Thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới chẩn đoán và điều trị sao cho đúng?
Thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới ở giai đoạn đầu thường ít có triệu chứng rõ rệt nên đa số bệnh nhân phát hiện rất muộn. Đây là căn bệnh nguy hiểm bởi có thể gây ra thuyên tắc mạch phổi dẫn đến đột tử nếu không được cấp cứu đúng cách và kịp thời.
Thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới là bệnh gì?
Thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới là căn bệnh xảy ra ở tĩnh mạch chân. Thuyên tắc tĩnh mạch còn được gọi bằng các tên gọi phổ biến khác như huyết khối tĩnh mạch, viêm tắc tĩnh mạch. Căn bệnh hình thành khi cục máu đông xuất hiện làm cho lòng mạch bị tắc nghẽn.
Thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới hình thành do các nguyên nhân sau:
- Do tổn thương mạch máu khi có hoạt động tiêm chích.
- Do phải đứng hoặc ngồi lâu thường xuyên trong thời gian dài.
- Do người bệnh bị chấn thương, tai biến, phẫu thuật, ung thư… dẫn đến hạn chế vận động trong thời gian dài.
- Do bị thiếu hụt đông máu, người mắc bệnh thận.
- Do phụ nữ mang thai, cân nặng tăng nhanh gây chèn ép đến tĩnh mạch.
Thống kê ở Việt Nam cho thấy mỗi năm có đến hàng trăm nghìn người mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch và con số này đang ngày càng tăng cao.
Cục máu đông trong thành mạch
Triệu chứng nhận biết bệnh thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới
Giai đoạn cấp tính thường xảy ra sau khoảng 2 tuần đầu xuất hiện cục máu đông, người bệnh thường có các triệu chứng: chân sưng nhiều, đau dọc tĩnh mạch, nặng chân, mỏi chân, nổi tĩnh mạch nhìn thấy rõ dưới da.
Ở giai đoạn sau khi mắc bệnh khoảng 6 tháng, người bệnh nhận thấy biểu hiện phù chân thuyên giảm, nhưng các cơn đau có thể gia tăng về cường độ, gây khó vận động, đi lại.
Khi mắc bệnh nặng, thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới gây loét chân, đau nhiều, chi dưới vận động kém, thậm chí có thể hoại tử phải cắt chi dẫn đến tàn tật.
Phương pháp điều trị thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới theo chuyên gia
Để tăng hiệu quả điều trị và hạn chế biến chứng của thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới, người bệnh cần chú ý tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
1. Điều trị ở giai đoạn đầu (kéo dài khoảng 10 ngày)
- Dùng thuốc chống đông:
Áp dụng thuốc chống đông cho người mắc thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới giai đoạn cấp tính hoặc có cục huyết khối ở đoạn xa (từ cẳng chân đến bàn chân). Thuốc chống đông có các loại dùng theo đường tiêm truyền hoặc đường uống theo hướng dẫn cụ thể. Thuốc chống đông không thể dùng tùy tiện do có thể gây xuất huyết và nhiều tác dụng phụ khác rất nguy hiểm.
- Phương pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết:
Tiêu sợi huyết có thể áp dụng tiêm truyền hoặc thông qua ống Catheter, thường áp dụng cho bệnh nhân có huyết khối lớn hơn 14 ngày ở vùng chậu hoặc đùi, người đang phải đối mặt với nguy cơ hoại tử chi, tiên lượng sống kém.
- Phương pháp dùng lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới:
Áp dụng cho người mắc thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới đoạn gần, không hiệu quả với thuốc chống đông hoặc bị tái phát huyết khối tĩnh mạch.
- Biện pháp phẫu thuật:
Áp dụng cho bệnh nhân có huyết khối lớn ở vùng chậu và đùi, tiên lượng sống 1 năm hoặc người bệnh có dấu hiệu hoại tử chi do cục huyết khối chèn ép đến động mạch.
Điều trị đúng cách ngăn chặn thuyên tắc mạch phổi
2. Điều trị trong giai đoạn từ 10 ngày đến 3 tháng
Hầu hết các bệnh nhân mắc thuyên tắc tĩnh mạch sâu chi dưới đều được khuyến cáo sử dụng thuốc chống đông máu khoảng 3 tháng. Thời gian điều trị có thể kéo dài từ 6 – 12 tháng, thậm chí đến hết đời tùy vào tình hình bệnh nhân.
3. Điều trị giai đoạn sau 3 tháng
Bắt buộc điều trị thuốc chống đông kéo dài cho các trường hợp có yếu tố nguy cơ cao biến chứng huyết khối tĩnh mạch, nguy cơ chảy máu thấp, bị thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới tái phát, mắc bệnh bẩm sinh. Ngoài ra, những bệnh nhân đang điều trị ung thư có khả năng mắc bệnh cao cũng cần được điều trị bằng thuốc chống đông Heparin trọng lượng phân tử thấp trong khoảng 3- 6 tháng đầu, sau đó tiếp tục dùng kéo dài.
4. Biện pháp phối hợp điều trị
- Chế độ ăn uống:
Người mắc thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới cần chú ý tránh tăng cân, béo phì bởi trọng lượng cơ thể tăng, lưu lượng máu giảm càng làm các triệu chứng đau nhức, phù nề gia tăng. Menu thực đơn lành mạnh cần gia tăng các thực phẩm rau xanh, hoa quả, ngũ cốc, các loại hạt, thực phẩm giàu Omega – 3 để tăng cường lưu thông máu huyết. Ngoài ra cũng nên tránh uống rượu bia, hút thuốc lá và ăn nhiều dầu mỡ đều có hại cho mạch máu.
- Tập luyện đúng cách:
Với người vừa trải qua phẫu thuật cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, vận động càng sớm càng tốt cho sức khỏe. Những người mắc suy giãn tĩnh mạch cũng cần có chế độ tập luyện hàng ngày để thúc đẩy lưu thông máu.
Thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới là bệnh lý nguy hiểm cần được điều trị can thiệp càng sớm càng tránh được các biến chứng. Hi vọng bài viết đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin bổ ích để phòng tránh và phát hiện sớm thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới.