Tắc động mạch chi có nên phẫu thuật không?
Phẫu thuật tắc động mạch chi cấp tính do huyết khối là một trong những biện pháp điều trị bệnh mang lại hiệu quả cho nhiều đối tượng. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể thực hiện phẫu thuật và phẫu thuật cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Để hiểu rõ hơn về phương pháp này bạn đừng bỏ qua nội dung bài viết dưới đây.
Tắc động mạch chi: Đừng nhầm lẫn với các bệnh lý khác
Tắc động mạch chi cấp tính hình thành khi cục huyết khối gây tắc nghẽn lòng mạch, dẫn đến thiếu máu cấp tính ở chi trên (tay) và chi dưới (chân). Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho phần chi bị thiếu hụt máu nhanh chóng biến chứng sang hoại tử. Nếu hoại tử này lan rộng, có biểu hiện nhiễm nhuẩn sẽ dẫn đến phải cắt cụt chi, tàn tật, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Tắc động mạch chi cấp tính sẽ có các triệu chứng nhận biết dễ dàng như sau:
- Đau: Người bệnh có cảm giác đau đột ngột, đau dữ dội ở vùng chi bị tắc mạch.
- Dị cảm chi: Bệnh nhân bị rối loạn cảm giác ở chi, tê bì, đau, dần dần mất cảm giác.
- Lạnh chi: Vùng chi bị tắc mạch máu sẽ thấy sờ vào lạnh hơn nhiều so với các chi khỏe mạnh.
- Màu sắc da biến đổi: Ở chi bị bệnh, thiếu máu kéo dài dẫn đến nhợt nhạt hơn so với bên còn lại. Trên chân, tay còn có thể xuất hiện các đốm tím do thiếu máu nuôi chi.
- Biểu hiện liệt cơ: Khi bệnh nặng, nhất là vùng chi dưới thường đau khi đi lại, vận động chi yếu, sau có thể bị liệt hoàn toàn.
- Mất mạch ở vùng động mạch tắc: Đây là dấu hiệu giúp chẩn đoán xác định bệnh.
Nghiên cứu chỉ ra rằng hoại tử chi có thể bắt đầu sau khoảng 4 giờ sau khi tắc động mạch chi. Vì vậy, tắc động mạch chi cần phải được điều trị càng sớm càng tốt. Phẫu thuật điều trị tắc động mạch chi là một trong những phương pháp giúp loại bỏ cục máu đông, làm chi bị tổn thương nhanh chóng phục hồi.
Động mạch chi bị bít hẹp sau dần tắc nghẽn
Phẫu thuật tắc động mạch chi chỉ nên áp dụng cho những đối tượng nào?
Phẫu thuật điều trị tắc động mạch chi cấp tính thường áp dụng cho những trường hợp có biểu hiện thiếu máu cấp tính chi có thể phục hồi. Trường hợp hoại tử nặng không có khả năng khôi phục hoạt động của chi cần thực hiện phẫu thuật đoạn chi để bảo toàn mạng sống.
Quy trình phẫu thuật tắc động mạch chi được thực hiện như thế nào?
1. Giai đoạn chuẩn bị
Người bệnh sẽ được giải thích về nguy cơ gặp phải khi mắc bệnh và mục đích của ca phẫu thuật. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành gây mê trước khi phẫu thuật.
2. Các bước tiến hành phẫu thuật tắc động mạch chi
- Bước 1: Nếu người bệnh bị tắc động mạch chi trên cần thực hiện ca phẫu thuật trong tư thế nằm ngửa, tay dang góc 90 độ. Nếu mắc tắc động mạch chi dưới, người bệnh duỗi thẳng tay, chân. Sau đó, điều dưỡng sẽ tiến hành gây tê tại chỗ, đặt ống thông tiểu, sát trùng vết mổ….
- Bước 2: Bác sĩ phẫu thuật sẽ dùng dao phẫu thuật chuyên dụng để rạch da. Ở vùng cánh tay sẽ rạch theo đường đi của động mạch cánh tay. Ở chi dưới sẽ tiến hành rạch da theo đường đi của động mạch đùi.
- Bước 3: Phẫu tích dưới da được thực hiện để mở động mạch, luồn ống thông mạch Fogarty, lắc đầu chỉ catgut số 1 hoặc số 2. Sau đó, tiếp tục tiêm truyền thuốc chống đông Heparin trọng lương phân tử thấp, liều lượng khoảng 50 đơn vị/kg cân nặng.
- Bước 4: Bác sĩ sẽ tiến hành mở ngang vùng động mạch, sau đó sử dụng ống Fogarty lấy đi cục huyết khối trong lòng mạch cho đến khi dòng máu phụt tốt.
- Bước 5: Bác sĩ sẽ rửa 2 đầu mạch bằng dung dịch NaCl 0.9% có lẫn với Heparin. Sau đó tiếp tục kẹp 2 đầu động mạch rồi khâu đoạn mở mạch máu. Cuối cùng kiểm tra sự lưu thông của mạch máu rồi đặt dẫn lưu và thực hiện đóng lại vết mổ.
Đối với bệnh nhân phát hiện quá muộn (sau 6 giờ từ khi tắc động mạch chi diễn ra) cần thực hiện đánh giá phản xạ của cơ thể trước. Nếu không còn phản xạ ở chi có thể phải thực hiện phẫu thuật cắt cụt chi.
Chẩn đoán tắc động mạch chi cần được thực hiện bởi các xét nghiệm chuyên khoa, giúp bác sĩ có phác đồ điều trị phù hợp nhất
Phẫu thuật tắc động mạch chi có gây tai biến gì không?
Sau khi tiến hành mổ tắc động mạch chi, bác sĩ sẽ theo dõi mạch đập, thân nhiệt và huyết áp của bệnh nhân hàng ngày. Tùy thuộc vào các chỉ số mà bệnh nhân sẽ được kê đơn thuốc Heparin tiêm toàn thân hoặc kháng sinh đường tĩnh mạch, thuốc lợi tiểu, giảm đau, truyền dung dịch thay thế …. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần theo dõi kĩ để phát hiện hội chứng tái tưới máu sau phẫu thuật.
Một số tai biến có thể gặp sau khi mổ như:
- Tái tắc mạch do không sử dụng đủ Heparin hoặc do lòng mạch bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật, hoặc do huyết khối bong ra dẫn đến tắc mạch. Khi phát hiện biến chứng, bệnh nhân có thể phải tiến hành phẫu thuật lại.
- Người bệnh vẫn bị thiếu máu chi hoặc có biểu hiện hoại tử chi sau phẫu thuật.
- Nhiễm trùng vết mổ, rò dịch bạch huyết, suy tim, nhiễm độc… cần được xử lí càng sớm càng giảm nguy hiểm đến tính mạng.
Phẫu thuật tắc động mạch chi cần được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, tránh những tai biến nguy hiểm. Mong rằng bài viết đã giúp bạn có thêm nhiều hiểu biết để phòng tránh và điều trị hiệu quả bệnh lý này.