Thuyên tắc tĩnh mạch sâu 'sát thủ' gây tử vong ít người biết
Thuyên tắc tĩnh mạch sâu là căn bệnh làm tăng nguy cơ khó thở, đau tức ngực, thậm chí đột tử nếu không được cấp cứu kịp thời. Bệnh có thể xảy ra ở bất kì độ tuổi nào, nhưng thường gặp nhất ở người cao tuổi, người có tiền sử mắc bệnh về mạch máu.
Tìm hiểu chung về bệnh thuyên tắc tĩnh mạch sâu
Bệnh thuyên tắc tĩnh mạch sâu còn được gọi là thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, viêm tắc tĩnh mạch thường gặp ở đùi, cẳng chân… do cục máu đông gây tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn tĩnh mạch.
Thuyên tắc tĩnh mạch sâu có thể chia thành 3 nhóm bệnh nhân chính như:
- Nhóm người từng có thương tổn mạch máu do tiêm chích hoặc thường xuyên phải điều trị bằng tiêm truyền.
- Nhóm những người thường xuyên có yếu tố công việc phải đứng hoặc ngồi lâu, người bị chấn thương, ung thư, phẫu thuật … ít vận động trong thời gian dài.
- Nhóm bệnh nhân có tiền sử tăng đông máu, thiếu thụt đông máu, bệnh thận….
Bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch còn xảy ra ở những người thừa cân, béo phì, phụ nữ mang thai…. Ước tính riêng ở Việt Nam có đến 200 nghìn người bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch.
Cơ chế gây cục huyết khối trong thành mạch
Các giai đoạn bệnh thuyên tắc tĩnh mạch sâu
Bệnh lý thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch được chia làm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn cấp tính: Đây là giai đoạn cục máu đông hình thành khoảng 2 tuần đầu với các triệu chứng: sưng chân, đau dọc tĩnh mạch, nổi tĩnh mạch, nặng chân, mỏi chân….
- Giai đoạn 2: Thời gian bị bệnh thường trong khoảng 3 tuần đến 6 tháng, giia đoạn này sẽ đau nhiều hơn, nhưng chân bớt phù nề.
- Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn bệnh nặng và có thể gặp biến chứng. Khoảng 50% bệnh nhân chuyển sang giai đoạn hội chứng hậu huyết khối, dẫn đến các biểu hiện lở loét, đau nhức, đi lại khó khăn, có thể dẫn đến tàn tật.
Thuyên tắc tĩnh mạch sâu cần được phát hiện sớm để được điều trị kịp thời. Chẩn đoán và điều trị càng sớm càng giảm các nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Hướng dẫn điều trị và phòng ngừa thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch
Bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch có hể nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh rất phổ biến nhưng rất ít người có hiểu biết về căn bệnh này, dẫn đến các hệ lụy về sức khỏe.
Chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch cần thực hiện một số kĩ thuật chẩn đoán như sau:
- Siêu âm: Thông qua kết quả siêu âm Doppler có thể phát hiện các tĩnh mạch bất thường. Hình ảnh siêu âm có thể chẩn đoán chính xác 95% huyết khối tĩnh mạch ở khoeo và đùi.
- Xét nghiệm D-Dimer: Giúp chẩn đoán kích cỡ của cục máu đông chuẩn xác khoảng 95%. Trường hợp xét nghiệm dương tính cần phải chú ý chẩn đoán phân biệt các bệnh lý khác như bệnh gan, mang thai, ung thư…. Kết hợp phương pháp này với siêu âm Doppler sẽ giúp chẩn đoán chính xác thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch hơn.
- Chụp tĩnh mạch cản quang: Đây là biện pháp tốt giúp chẩn đoán bệnh, nhưng cần cân nhắc thực hiện với những người có tiền sử dị ứng chất cản quang.
- Một số xét nghiệm khác: Chụp tĩnh mạch MRI, chụp CT mạch phổi… có thể phối hợp chẩn đoán khi có các dấu hiệu nguy hiểm như đau tức ngực, khó thở.
Thuyên tắc động mạch phổi gây đột tử nếu không được cấp cứu kịp thời
Điều trị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch theo Y học hiện đại chủ yếu sử dụng một số loại thuốc như sau:
- Thuốc giảm đau: Thường dùng NSAIDs, Aspirin (kéo dài từ 3 – 5 ngày) để kiểm soát các cơn đau.
- Thuốc chống đông máu: Bác sĩ cần kê thuốc Heparin tiêm (trọng lượng phân tử thấp hoặc không phân đoạn) trong khoảng 5 – 7 ngày, sau đó tiếp tục dùng thuốc chống đông đường uống. Tùy vào tình hình bệnh nhân mà bác sĩ điều chỉnh liều lượng và thời gian dùng thuốc phù hợp.
- Lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới (IVCF): Biện pháp này giúp ngăn ngừa thuyên tắc động mạch phổi. Tấm lưới đặc trong lòng tĩnh mạch chủ thông qua Catheter của tĩnh mạch cảnh, hoặc tĩnh mạch đùi giúp ngăn chặn nguy cơ biến chứng tắc nghẽn cấp nhưng có thể gây thiếu máu cục bộ phần chi dưới hoặc gây viêm tắc tĩnh mạch cấp tính. Do vậy, bác sĩ chuyên khoa cần cân nhắc kĩ khi lựa chọn phương pháp này.
- Thuốc tiêu huyết khối: Một số loại thuốc tiêu huyết khối như: alteplase, urokinase và Streptokinase giúp loại bỏ cục máu đông, ngăn chặn chứng hậu huyết khối, giảm nguy cơ chảy máu cục bộ.
- Phương pháp phẫu thuật: Thường áp dụng với trường hợp mắc viêm tắc tĩnh mạch trắng và xanh không đáp ứng với loại thuốc tiêu sợi huyết, giúp ngăn chặn hoại tử và tổn thương chi.
Với những người có nguy cơ cao như thường xuyên phải làm công việc đứng hoặc ngồi lâu một chỗ nên sử dụng vớ ép tĩnh mạch để tăng cường lưu thông máu. Thường xuyên tập thể dục thể thao, kiểm soát cân nặng, uống nhiều nước, kê cao chân khi ngủ cũng là những biện pháp tốt để phòng ngừa bệnh lý về tĩnh mạch.
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Mong rằng bài viết đã giúp bạn cập nhật thêm nhiều kiến thức về bệnh lý này để sớm nhận biết các dấu hiệu bất thường và đi thăm khám để được bác sĩ tư vấn.