 tháng.
Trường hợp bệnh có dấu hiệu lan rộng đến tĩnh mạch sâu do nguyên nhân tụ cầu cần được kê thuốc kháng sinh chống tụ cầu.
Tất cả các loại thuốc trên cần phải đặc biệt chú ý dùng đúng theo liều lượng và theo đúng tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không tự ý sử dụng theo ý muốn chủ quan có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm.
- Phương pháp phẫu thuật:
Huyết khối tĩnh mạch nông nặng và có dấu hiệu biến chứng nguy hiểm, bác sĩ có thể thực hiện thắt và tách tĩnh mạch hiển. Phương pháp này rất phức tạp và đòi hỏi trình độ chuyên môn cao của bác sĩ chuyên khoa nên cần cân nhắc kĩ.
Tùy vào thể trạng của bệnh nhân mà bác sĩ có thể tư vấn đặt ống thông tĩnh mạch giúp cải thiện lưu thông máu. Ống thông này được làm bằng chất dẻo. Khi đặt ống thông cần chú ý kiểm tra định kì để tránh biến chứng nhiễm trùng tại tĩnh mạch.
- Biện pháp điều trị phối hợp:
Khi thăm khám thấy huyết khối không ở vị trí điểm nối đùi thì có thể thực hiện biện pháp giảm đau bằng cách chườm ấm tĩnh mạch kết hợp nghỉ ngơi trên giường, nâng cao chân tại chỗ.
- Điều trị bằng thảo dược Đông y:
Điều trị bằng các bài thuốc hoạt huyết của Y học cổ truyền được rất nhiều người lựa chọn do đem lại hiệu quả tốt, giảm đau, sưng tĩnh mạch và tiết kiệm chi phí. Khi huyết mạch được lưu thông, cục máu đông giảm kích cỡ, thành mạch có độ đàn hồi sẽ giúp chân, tay khỏe mạnh trở lại.
Trên đây là toàn bộ những điều cần biết về huyết khối tĩnh mạch nông. Điều trị huyết khối tĩnh mạch nông khá phức tạp và cần xác định dựa trên kết quả chẩn đoán bệnh. Do vậy, bạn nên đi thăm khám sớm để được bác sĩ tư vấn.