Nguyên nhân hoại tử là gì? Có chữa được không?
Vết thương hoại tử tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, khiến người bệnh đau đớn, mất khả năng vận động, thậm chí còn có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân hoại tử là gì? Căn bệnh này có chữa được không? Cùng tìm hiểu thêm qua nội dung bài viết dưới đây.
Vết thương hoại tử: Thiếu hiểu biết đe dọa tính mạng
Thuật ngữ “hoại tử” dùng cho trường hợp nhiễm trùng, mô tế bào chết không có khả năng tái tạo. Hoại tử thường lây lan rất nhanh. Hoại tử có nhiều loại, trong đó phổ biến nhất là hoại tử khô và hoại tử ướt.
Để nhận biết sớm hoại tử, người bệnh cần chú ý đến các đặc điểm:
- Hoại tử khô: Vị trí hoại tử khô lại, màu sắc da biến đổi từ nâu sang đen đặc, có thể kèm theo đau.
- Hoại tử ướt: Vị trí hoại tử lở loét, nhìn thấy rõ phần xương thịt bên trong. Khi bệnh nặng còn thấy vết thương chảy máu, mủ. Hoại tử ướt khiến người bệnh rất đau đớn, làm hạn chế khả năng đi lại, vận động. Nhiễm trùng nặng còn làm vết thương có mùi hôi thối.
Hoại tử có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời. Nhiều bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng vết hoại tử lan rộng, mùi hôi thối dẫn đến bắt buộc phải cắt bỏ bộ phận của cơ thể để bảo toàn tính mạng. Vị trí thường dễ bị hoại tử nhất là ở cánh tay, bàn tay, bàn chân, cẳng chân… khiến không ít người phải cắt cụt chi, trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.
Hoại tử tay lộ rõ xương thịt do viêm tắc động mạch
Nguyên nhân hoại tử là do đâu?
Có nhiều lý do dẫn đến hoại tử, trong đó thường gặp nhất là:
- Do vết thương hở bị nhiễm các loại khuẩn như: tụ cầu, liên cầu….
- Nguyên nhân hoại tử do bệnh tiểu đường: Tỉ lệ loét bàn chân ở bệnh nhân tiểu đường chiếm khoảng 2%, trong đó có tới 60% các ca bị loét có dấu hiệu nhiễm khuẩn. Bệnh tiểu đường làm tổn thương dây thần kinh ngoại biên, làm hình thành bệnh mạch máu ngoại vi dẫn đến tắc mạch, thiếu máu chi.
- Nguyên nhân hoại tử do nghiện thuốc lá: Người nghiện thuốc lá có nguy cơ cao mắc bệnh Buerger – bệnh viêm tắc mạch máu khiến các đầu chi ngón tay dần tím đen lại, hoại tử khô.
- Nguyên nhân hoại tử do các bệnh lý về mạch máu: Các bệnh viêm tắc mạch máu, viêm tắc động mạch, huyết khối tĩnh mạch… đều gây cản trở lưu thông máu, dẫn đến các chi không nhận đủ dinh dưỡng và oxi, làm gia tăng hoại tử da.
- Hoại tử do bệnh tự miễn: Viêm mao mạch hoại tử là bệnh tự miễn gây tổn thương đến mao mạch vừa và nhỏ. Hệ thống mao mạch thương tổn dẫn đến các vết xuất huyết dưới da có thể tiến triển thành vết loét hoại tử.
Nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc hoại tử như: người mắc bệnh tiểu đường, bệnh lý về mạch máu, bệnh viêm mao mạch hoại tử… nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa kết hợp thăm khám thường xuyên để phát hiện sớm các vết thương trên da, tránh biến chứng thành hoại tử.
Hoại tử chân do viêm mao mạch hoại tử khiến người bệnh đau nhức, mất khả năng lao động, đi lại phải phụ thuộc vào người thân
Chẩn đoán vết thương hoại tử như thế nào?
Chẩn đoán hoại tử thường dựa trên các dấu hiệu lâm sàng. Trong đó, các biểu hiện hoại tử ướt thường dễ phát hiện hơn. Khi có các triệu chứng:
- Đau nhức dữ dội tại vết thương hở, vết loét.
- Xung quanh vết thương bị sưng đỏ, đau rát.
- Vết thương chảy máu, mủ màu vàng, xanh.
- Vết thương chảy dịch, mùi tanh hôi, hôi thối.
- Dấu hiệu sốt.
Chẩn đoán hoại tử cũng cần kèm theo thăm khám các bệnh lý nền. Tùy thuộc vào các loại bệnh lý mà bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu thực hiện xét nghiệm máu, siêu âm tĩnh mạch… để chẩn đoán chính xác nguyên nhân hoại tử và có phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Điều trị vết thương hoại tử như thế nào?
Hiện nay, điều trị vết thương hoại tử được xác định dựa trên các nguyên tắc:
- Cắt lọc phần mô bị hoại tử để tránh lây lan sang các khu vực khác.
- Vệ sinh bề mặt vết thương bằng dung dịch sát khuẩn giúp ngăn chặn nhiễm trùng.
- Kết hợp dùng thuốc kháng sinh giảm đau, hạ sốt, kháng viêm theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Áp dụng các nguyên tắc trên sẽ giúp ngăn chặn nhiễm trùng ở vết thương bị hoại tử. Thuốc kháng sinh được dùng cho các trường hợp có dấu hiệu sưng, nóng đỏ, nhiễm trùng và đau nhức. Người bệnh không nên tùy tiện sử dụng thuốc kháng sinh mà cần tuân thủ đúng liều lượng và thời gian sử dụng của bác sĩ để tránh tác dụng phụ.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần chú ý điều trị các bệnh lý liên quan. Xác định chính xác nguyên nhân hoại tử sẽ giúp bác sĩ đưa ra phác đồ thích hợp để điều trị tận gốc hoại tử. Y học cổ truyền cho rằng nguyên nhân hoại tử là do khí huyết kém, huyết ứ không điều hòa đến các cơ quan. Vì vậy, Đông y sử dụng các thảo dược tự nhiên giúp hoạt huyết, thông mạch, tăng cường sức đề kháng sẽ giúp máu huyết điều hòa, Gan Thận khỏe mạnh, làm các tế bào bị thương tổn mau chóng phục hồi.
Nội dung bài viết giúp bạn nhận biết nguyên nhân hoại tử và có phương pháp điều trị phù hợp. Người bệnh cũng cần chú ý chăm sóc các vết thương hở sạch sẽ để tránh nhiễm trùng nguy hiểm.