Tắc tĩnh mạch chi dưới nguyên nhân do đâu?
Tắc tĩnh mạch chi dưới là một dạng bệnh lý về mạch máu gây các triệu chứng đau nhức, khó chịu, ảnh hưởng đến khả năng vận động. Nguyên nhân gây tắc tĩnh mạch chi dưới là gì? Làm thế nào để phòng tránh bệnh? Bài viết là lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa dành cho bạn.
Vì sao tắc tĩnh mạch chi dưới nguy hiểm?
Tắc tĩnh mạch chi dưới gồm có 2 loại là viêm tắc tĩnh mạch nông và viêm tắc tĩnh mạch sâu. Trong đó, viêm tắc tĩnh mạch nông hình thành ở tĩnh mạch nằm ngay dưới da. Viêm tắc tĩnh mạch sâu có thể khiến cục máu đông di chuyển làm thuyên tắc mạch phổi gây đột tử.
Các triệu chứng của tắc tĩnh mạch chi dưới thường khó phát hiện, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý về xương khớp. Trường hợp cục máu đông gây thuyên tắc phổi sẽ khiến việc điều trị rất khó khăn và gây nhiều biến chứng đến các cơ quan khác.
Ước tính riêng ở Mỹ có khoảng 50.000 bệnh nhân tử vong hàng năm do thuyên tắc phổi, trong đó viêm tắc tĩnh mạch chi dưới là nguyên nhân chính gây nên. Thống kê cũng cho thấy 60% bệnh nhân mắc tắc tĩnh mạch chi dưới có các dấu hiệu phù nề, viêm loét chi dưới… ảnh hưởng đến vận động, đi lại.
Do vậy, phát hiện và điều trị sớm tắc tĩnh mạch chi dưới là cách tốt để ngăn chặn biến chứng và cải thiện sức khỏe của người bệnh.
Bệnh nhân bị hoại tử chân do tắc mạch máu
Nguyên nhân gây tắc mạch chi dưới
Nguyên nhân gây tắc mạch chi dưới được xác định là do cục máu đông dẫn đến tắc nghẽn mạch máu. Bác sĩ chuyên khoa cũng liệt kê 3 yếu tố dẫn đến hình thành cục máu đông là do: thương tổn nội mạc tĩnh mạch, dẫn đến tăng đông máu và tuần hoàn máu ứ trệ.
Trong đó, các yếu tố dẫn đến tăng nguy cơ gây cục máu đông bao gồm:
- Tuổi càng cao càng thì nguy cơ hình thành huyết khối và bệnh tim mạch càng lớn.
- Người thừa cân, béo phì có nguy cơ cao do mỡ máu cao, dễ gây xơ vữa thành mạch. Các mảng xơ vữa này có thể tích tụ, dày lên, vỡ ra và tụ lại với bạch cầu, tạo thành cục huyết khối.
- Người mắc suy giãn tĩnh mạch chi dưới cũng có nguy cơ cao bị tắc tĩnh mạch.
- Bác sĩ chuyên khoa cũng xác định nguyên nhân ngoại khoa gây cục máu đông hình thành chi dưới là do phẫu thuật chỉnh hỉnh, tiểu khung, ổ bụng… gây nên.
- Một số nguyên nhân nội khoa như: người bệnh phải nằm bất động trong thời gian dài, máu huyết lưu thông chậm hoặc người mắc ung thư, nhiễm trùng, tai biến mạch máu não.
- Phụ nữ mang thai cũng là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh do thai nhi chèn ép đến tĩnh mạch kết hợp với thay đổi hormone nội tiết trong thai kì gây nên.
- Nhóm người có tiền sử tăng đông máu, hội chứng thận hư, biến chứng của bệnh xơ gan… cũng khiến quá trình đông máu bất thường dẫn đến hình thành cục máu đông.
Biến chứng thuyên tắc phổi do cục máu đông di chuyển
Điều trị tắc tĩnh mạch chi dưới có khó không?
Hầu hết các bệnh nhân đi khám tắc tĩnh mạch chi dưới khi đã có biến chứng nên việc điều trị thường khó khăn hơn. Chẩn đoán bệnh không chỉ chú ý đến các triệu chứng lâm sàng mà còn cần thực hiện kĩ thuật siêu âm để xác định kích thước và vị trí cục máu đông.
Mục tiêu điều trị viêm tĩnh mạch sâu là giảm kích cỡ cục máu đông và ngăn chặn huyết khối di chuyển đến phổi, giảm nguy cơ thuyên tắc mạch phổi.
Hiện nay, một số phương pháp điều trị tắc tĩnh mạch chi dưới được áp dụng phổ biến như:
- Phương pháp nội khoa:
Sử dụng thuốc chống đông tiêm dưới da, hoặc thuốc uống giúp ngăn ngừa cục máu đông tăng kích cỡ. Bác sĩ có thể thực hiện kĩ thuật tiêm và hướng dẫn bệnh nhân sử dụng lâu dài.
- Dùng vớ y khoa:
Dùng vớ y khoa cần cẩn trọng để giúp tăng áp lực đến chi dưới, ly giải cục máu đông và ngăn ngừa nguy cơ di chuyển huyết khối lên các cơ quan khác.
- Biện pháp phẫu thuật:
Áp dụng cho các đối tượng mắc bệnh nặng. Dựa vào kết quả hình ảnh siêu âm, bác sĩ có thể chẩn đoán thực hiện phẫu thuật can thiệp, giúp thông tắc tĩnh mạch. Ngoài ra, có thể cân nhắc đặt Stent tĩnh mạch để ngăn dòng chảy của cục huyết khối.
Tắc tĩnh mạch chi dưới là căn bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, người bệnh nên chủ động đi thăm khám để được bác sĩ hướng dẫn điều trị tốt nhất.