Triệu chứng của viêm tắc tĩnh mạch khác suy giãn tĩnh mạch như thế nào?
Viêm tắc tĩnh mạch rất dễ nhầm lẫn với bệnh suy giãn tĩnh mạch. Bài viết giúp bạn nhận biết các triệu chứng của viêm tắc tĩnh mạch và biện pháp phòng tránh các bệnh lý về mạch máu phổ biến nhất cho bạn tham khảo.
Phân biệt triệu chứng của viêm tắc tĩnh mạch và suy giãn tĩnh mạch
Tĩnh mạch là một bộ phận của hệ thống mạch máu, đảm nhiệm vai trò mang máu từ tứ chi và các cơ quan quay trở về tim. Một số bệnh lý về tĩnh mạch phổ biến nhất là suy giãn tĩnh mạch, viêm tắc tĩnh mạch (còn gọi là huyết khối tĩnh mạch).
Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch là do máu huyết lưu thông kém khiến tĩnh mạch giãn ra. Bệnh thường xảy ra phụ nữ mang thai, chị em thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai, người thường xuyên phải đứng hoặc ngồi lâu như bác sĩ, nhân viên văn phòng, lái xe, công nhân…. Triệu chứng nhận biết suy giãn tĩnh mạch là:
- Cảm giác bó chân, nặng chân, mỏi chân.
- Nổi tĩnh mạch rõ, ngoằn ngoèo dưới da.
- Bị chuột rút nhiều, nhất là về đêm
- Tê bì chân.
- Sưng, ngứa, phù ở vùng mắt cá chân.
- Khi bệnh nặng còn có thể nhận thấy da đổi màu, lở loét gần vùng mắt cá chân.
Suy giãn tĩnh mạch được đánh giá là căn bệnh diễn biến âm thầm, có thể gây biến chứng viêm tắc tĩnh mạch và làm tăng nguy cơ mắc thuyên tắc mạch phổi rất nguy hiểm.
Triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch
Viêm tắc tĩnh mạch là bệnh lý hình thành khi cục máu đông xuất hiện trong lòng tĩnh mạch. Bệnh lý này gồm có 2 loại là viêm tắc tĩnh mạch nông và viêm tắc tĩnh mạch sâu. Trong đó, viêm tắc tĩnh mạch sâu được đánh giá là nguy hiểm hơn, do cục máu đông có khả năng vỡ ra và đi dọc tĩnh mạch, dẫn đến tắc mạch phổi làm tăng nguy cơ đột tử.
Triệu chứng viêm tắc tĩnh mạch như sau:
- Sưng phù, tấy đỏ chân.
- Cảm giác tay và chân nóng đỏ.
- Đau nhức nhiều, phù nề.
- Lở loét, hoại tử chi.
Người mắc viêm tắc tĩnh mạch cần phải đặc biệt cẩn trọng trước các triệu chứng: ho ra máu, khó thở, nhịp tim nhanh, mệt mỏi, choáng váng…. Đây là những dấu hiệu của thuyên tắc phổi cần phải được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để bảo toàn tính mạng.
Nguyên nhân gây viêm tắc tĩnh mạch nông có thể do hoạt động tiêm truyền, đặt ống thông vào tĩnh mạch. Nguyên nhân gây viêm tắc tĩnh mạch sâu là do chấn thương, phẫu thuật, ít vận động trong thời gian dài hoặc do có tiền sử mắc rối loạn đông máu, ung thư….
Mặc dù suy giãn tĩnh mạch là viêm tắc tĩnh mạch là 2 bệnh lý về mạch máu rất phổ biến nhưng cách điều trị hoàn toàn khác nhau. Khi nhận thấy các bất thường ở chân như đau nhức, dị cảm, khó chịu… người bệnh nên tới cơ sở y tế để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị thích hợp, tránh để lâu gây nhiều biến chứng.
Viêm tắc tĩnh mạch gây đau nhức, sưng, phù nề chân
Cách phòng ngừa bệnh lý về mạch máu
1. Tập luyện đúng cách
Bệnh lý về mạch máu hình thành thường do máu ứ đọng, không lưu thông gây nên. Do vậy, vận động thường xuyên là cách tốt nhất để phòng tránh suy giãn tĩnh mạch và viêm tắc tĩnh mạch.
Tùy vào thể trạng mà bạn có thể đi bộ, đạp xe, bơi lội… để tuần hoàn máu đến các cơ quan. Nếu bạn vừa trải qua cuộc phẫu thuật cần chú ý vận động trị liệu theo gợi ý của bác sĩ chuyên khoa, không nên nằm lâu một chỗ.
Khi làm việc không nên đứng hoặc ngồi trong thời gian dài. Bạn nên có thời gian nghỉ giải lao, kê cao chân, vận động tay chân để điều hòa máu tốt hơn.
2. Ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống tốt cho mạch máu là hạn chế ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn chiên rán. Thay vào đó, bạn tăng cường nhóm thực phẩm giàu vitamin C, E, Omega – 3, thực phẩm giàu chất xơ… để tuần hoàn máu khỏe mạnh.
Với người có triệu chứng viêm tắc tĩnh mạch đang lở loét, hoại tử nên tránh ăn thịt bò, hải sản, thịt chó… để tránh hoại tử lan rộng.
Đặc biệt, không hút thuốc lá, uống rượu bia, dùng chất kích thích cũng là cách hiệu quả để bảo vệ thành mạch.
3. Bí quyết trong sinh hoạt
Khi làm việc bạn nên kê cao chân sẽ tốt cho mạch máu hơn các tư thế ngồi xổm hay ngồi bắt chéo chân. Ngoài ra, kê cao chân khi ngủ cũng là cách tốt để ngăn chặn suy giãn và viêm tắc tĩnh mạch chi dưới.
Bài viết đã tổng hợp các triệu chứng viêm tắc tĩnh mạch và suy giãn tĩnh mạch cho bạn tham khảo. Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường ở chân, người bệnh nên đi thăm khám sớm để chẩn đoán và điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm.