Phác đồ điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới theo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa mạch máu
Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là căn bệnh nguy hiểm, có thể dẫn đến thuyên tắc động mạch phổi, dẫn đến đột tử. Dưới đây là phác đồ điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa mạch máu.
Chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới
Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là căn bệnh hình thành do cục máu đông xuất hiện trong tĩnh mạch vùng đùi, bắp chân, cẳng chân… gây tắc nghẽn 1 phần hoặc hoàn toàn tốc độ lưu thông máu.
1. Chẩn đoán xác định huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới
Bác sĩ cần chú ý đến dựa vào các yếu tố nguy cơ như:
- Người trên 40 tuổi.
- Người béo phì, thừa cân.
- Người có tiền sử phẫu thuật phải nằm lâu một chỗ, đột quỵ, suy tim, suy hô hấp, viêm phổi, ung thư….
- Chị em uống thuốc tránh thai hoặc sử dụng hormone trị liệu.
- Người có tiền sử suy giãn tĩnh mạch, phẫu thuật xương khớp, mắc hội chứng thận hư, rối loạn tăng sinh tủy….
Những người có yếu tố nguy cơ cao cần phải chú ý đến các triệu chứng nhận biết huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới như:
- Dị cảm ở bắp chân.
- Đau nặng.
- Có dấu hiệu sốt.
Khi thăm khám cần chú ý so sánh 2 chân, theo dõi các dấu hiệu:
- Đau nhiều khi sờ vào bắp chân, có thể nhìn và sờ thấy tĩnh mạch chân.
- Đau khi gấp mặt mu bàn chân vào cẳng chân.
- Cảm thấy nóng chân, tăng chu vi bắp chân và đùi so với chân còn lại.
- Phù chân.
- Kèm theo dấu hiệu giãn tĩnh mạch nông.
Triệu chứng điển hình của huyết khối tĩnh mạch sâu
3. Các xét nghiệm chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu
Bác sĩ chuyên khoa cần chẩn đoán dựa trên kết quả siêu âm Doppler mạch, nếu hình ảnh siêu âm (-) nhưng vẫn còn nghi ngờ mắc bệnh nên thực hiện chụp tĩnh mạch.
Ngoài ra, một số xét nghiệm chẩn đoán khác như: công thức máu, tiểu cầu, máu lắng, D-Dimer, chức năng gan thận, xét nghiệm chức năng đông máu….
4. Chẩn đoán phân biệt huyết khối tĩnh mạch sâu với các bệnh lý mạch máu khác
Trong phác đồ điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu không thể thiếu chẩn đoán phân biệt dựa trên các yếu tố như:
- Triệu chứng phù chân do các bệnh lý phù thận, suy tim, tụ máu trong cơ, vỡ nang nước, phù bạch mạch…. Có thể chẩn đoán dựa vào kết quả siêu âm Doppler.
- Chẩn đoán phân biệt huyết khối tĩnh mạch sâu với thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch.
- Bệnh lí rối loạn đông máu bẩm sinh.
- Người mắc bệnh ung thư: Cần dựa trên các dấu hiệu lâm sàng kết hợp chụp X – quang tim phổi, xét nghiệm nước tiểu, chức năng Gan, Thận, siêu âm bụng….
- Chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch ở các vị trí khác ít gặp hơn như nội sọ, tĩnh mạch tạng, tĩnh mạch cửa….
Hình ảnh cục máu đông trong tĩnh mạch
Phác đồ điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu
Ở giai đoạn sớm của bệnh, phác đồ điều trị cần chú ý:
- Biện pháp phối hợp: Nằm bất động tại giường, nâng cao chân để máu lưu thông tốt hơn.
- Thuốc chống đông: Áp dụng Heparine bao gồm: Heparine không phân đoạn thực hiện bơm truyền 50 đơn vị/kg vào tĩnh mạch hoặc kê đơn thuốc Heparine trọng lượng phân tử thấp liều lượng 70-100UI/Kg/12h, thực hiện tiêm dưới bụng. Ngoài ra, còn có thể sử dụng thuốc chống đông Fraxiparine và Calciparine liều lượng 0,1ml/10kg/12 giờ hoặc Lovenox liều lượng 0,4ml x 2 bơm/ngày.Cần chú ý liều lượng để thay đổi cho phù hợp. Khi dùng thuốc chống đông cần chú ý theo dõi, làm xét nghiệm tiểu cầu, nếu thấy chỉ số lọc cầu thận <70ml/phút ở người béo phì và trên 80 tuổi cần chỉ định anti-Xa để ngăn chặn biến chứng chảy máu.
- Thuốc kháng Vitamine K: Cần thực hiện tiêm ngay sau khi dùng Heparine. Tùy vào thể trạng bệnh lý mà sử dụng thuốc kháng vitamin K trong 3 tháng hoặc có thể lâu hơn nếu mắc viêm tắc tĩnh mạch mạn tính. Trường hợp có biến chứng đông máu bất thường cần tham khảo điều trị liệu trình dài, có thể đến hết đời. Khi kê đơn cho bệnh nhân, bác sĩ cần giải thích về cách dùng và hướng dẫn theo dõi hàng ngày để tránh tác dụng phụ.
- Dùng vớ y khoa hỗ trợ: Căn cứ vào vị trí của cục máu đông, bác sĩ có thể tư vấn bạn sử dụng băng chun (tất y khoa, vớ y khoa) áp lực 2-3. Nên đi tất ban ngày, không nên đi vào ban đêm.
Đeo vớ hỗ trợ theo chỉ dẫn của bác sĩ
Ở giai đoạn bệnh nặng, phác đồ điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu như sau:
- Thực hiện tiêu huyết khối: thường áp dụng cho trường hợp viêm tắc tĩnh mạch xanh. Phương pháp này cần cân nhắc cho trường hợp mắc huyết khối lớn làm chi dưới có dấu hiệu hoại tử.
- Phẫu thuật lấy huyết khối: Áp dụng cho trường hợp bệnh nặng, có cục máu đông trôi nổi. Phương pháp này cần phải được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa có chuyên môn tốt kết hợp với các loại máy móc, kĩ thuật hiện đại.
- Lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới: Thường chỉ định cho trường hợp bệnh nhân mắc huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới đoạn gần, cơ địa phản ứng với thuốc chống đông, hoặc bị tái phát thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch.
Phác đồ theo dõi và tái khám huyết khối tĩnh mạch sâu
Người bệnh cần theo dõi, nếu nhận thấy các biểu hiện dưới đây cần tái khám ngay:
- Giai đoạn cấp: Người bệnh thấy đau, viêm mô tế bào, nghi ngờ có dấu hiệu thuyên tắc động mạch phổi (do nhịp tim nhanh, khó thở, huyết áp tụt, đau tức ngực….). Bác sĩ cần căn cứ vào các dấu hiệu để kê đơn thuốc giảm tiểu cầu do Heparin….
- Giai đoạn duy trì: Người bệnh có dấu hiệu biến chứng hậu huyết khối như đau, viêm loét, phù chân, loạn dưỡng…. Tùy thuộc vào thể trạng mà bác sĩ lựa chọn thuốc phù hợp.
Trên đây là phác đồ điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu được bác sĩ chuyên khoa tư vấn. Bạn nên đi thăm khám sớm để được chẩn đoán mức độ bệnh lý, vị trí cục máu đông và có phương pháp điều trị sớm, tránh nguy hiểm đến tính mạng.