Viêm tắc động mạch chi: Báo động hoại tử chi
Viêm tắc động mạch chi là bệnh lý có nguy cơ gây tàn rất cao. Bệnh có thể được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật hoặc sử dụng các thảo dược Đông y lành tính giúp cải thiện hệ tuần hoàn.
Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc viêm tắc động mạch chi?
Viêm tắc động mạch chi không phải là bệnh lý hiếm gặp nhưng nguy cơ biến chứng gây tàn phế rất cao. Dưới đây là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh:
- Người nghiện thuốc lá khiến cho mạch máu bị nghẽn và teo lại.
- Người cao tuổi, người ít vận động.
- Người có tiền sử mắc bệnh về mạch máu như: huyết khối tĩnh mạch, rối loạn đông máu, bệnh tiểu đường, huyết áp….
Các vùng động mạch bị viêm tắc chủ yếu ở động mạch chi dưới (chân) hoặc động mạch chi trên (cánh tay). Diễn biến bệnh thường âm thầm trong thời gian dài. Các phương pháp điều trị viêm tắc động mạch chi cần chú ý kết hợp lối sống của bệnh nhân, đặc biệt cần không hút thuốc lá. Ước tính có đến 75% bệnh nhân mắc viêm tắc tĩnh mạch chi hút thuốc lá phải tháo bỏ khớp hoặc đoạn chi, sống thực vật.
Hình ảnh viêm tắc động mạch chi trên
Viêm tắc động mạch chi: Chú ý từ triệu chứng đau mỏi
Viêm tắc động mạch chi ở giai đoạn đầu thường có các triệu chứng đau mỏi nhiều ở bắp đùi, bắp chân khiến nhiều người cho rằng đây là bệnh tuổi già, hoặc bệnh do cơ xương khớp. Việc chẩn đoán sai làm điều trị mất thời gian, tiền bạc mà không hiệu quả. Đến khi bệnh nặng làm lở loét, hoại tử chi mới xác định đúng viêm tắc động mạch sẽ khiến việc điều trị rất khó khăn.
Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết sớm viêm tắc động mạch chi:
- Người bệnh cảm thấy đau bắp chân, mông, đùi, nghỉ ngơi thấy hết. Cơn đau cách hồi thường diễn ra thường xuyên. Thời gian khoảng cách cơn đau càng ngắn càng cho thấy bệnh tiến triển nặng hơn.
- Biến đổi màu sắc da chi từ tái sang màu tím.
- Sờ vào chi thấy lạnh.
- Bệnh nặng gây lở loét, đau nhiều, hoại tử chi lan rộng làm vận động khó khăn.
Theo bác sĩ chuyên khoa mạch máu, viêm tắc động mạch chi cần được xác định ở giai đoạn sớm. Ngay từ khi nhận thấy các dấu hiệu đau mỏi chân, nếu người bệnh đi thăm khám và điều trị ở giai đoạn này sẽ có hiệu quả tốt, giảm chi phí và ngăn chặn biến chứng khác.
Viêm tắc động mạch gây hoại tử chi dưới
Làm thế nào để phân biệt viêm tắc động mạch chi với các bệnh lý khác?
Viêm tắc động mạch chi là căn bệnh diễn biến qua nhiều giai đoạn, cho đến khi bệnh nặng các dấu hiệu lâm sàng mới rõ rệt. Vì vậy, người bệnh nên đi khám sớm để được bác sĩ chẩn đoán bằng một số biện pháp như:
- Kiểm tra các triệu chứng lâm sàng.
- Khám kiểm tra mạch đập nếu có dấu hiệu yếu hoặc mất mạch thì có thể chẩn đoán hẹp tắc mạch.
- Thực hiện siêu âm mạch máu giúp nhận biết rõ hơn tắc hẹp mạch máu và chẩn đoán sớm mức độ thiếu máu chi dưới.
- Tiến hành chụp cắt lớp hệ thống động mạch chủ bụng chậu và chi dưới để chẩn đoán chính xác bệnh và xác định phương pháp điều trị phù hợp.
Nguyên tắc và phương pháp điều trị viêm tắc động mạch chi
Tùy thuộc vào mức độ bệnh lý viêm tắc động mạch chi mà bác sĩ chuyên khoa sẽ xác định mục tiêu điều trị thích hợp. Đa phần điều trị viêm tắc động mạch chi theo Tây y chú trọng bảo tồn động mạch chi và ngăn chặn biến chứng hoại tử, nhiễm trùng lan rộng. Dưới đây là một số biện pháp thường được áp dụng là:
- Can thiệp động mạch chậu chi dưới bằng ống thông:
Biện pháp này sử dụng dụng cụ can thiệp vào động mạch chi dưới, bao gồm: các loại dây dẫn, ống thông gắn Stent và bóng được dẫn đến vị trí tổn thương thông qua lỗ chọc kim ở vùng động mạch đùi. Trong đó, ống thông gắn bóng được dẫn vào vị trí tắc, hẹp của mạch giúp mở rộng lòng mạch còn Stent là một dạng giá đỡ kim loại đưa vào lòng mạch giúp kéo căng và giữ cho lòng mạch không bị tái hẹp.
Khi lòng mạch hết thông tắc sẽ giúp dòng máu được lưu thông, giảm các triệu chứng đau mỏi, thiếu máu chi, giúp các vết loét và hoại tử có cơ hội phục hồi.
Sau khi thực hiện phẫu thuật can thiệp động mạch chi dưới cần phải băng bó vị trí chọc động mạch để cầm máu, kết hợp nằm tại giường theo dõi từ 6 – 8 tiếng. Sau 12 tiếng phẫu thuật, bệnh nhân có thể tự ngồi dậy và đi lại nhẹ nhàng, nếu phát hiện thấy có bất thường cần lập tức thông báo với bác sĩ.
Tuy nhiên, phẫu thuật này cũng có thể gây nên các tai biến thường gặp như: phản ứng cản quang, phồng giả động mạch, chảy máu ở chỗ chọc kim, bóc tách thành động mạch, tái viêm tắc động mạch chi…. Tất cả những tai biến này cần phải được kịp thời can thiệp bởi bác sĩ chuyên khoa.
- Phẫu thuật cắt cụt chi (đoạn chi):
Áp dụng cho những trường hợp hoại tử năng không có khả năng khôi phục, bắt buộc phải cắt bỏ.
Viêm tắc động mạch chi có thể tái diễn ngay cả sau khi thực hiện phẫu thuật. Người bệnh cần kết hợp điều trị triệt để bệnh lý nền như: tiểu đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp…. Ngoài ra, thay đổi chế độ ăn uống, không hút thuốc lá, kiêng mỡ động vật và tăng cường thể dục thể thao cũng là cách tốt để ngăn chặn bệnh.