Ngón chân bị hoại tử càng chủ quan càng dễ chết
Ngón chân bị hoại tử có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau như bệnh lý viêm tắc mạch máu, bệnh tiểu đường…. Trước khi bị hoại tử, người bệnh thường có biểu hiện đau nhức ở bắp đùi, bắp chân nhưng nhiều người chủ quan cho rằng đây là bệnh tuổi già, bệnh xương khớp… khiến đi khám và điều trị khi các dấu hiệu hoại tử lan rộng.
Bị đau nhức chân: Triệu chứng sớm đừng chủ quan
Đau nhức chân là một trong những triệu chứng điển hình của các bệnh lý về mạch máu. Nhiều người bị đau nhức ở chân trong nhiều tháng, uống đủ loại thuốc giảm đau, thuốc trị xương khớp nhưng không khỏi. Càng để lâu các ngón chân càng có biểu hiện lạnh chi, màu tím tái, thậm chí chuyển sang màu thâm đen. Khi đi khám mới biết bị viêm tắc động mạch, nhưng không được điều trị đúng cách dẫn đến ngón chân bị hoại tử.
Không ít trường hợp đến bệnh viện thăm khám khi ngón chân bị hoại tử nặng, người bệnh đau chân không thể đi lại được, trên chân có nhiều vết lở loét to, chảy mủ lẫn máu, chạm vào thấy phù và đau dữ dội.
Ngón chân bị hoại tử thường liên quan đến bệnh lý về mạch máu, trong đó phổ biến nhất là tắc động mạch chi dưới. Bệnh tắc động mạch chi dưới là dấu hiệu lòng động mạch bị hẹp và tắc nghẽn, có thể có mỗi liên hệ với xơ vữa động mạch hoặc viêm nội mạc động mạch, làm cho lượng máu nuôi chi dưới giảm rõ rệt.
Khi động mạch ở chân bị tắc nghẽn sẽ khiến lượng máu dồn xuống chân giảm rõ rệt, lâu dài sẽ làm cho ngón chân bị hoại tử. Người có nguy cơ cao bị tắc nghẽn động mạch chi dưới là người nghiện hút thuốc lá, đái tháo đường, cao huyết áp, béo phì, rối loạn chuyển hóa mỡ máu….
Hoại tử đầu ngón chân dẫn đến cắt cụt chi
Ngón chân bị hoại tử: Cần điều trị sớm
Bác sĩ chuyên khoa khuyên rằng những người bị viêm tắc động mạch cần điều trị sớm để tránh nguy cơ tắc mạch lâu ngày làm ngón chân bị hoại tử. Khi hoại tử lan rộng phải cắt cụt phần chi bị bệnh vẫn khiến vết thương khó lành lặn do thiếu máu cung cấp cho vùng da bị bệnh. Vì thế, phát hiện và điều trị sớm viêm tắc mạch máu là cách tốt nhất để phòng tránh hoại tử.
Bệnh viêm tắc động mạch chi dưới còn có thể dẫn đến nguy cơ tai biến mạch máu não, đột quỵ gia tăng. Với những người có bệnh động mạch chân thì khả năng cao các vùng động mạch khác như: động mạch cảnh, động mạch thận, động mạch vành nuôi tim… đều có thể bị tắc nghẽn.
Lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa là những đối tượng có nguy cơ cao nên đi thăm khám thường xuyên để nhận biết sớm biến chứng. Đặc biệt khi có các biểu hiện: đau cách hồi, đau nhiều ở vùng bắp chân, đau nặng ở bàn chân, ngón chân cần phải đi khám càng sớm càng tốt. Ngày nay, kĩ thuật siêu âm mạch máu rất hiện đại, có thể giúp phát hiện sớm hẹp động mạch và thiếu máu chi để có phác đồ điều trị thích hợp.
