Tắc nghẽn động mạch phổi biến chứng nguy hiểm khó lường
Tử vong do tắc nghẽn động mạch phổi rất phổ biến. Biến chứng bệnh thường nhanh và điều trị không triệt để có thể để lại rất nhiều di chứng. Dưới đây là những điều cần lưu ý trong phác đồ điều trị tắc nghẽn động mạch phổi giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này.
Tắc nghẽn động mạch phổi là gì?
Tắc nghẽn động mạch phổi còn được gọi là thuyên tắc mạch phổi. Máu lưu thông từ động mạch phổi qua tim phải để nhận oxi và loại bỏ CO2, sau đó tiếp tục đi sang tim trái để bơm máu đến các bộ phận khác của cơ thể.
Tắc nghẽn động mạch phổi hình thành khi cục máu đông di chuyển trong mạch máu ở phổi, làm giảm nhanh lưu lượng máu. Động mạch phổi cũng có sự phân nhánh rõ rệt nên tùy vào vị trí tắc nghẽn mà gây nên những tổn thương nhất định. Trong đó, tắc nghẽn động mạch càng lớn thì càng dễ đột tử do khó thở cấp.
Cục máu đông trong lòng động mạch phổi gây nghẽn động mạch phổi
Tại sao bị tắc nghẽn động mạch phổi?
Tắc nghẽn động mạch phổi thường hình thành do cục máu đông di chuyển men theo mạch máu. Huyết khối trong mạch máu hình thành do rất nhiều nguyên nhân như:
- Do cơ thể ít vận động, phải nằm 1 chỗ sau phẫu thuật.
- Do hệ thống van tĩnh mạch suy yếu làm lưu lượng máu ứ đọng ở thành mạch cũng dễ gây nên cục máu đông.
- Do bệnh lý xơ vữa động mạch.
- Do tác dụng phụ của các loại thuốc như thuốc chống đông máu, thuốc điều trị các bệnh lý về tim mạch, mạch máu khác.
Cục máu đông có thể di chuyển từ các vùng tĩnh mạch khác lên tim, sau đó từ tim đi đến động mạch phổi và có thể mắc kẹt ở động mạch phổi. Mối liên quan giữa huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới đã được nghiên cứu. Cục huyết khối cũng có thể di chuyển từ các vùng tĩnh mạch khác như: tĩnh mạch thận, tĩnh mạch chậu, tim phải hoặc chi trên tới động mạch phổi.
Tắc nghẽn động mạch phổi còn do một số yếu tố khác (ít gặp) như: do dị vật, thuyên tắc khí, nhiễm trùng huyết, thuyên tắc ối (dẫn đến tắc nghẽn mạch phổi sau sinh).
Cục máu đông có thể hình thành từ vị trí khác men theo tuần hoàn máu lên đến phổi
Đối tượng nào có nguy cơ mắc tắc nghẽn động mạch phổi?
Những nhóm người dưới đây thuộc đối tượng có nguy cơ cao mắc tắc nghẽn động mạch phổi:
- Người có 1 số yếu tố di truyền làm gia tăng bất thường đông máu như: Khiếm khuyết gen prothrombin, thiếu antithrombin III, kháng protein C hoạt hóa, thiếu protein S, thiếu protein C, rối loạn plasminogen, rối loạn fibrinogen máu, tăng homocystein trong máu.
- Người cao tuổi lưu thông máu kém.
- Người vừa trải qua phẫu thuật (nhất là phẫu thuật vùng chân, xương chậu).
- Người mắc huyết khối tĩnh mạch sâu, suy giãn tĩnh mạch chi dưới, suy tim, nhồi máu cơ tim, nằm liệt giường….
- Phụ nữ mang thai hoặc sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày trong thời gian dài, hoặc dùng thuốc hormone….
- Người mắc bệnh ung thư, nghiện thuốc lá hoặc mắc các bệnh lý miễn dịch hệ thống như: Lupus ban đỏ, hội chứng kháng phospholipid….
Tử vong: Biến chứng nguy hiểm nhất của tắc nghẽn động mạch phổi
Huyết khối nằm trong động mạch phổi sẽ khiến dòng máu ứ đọng, làm nồng độ oxy trong máu giảm rõ rệt. Điều này ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan như: não, tim, thận và hoạt động của các chi.
Tắc nghẽn động mạch phổi khiến áp suất ở tim tăng cao do tim phải hoạt động mạnh để bơm máu. Nếu tim không co bóp đủ lượng máu lên phổi sẽ khiến cho huyết áp giảm đột ngột, có thể dẫn đến hệ quả đột tử.
Ước tính khoảng 30% bệnh nhân mắc tắc nghẽn động mạch phổi có thể tử vong nếu không được điều trị sớm.
Các triệu chứng nhận biết tắc nghẽn động mạch phổi sớm
Một số ít bệnh nhân tiến triển tắc nghẽn động mạch phổi rất nhanh. Trước đó, người bệnh không có dấu hiệu gì đặc biệt và chỉ vô tình biết được bệnh sau khi thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ.
Tắc nghẽn động mạch phổi nếu nhận thấy 1 trong các triệu chứng dưới đây cần phải lập tức đi thăm khám để được bác sĩ cấp cứu kịp thời:
- Dấu hiệu khó thở: Người bệnh có thể khó thở nặng hoặc nhẹ tùy vào vị trí và kích cỡ của cục máu đông, thậm chí có thể dẫn đến suy hô hấp.
- Biểu hiện đau tức ngực: Cảm giác đau nhói khi hít khí vào, càng hít sâu càng thấy đau.
- Ho ra máu.
- Sốt.
- Rối loạn nhịp tim.
Tắc nghẽn động mạch phổi có thể dẫn đến suy hô hấp, đau nhói giữa ngực, mệt mỏi, choáng ngất, thậm chí đột ngột ngừng tim.
Các biến chứng của tắc nghẽn động mạch phổi cần được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm. Nếu phát hiện quá muộn, người bệnh có thể đột tử bất ngờ.
Tắc nghẽn động mạch phổi làm ho, đau thắt ngực, khó thở, đột tử
Chẩn đoán và điều trị tắc nghẽn động mạch phổi
1. Phương pháp chẩn đoán tắc nghẽn động mạch phổi
Chẩn đoán tắc nghẽn động mạch phổi cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng và kết quả một số xét nghiệm như:
- Chụp X – Quang phổi.
- Làm xét nghiệm khí máu động mạch.
- Làm điện tâm đồ.
- Kĩ thuật siêu âm tim.
- Định lượng men tim, nồng độ D-dimer trong máu.
- Thực hiện siêu âm tĩnh mạch chi dưới (ước tính khoảng 50% người mắc tắc nghẽn động mạch phổi có cục huyết khối trong tĩnh mạch chân).
- Chụp CT động mạch phổi.
- Tiến hành xạ hình thông khí tưới máu.
- Chụp cản quang hệ mạch máu phổi.
Trường hợp mắc tắc nghẽn động mạch phổi cấp tính cần phải nhanh chóng nhập viện và điều trị, theo dõi khẩn cấp. Sau khi được chẩn đoán hết nguy hiểm mới tiến hành điều trị tan cục máu đông.
2. Điều trị tắc nghẽn động mạch phổi
Y học hiện đại đang áp dụng một số biện pháp điều trị sau:
- Dùng thuốc làm tan cục máu đông: Thuốc tiêu sợi huyết thường được sử dụng trong khoảng 48 giờ khi xuất hiện các triệu chứng.
- Thuốc chống đông máu: Giúp ngăn ngừa tăng kích cỡ cục máu đông.
- Phẫu thuật lấy huyết khối bằng ống thông hoặc dùng lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới để ngăn chặn cục huyết khối di chuyển.
3. Theo dõi điều trị tắc nghẽn động mạch phổi
Ngoài việc điều trị y khoa, người bệnh cũng nên chú ý thay đổi lối sống lành mạnh, không dùng thuốc lá, uống rượu bia, ăn uống khoa học.
Người bệnh cũng cần chú ý tập luyện thể thao theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tránh để thừa cân, béo phì.
Để ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm của tắc nghẽn động mạch phổi, mỗi người cũng nên thăm khám định kỳ và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.