Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới và những biến chứng bạn nên biết
Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới không chỉ gây tắc nghẽn mạch máu mà còn có thể gây biến chứng thuyên tắc động mạch phổi dẫn đến khó thở, đau tức ngực, thậm chí đột tử nếu không được cấp cứu kịp thời.
Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là bệnh gì?
Đối với hệ tuần hoàn khỏe mạnh, máu sẽ được tim co bóp đi theo các động mạch đến với các cơ quan khác. Sau đó, máu sẽ tiếp tục đi qua các đường tĩnh mạch để quay trở lại tim. Cơ thể con người gồm có 3 loại tĩnh mạch chính là tĩnh mạch nông, tĩnh mạch sâu và tĩnh mạch xuyên.
Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là một dạng bệnh lý về mạch máu khá phổ biến. Nguyên nhân là do cục máu đông xuất hiện bên trong tĩnh mạch dẫn đến tắc nghẽn mạch máu. Tình trạng này kéo dài sẽ gây nên các triệu chứng sưng, đau, lở loét tại chỗ. Cục máu đông di chuyển trong lòng mạch còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nghiên cứu chỉ ra rằng huyết khối hình thành do tác động của các yếu tố: tuần hoàn ứ trệ, tăng đông máu và tổn thương tế bào lót (tế bào nội mô) trong lòng mạch gây nên. Các yếu tố này được miêu tả tựa như kiềng ba chân, dẫn đến kích động đông máu và tạo nên cục huyết khối trong mạch máu.
Cụ thể quá trình hình thành cục máu đông diễn ra như sau: Máu huyết ứ trệ (có thể do người bệnh ít vận động, nằm lâu ngày sau phẫu thuật, do suy van tĩnh mạch….) dẫn đến tăng đông máu (gia tăng với các trường hợp mắc rối loạn đông máu, bệnh lý ác tính, đột biến gen, phẫu thuật….) gây thương tổn tế bào trong lòng mạch.
Mô tả cục máu đông trong thành mạch
Bệnh huyết khối tĩnh mạch chủ yếu ở độ tuổi nào?
Đối tượng mắc huyết khối tĩnh mạch chi dưới chủ yếu là người cao tuổi, người ít vận động. Nhất là những người vừa phải qua các cuộc phẫu thuật, bị chấn thương phải nằm bất động lâu ngày sẽ khiến máu huyết lưu thông kém. Ngoài ra, người thường xuyên hút thuốc lá, phụ nữ có thai, người bị rối loạn tăng đông máu bẩm sinh… cũng là nhóm người có khả năng mắc bệnh cao.
Biến chứng huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới: Có thể gây đột tử
Nếu cục máu đông đứng yên trong lòng mạch có thể dẫn đến tắc nghẽn dòng chảy dẫn đến biến dạng tế bào xung quanh, tăng nguy cơ lở loét chi. Nguy hiểm hơn, cục máu đông có thể theo dòng máu lưu thông đến tim phải, sau đó tiếp tục di chuyển từ tim lên phổi, dẫn đến thuyên tắc phổi. Đây là biến chứng đe dọa tính mạng, dẫn đến khó thở, đau tức ngực, thậm chí tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị gấp.
Nhận biết biến chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới
Người mắc huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới sẽ có các biểu hiện đau nhức chi dưới, sưng đỏ, phù nề chi dưới. Ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể bị lở loét, biến dạng chi.
Khi cục máu đông di chuyển dẫn đến thuyên tắc động mạch phổi, người bệnh sẽ có các triệu chứng: khó thở, đau tức ngực nhiều, hoa mắt, chóng mặt, ho ra máu…. Các triệu chứng này cần phải được can thiệp càng sớm càng tốt để bảo toàn tính mạng.
Biến chứng thuyên tắc mạch phổi gây tử vong
Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới: Cần chẩn đoán và điều trị sớm
Căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng mà bác sĩ có thể chỉ định người bệnh làm các xét nghiệm chẩn đoán huyết khối. Một số chẩn đoán quan trọng nhất là siêu âm mạch máu, xét nghiệm D- Dimer, chụp CT scan.
Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới theo Tây y hiện nay chủ yếu ngăn chặn biến chứng thuyên tắc phổi. Với người có bệnh lý nền như bệnh tiểu đường, cao huyết áp… cần phải căn cứ vào bệnh lý để cân nhắc thuốc điều trị phù hợp. Thuốc kháng đông, thuốc tiêu sợi huyết có thể được áp dụng cho những trường hợp nhẹ. Tuy nhiên, sử dụng các loại thuốc này cần phải theo dõi hàng ngày, không tự ý sử dụng nếu không có tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để tránh những tai biến nguy hiểm.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần chú ý sống lành mạnh, không hút thuốc lá, không uống rượu bia. Việc kiểm soát cân nặng, tăng cường tập luyện thể dục thể thao cũng là cách tốt để thúc đẩy máu huyết lưu thông, giảm bớt nguy cơ mắc các bệnh lý về mạch máu. Những người vừa trải qua phẫu thuật cũng nên tham khảo vật lí trị liệu của bác sĩ chuyên khoa để vận động đúng cách. Người lớn tuổi nên thường xuyên vận động, đi lại để xương khớp và mạch máu được đàn hồi.
Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Khi nhận thấy các biểu hiện sưng, phù chân, đau chân bạn nên tới các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị, tránh để lâu ngày có thể nguy hiểm đến tính mạng.