Triệu chứng huyết khối tĩnh mạch sâu: Nhận biết sớm, điều trị nhanh
Bạn đang băn khoăn không biết triệu chứng huyết khối tĩnh mạch sâu như thế nào? Dưới đây là tổng hợp những thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này.
Triệu chứng huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới
Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là căn bệnh tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Khi cục máu đông xuất hiện trong lòng tĩnh mạch sâu chi dưới, sẽ có thể trôi nổi trong thành mạch, gây thuyên tắc động mạch phổi làm khó thở, đau tức ngực, thậm chí đột tử bất ngờ. Do đó, nhận biết các triệu chứng huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới để kịp thời thăm khám là cách tốt nhất để ngăn chặn biến chứng của bệnh.
Dấu hiệu huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới như sau:
- Cảm thấy đau nhiều khi sờ hoặc gấp mu bàn chân vào phía cẳng chân.
- Nóng chân, nổi ban đỏ ở chân.
- Tăng trương lực chân.
- Nổi tĩnh mạch ngoằn ngoèo dưới chân.
- Chân phù nề, bắp chân, bắp đùi tăng chu vi.
Huyết khối tĩnh mạch sâu do cục máu đông hình thành trong van tĩnh mạch
Phương pháp chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu
1. Chẩn đoán phân biệt
Ngoài các triệu chứng huyết khối tĩnh mạch sâu giúp bác sĩ chẩn đoán lâm sàng như trên, bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu còn cần phải phân biệt với một số căn bệnh khác như:
- Viêm mô tế bào (đa số gặp ở người mắc suy giãn tĩnh mạch chi dưới, tiểu đường, tắc mạch bạch huyết).
- Huyết khối tĩnh mạch nông chi dưới (chủ yếu gặp ở người thường xuyên thực hiện tiêm, truyền, phải nằm bất động 1 chỗ, bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới).
- Vỡ kén Baker: Có chung triệu chứng đau, sưng bắp chân.
- Tụ máu trong cơ: Chủ yếu gặp ở người bị chấn thương, xơ gan, người có tiền sử rối loạn đông máu.
- Phù do tác dụng phụ của thuốc.
- Tắc mạch bạch huyết.
2. Chẩn đoán nguyên nhân
Chẩn đoán nguyên nhân giúp điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu hiệu quả hơn. Một số yếu tố nguy cơ làm tăng huyết khối tĩnh mạch sâu như:
- Khai thác yếu tố tiền sử y khoa để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến huyết khối tĩnh mạch.
- Người bệnh trải qua phẫu thuật, ung thư, chấn thương… đều khiến tăng nguy cơ cục máu đông trong thành mạch.
- Ước tính khoảng 1/3 bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là vô căn.
- Thực hiện xét nghiệm chẩn đoán bệnh lý rối loạn đông máu như: xét nghiệm Protein S, Protein C, Antithrombine III trước và sau khi điều trị bằng thuốc kháng vitamin K.
- Bệnh lý ung thư cũng là một trong những yếu tố dẫn đến huyết khối tĩnh mạch sâu. Nếu bạn chưa từng phát hiện mắc ung thư thì cần căn cứ vào các dấu hiệu lâm sàng như: giảm cân đột ngột, đại tiện ra máu, ho ra máu, đái ra máu, người mệt mỏi… và thực hiện một số xét nghiệm: siêu âm ổ bụng, chụp X – quang tim phổi, siêu âm phần phụ, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm công thức máu, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, làm xét nghiệm dấu ấn ung thư….
Biến chứng thuyên tắc động mạch phổi do huyết khối tĩnh mạch sâu
Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu như thế nào?
Sau khi nhận biết triệu chứng và chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu, bác sĩ có thể tư vấn bạn điều trị như sau:
- Điều trị trong giai đoạn cấp (0 – 10 ngày):
+ Dùng thuốc chống đông: Giai đoạn cấp chủ yếu sử dụng thuốc chống đông, chỉ định cho các bệnh nhân có huyết khối tĩnh mạch sâu giia đoạn cấp, có cục huyết khối ở đoạn xa (từ cẳng chân xuống đến bàn chân) hoặc người có yếu tố nguy cơ cao bị huyết khối tĩnh mạch sâu.
Dùng thuốc chống đông cần đúng liều lượng tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để tránh tác dụng phụ nguy hiểm đến tính mạng.
+ Phương pháp tiêu sợi huyết đường toàn thân: Áp dụng cho trường hợp mắc huyết khối cấp tính ở vùng đùi và chậu, có nguy cơ hoại tử do bị động mạch chi chèn ép, người có tiên lượng sống trên 1 năm.
+ Dùng lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới: Dùng cho người bệnh có huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới đã điều trị thuốc chống đông không hiệu quả, hoặc bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch tái diễn.
+ Phẫu thuật loại bỏ huyết khối: Cần cân nhắc chỉ định cho đối tượng phù hợp, người mắc huyết khối cấp tính vùng đùi và chậu, tiên lượng sống 1 năm, hoặc người có nguy cơ cao bị hoại tử chi.
+ Dùng băng chung, vớ y khoa: Áp dụng cho bệnh nhân mắc huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, nên đeo ít nhất 2 năm kết hợp với theo dõi vị trí cục máu đông.
+ Vận động sớm: Nên kết hợp vận động khi đeo vớ y khoa để tăng cường lưu thông máu.
- Điều trị duy trì kéo dài từ 10 ngày - 3 tháng:
Bác sĩ tư vấn khuyến cáo điều trị bằng thuốc chống đông trong khoảng 3 tháng. Riêng các trường hợp bị huyết khối tĩnh mạch vừa trải qua phẫu thuật hoặc có nguy cơ chảy máu cao cần cân nhắc điều trị thuốc chống đông thời gian ngắn. Với các bệnh nhân mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch có thể kéo dài điều trị bằng thuốc chống đông từ 6 – 12 tháng.
- Điều trị duy trì kéo dài sau 3 tháng:
Dùng thuốc chống đông cho các bệnh nhân mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch lần đầu hoặc tái phát không rõ nguyên nhân, bị bẩm sinh hoặc bệnh nhân ung thư có nguy cơ chảy máu cao.
Theo dõi và điều trị chứng hậu huyết khối tĩnh mạch
Hậu huyết khối tĩnh mạch là bệnh lý suy giãn tĩnh mạch mạn tính, thường hình thành các triệu chứng sau khi bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. Dấu hiệu nhận biết gồm có các triệu chứng đau, phù nề, loạn dưỡng, lở loét da.
Để chẩn đoán hậu huyết khối, bác sĩ tư vấn thực hiện siêu âm Doppler, nếu nhận thấy dòng trào ngược trong tĩnh mạch đùi và khoeo kéo dài > 1 giây và dòng trào ngược trong tĩnh mạch sâu cẳng chân kéo dài > 0,5 giây.
Điều trị sử dụng thuốc trợ tĩnh mạch, đặt stent tĩnh mạch đùi, chậu, phẫu thuật ghép hoặc tạo hình van tĩnh mạch sâu mới hoặc sử dụng tất y khoa kết hợp trị liệu.
Bài viết đã giúp bạn nhận biết triệu chứng huyết khối tĩnh mạch sâu và các phương pháp chẩn đoán, điều trị bệnh. Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, bạn nên đi thăm khám sớm để ngăn chặn biến chứng nguy hiểm gây đột tử.