Người mắc viêm tắc động mạch giai đoạn sớm có thể được điều trị bằng kĩ thuật mổ hở hoặc mổ can thiệp nội mạch. Mổ hở giúp tái tạo mạch máu bằng cách sửa chữa, bóc nội mạc động mạch, loại bỏ mảng xơ vữa hoặc bắc cầu, cấy ghép mạch máu. Phương pháp can thiệp nội mạch đang được áp dụng hiện nay là nong mạch, đặt stent để tăng cường lưu thông máu. Tuy nhiên, các phương pháp này vẫn còn nhiều hạn chế, nguy cơ tái phát cao.
Khi ngón chân bị hoại tử lan rộng có thể phải cắt cụt chi, đoạn chi để ngăn chặn nhiễm trùng máu nguy hiểm đến tính mạng.
Hoại tử đầu ngón chân mang tính chất đối xứng, gây đau đớn, tím đen, sưng đỏ đầu chi
Ngón chân bị hoại tử: Điều trị theo Y học cổ truyền
Theo quan điểm Y học cổ truyền, viêm tắc động mạch là bệnh lý hình thành khi khí huyết không được điều hòa, dần ứ trệ, gặp phải các tác động của hàn tà, uất kết, hóa hỏa làm cơ nhục bị thương tổn, sưng to, chảy máu mủ, nước vàng. Nặng nhất có thể khiến hoại tử khớp, rụng đốt xương.
Hình ảnh minh họa mô tế bào bị hoại tử theo Y học cổ truyền
Tùy thuộc vào các giai đoạn mà Y học cổ truyền có pháp trị khác nhau. Đối với người mắc thể hư hàn khi chân tay đau nhiều, tê giật, thích nóng, sợ lạnh, người mệt mỏi, mặt tái nhợt, bụng sôi, lưỡi rêu trắng mỏng, mạch vô lực… cần áp dụng các dược liệu giúp ôn kinh, tán hàn, hoạt huyết như: Xích thược, Đương quy, Đào nhân, Đan sâm, Ngưu tất, Bào khương, Sinh hoàng kỳ, Tang kí sinh….
Người mắc thể khí trệ huyết ứ với các triệu chứng như: cơn đau gia tăng nhiều về đêm, chân tay lạnh, màu da thâm tím, lưỡi tím hoặc đỏ, mạch trầm tế… cần ứng dụng các dược liệu hành khí, hoạt huyết như: Hoàng kỳ, Đương quy, Kim ngân hoa, Nhũ Hương, Cam thảo, Hồng hoa, Đan sâm, Bồ công anh….
Người bệnh mắc thể nhiệt độc thịnh với dấu hiệu chi bệnh đen tím, sưng to, đau nhiều, lở loét, phù nề, chảy mủ, máu, lưỡi đỏ hoặc rêu vàng, mạch tế sác… cần ứng dụng các dược liệu hoạt huyết thông lạc, thanh nhiệt giải độc như: Xích thược, Tử thảo nhung, Kim ngân hoa, Hoàng kỳ, Ngưu tất, Sinh cam thảo, Hoàng kỳ, Địa long….
Người mắc thể khí huyết lưỡng hư có các triệu chứng: vết loét sưng đau, chảy mủ, máu, miệng không liền, da sạm, lưỡi rêu nhạt, mạch trầm tế vô lực… cần áp dụng bài thuốc kết hợp các dược liệu hoạt huyết thông kinh lạc, bổ khí huyết như: Hồng hoa, Hoa hòe, Liên kiều, Xuyên khung, Thổ phục linh….
Ngón chân bị hoại tử là biến chứng thường gặp của bệnh viêm tắc mạch máu, bệnh đái tháo đường. Nếu bạn là đối tượng có nguy cơ cao mắc phải các bệnh lý này nên thường xuyên tập thể dục thể thao, không hút thuốc lá, ăn uống lành mạnh kết hợp thăm khám định kì để phát hiện và điều trị bệnh sớm.