Triệu chứng tắc mạch chi dưới tránh nhầm lẫn với suy giãn tĩnh mạch
Tắc mạch chi dưới là biểu hiện cục máu đông lấp lòng mạch khiến một phần hoặc toàn bộ chi dưới không nhận đủ máu huyết nuôi dưỡng chi dưới. Triệu chứng tắc mạch chi dưới khác suy giãn tĩnh mạch như thế nào? Nội dung bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.
Nguyên nhân gây tắc mạch chi dưới
Các triệu chứng tắc mạch chi dưới thường hình thành do trong mạch máu có cục huyết khối làm lòng mạch hẹp dần rồi tắc nghẽn hoàn toàn khiến chi dưới không nhận đủ oxi và dinh dưỡng. Vùng chi dưới không được nuôi dưỡng sẽ gây nên các triệu chứng đau cách hồi.
Tắc mạch chi dưới có thể hình thành do những yếu tố tác động như sau:
- Do cục máu đông: Cục huyết khối có thể hình thành và di chuyển từ các vị trí khác đến mạch máu ở chân, dẫn đến tắc mạch chi dưới. Một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông thường gặp là bệnh tim mạch, loạn nhịp tim, phình vách liên thất, bệnh lý van tim…. Ngoài ra, cục máu đông còn có thể do xơ vữa động mạch, phình động mạch, ung thư, đa hồng cầu….
- Do chấn thương: Chấn thương ở vùng mạch máu có thể dẫn đến các chấn thương trên mạch máu gây đụng dập mạch, từ đó hình thành nên các khối huyết gây tắc mạch máu hoặc chèn ép gây tắc mạch.
Triệu chứng tắc mạch chi dưới dễ nhận biết nhất ở giai đoạn sớm là những cơn đau cách hồi. Tuy nhiên, đau cách hồi ở chân cũng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như: suy giãn tĩnh mạch, viêm tắc động mạch hoặc bệnh lý về xương khớp. Vì vậy, bệnh nhân thường dễ bỏ qua và đi thăm khám khi có các triệu chứng tắc mạch chi dưới nặng nề hơn.
Cục máu đông có thể gây tắc ở một hoặc nhiều đoạn mạch máu
Phân biệt triệu chứng tắc mạch chi dưới và suy giãn tĩnh mạch
- Triệu chứng tắc mạch chi dưới như sau:
+ Dấu hiệu đau: Ban đầu người bệnh thường đau cách hồi, nghỉ ngơi là khỏi, nhưng càng về sau cơn đau càng nặng do nghẽn mạch máu lâu. Đau nhiều có thể dẫn đến khả năng vận động chi dưới kém đi.
+ Da xanh nhợt: Ở người khỏe mạnh thường có làn da hồng hào. Nhưng khi mạch máu bị tắc nghẽn sẽ làm cho vùng da chân đổi màu sang tái, xanh nhợt, thậm chí tím nếu ở giai đoạn nặng hơn.
+ Mất mạch: Khi kiểm tra mạch máu ở mu chân không thấy có mạch.
+ Tê bì, dị cảm chân: Thường gặp ở 50% bệnh nhân.
+ Liệt chi: Đây là triệu chứng tắc mạch chi dưới nặng nhất có thể tiên lượng phải cắt cụt chi.
Một số triệu chứng nhận biết tắc mạch chi dưới
- Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chân:
Suy giãn tĩnh mạch chân gồm có 2 loại là giãn tĩnh mạch nông và giãn tĩnh mạch sâu. Nguyên nhân dẫn đến suy giãn tĩnh mạch không phải do cục huyết khối mà do máu huyết lưu thông kém hoặc van tĩnh mạch bị suy yếu khiến cho máu ứ đọng lại ở tĩnh mạch chân. Bệnh đa phần gặp ở những người làm công việc văn phòng, hoặc người phải đứng, ngồi lâu 1 chỗ, người béo phì, phụ nữ mang thai.
Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch thường bao gồm:
+ Cảm giác đau chân, nặng chân, mỏi ở bắp chân.
+ Bị chuột rút nhiều ở chân.
+ Dị cảm, tê bì chân như có kiến bò.
+ Sưng phù, ngứa chân.
+ Tĩnh mạch nổi to, có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường các tĩnh mạch nổi lên ngoằn ngoèo dưới chân.
+ Làn da có biểu hiện đổi màu, có biểu hiện lở loét, nhiễm trùng mô mềm.
Các triệu chứng tắc tĩnh mạch chi dưới như: đau, dị cảm, biến đổi màu sắc da chân thường nặng nề hơn so với suy giãn tĩnh mạch. Tắc tĩnh mạch chi dưới hình thành do cục huyết khối nên biến chứng cũng nặng hơn và nguy hiểm hơn nhiều so với suy giãn tĩnh mạch. Riêng với suy giãn tĩnh mạch sâu nếu không được điều trị cũng làm tăng nguy cơ gây cục huyết khối dẫn đến tắc tĩnh mạch chi dưới.
Triệu chứng và hình ảnh đôi chân mắc suy giãn tĩnh mạch
Chẩn đoán tắc mạch chi dưới như thế nào?
Các triệu chứng tắc mạch chi dưới thường rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý về mạch máu khác. Vì vậy, nếu người bệnh đang có các dấu hiệu đau mỏi chân nên sớm đi thăm khám để được chẩn đoán kịp thời.
Hiện nay, kĩ thuật siêu âm mạch máu được xem là phương pháp chẩn đoán tốt nhất giúp phát hiện nhanh vị trí cục máu đông và chẩn đoán mức độ tắc nghẽn để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Phương pháp điều trị triệu chứng tắc mạch chi dưới
Điều trị tắc mạch chi dưới theo Tây y không chỉ kết hợp các loại thuốc kết hợp với một số biện pháp phẫu thuật, tùy vào từng thể trạng và bệnh lý của mỗi người. Hiện nay, phương pháp điều trị can thiệp đặt ống thông gắn bóng và Stent được đưa vào vị trí gây tổn thương và tắc nghẽn thành mạch. Ống thông mang lại công dụng giúp lòng mạch được mở rộng, ngăn chặn tái phát hẹp mạch máu. Khi lòng mạch hết thông tắc sẽ giúp lưu lượng máu được điều hòa, giảm nhanh các tổn thương hoại tử.
Điều trị tắc mạch chi dưới theo quan điểm Đông y chú trọng sử dụng các thảo dược tự nhiên giúp hoạt huyết, thông mạch, tăng cường sức bền thành mạch sẽ làm cho máu huyết điều hòa đến các cơ quan, ngăn ngừa hình thành cục máu đông, giảm nhanh các triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch và tắc mạch chi dưới.
Để hỗ trợ ngăn chặn tắc mạch chi dưới hiệu quả cần chú ý:
- Không hút thuốc lá.
- Theo dõi và điều trị các bệnh lý nền như: huyết áp cao, bệnh tiểu đường, béo phì….
- Tập thể dục theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Bổ sung rau xanh, rau củ quả, ngũ cốc, ăn ít chất béo bão hòa, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ.
- Thăm khám sớm khi có các triệu chứng bất thường ở chân.
Bài viết đã giúp bạn nhận biết sớm các triệu chứng tắc mạch chi dưới để phân biệt với các bệnh lý về mạch máu khác. Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh cũng cần chú ý chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp để sớm phục hồi.