Viêm tắc mạch máu chi dưới có thể gây tử vong nhưng rất ít người biết
Viêm tắc mạch máu chi dưới do cục máu đông hình thành có thể gây thuyên tắc phổi dẫn đến tử vong. Rất nhiều người chưa có kiến thức về căn bệnh phổ biến này khiến việc điều trị khó khăn và không phát hiện các biến chứng kịp thời dẫn đến nguy hiểm tính mạng.
Viêm tắc mạch máu chi dưới gồm có những loại nào?
Mạch máu bao gồm: động mạch, tĩnh mạch và mao mạch. Trong đó, động mạch có vai trò dẫn truyền máu từ tim đến với các cơ quan khác và tĩnh mạch lưu chuyển máu từ các cơ quan quay trở về tim. Cục huyết khối có thể hình thành trong tĩnh mạch và động mạch, dẫn đến viêm tắc mạch máu. Chi dưới có cấu tạo mạch máu phức tạp hơn nên thường dễ mắc bệnh hơn.
Cụ thể viêm tắc mạch máu chi dưới bao gồm:
- Viêm tắc động mạch:
Đây là căn bệnh gây tắc nghẽn vùng động mạch ở cẳng chân, đùi, khoeo chân, bàn chân thường do nguyên nhân: viêm nội mạc động mạch, xơ vữa động mạch khiến phần chi dưới không nhận đủ máu huyết nuôi dưỡng. Những người thường xuyên hút thuốc lá, người cao huyết áp, mắc bệnh tiểu đường, béo phì, rối loạn chuyển hóa mỡ… có nguy cơ cao mắc bệnh.
Triệu chứng của viêm động mạch chi dưới là cảm thấy đau mỏi ở chân, bắp chân co cứng. Hiện tượng đau thường là cách hồi, sau dần chuyển sang tiến triển nặng, đau nhiều hơn, chân lạnh, da tái. Giai đoạn biến chứng sẽ khiến lở loét, hoại tử ở các ngón chân, bàn chân do không nhận đủ máu huyết nuôi dưỡng. Đây là bệnh lý rất dễ nhầm lẫn với bệnh xương khớp, đau dây thần kinh ngoại vi… khiến nhiều người phát hiện và điều trị bệnh muộn.
Hình ảnh đôi chân bệnh nhân bị tắc động mạch
- Viêm tắc tĩnh mạch chi dưới:
Viêm tắc tĩnh mạch chi dưới gồm có 2 loại là viêm tắc tĩnh mạch nông và viêm tắc tĩnh mạch sâu. Trong đó viêm tắc tĩnh mạch sâu được đánh giá là nguy hiểm hơn, do cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch sâu có thể di chuyển đến phổi, dẫn đến thuyên tắc động mạch phổi.
Triệu chứng nhận biết viêm tắc tĩnh mạch chi dưới cũng là cảm thấy đau nhức chân, mỏi chân, căng chân, phù nề. Giai đoạn sau, khi huyết khối tĩnh mạch ở trong lòng mạch máu lâu ngày không được điều trị sẽ gây loạn dưỡng da chân, phù nề, lở loét, thậm chí hoại tử.
Đôi chân bị viêm tắc tĩnh mạch lở loét, hoại tử
Viêm tắc mạch máu chi dưới: Tăng nguy cơ tử vong vì thuyên tắc phổi
Những người mắc viêm tắc mạch máu chi dưới do cục máu đông có thể phải đối mặt với biến chứng huyết khối tự do di chuyển trong lòng mạch máu. Khi cục máu đông di chuyển lên đến phổi được gọi là thuyên tắc phổi. Người bệnh sẽ có các triệu chứng nhịp tim nhanh, khó thở, đau tức ngực, ho ra máu, nhức đầu, choáng váng, tụt huyết áp. Nếu nhận thấy 1 trong các dấu hiệu trên, người bệnh cần được can thiệp y tế càng sớm càng tốt, tránh ngưng đường thở dẫn đến đột tử.
Đặc biệt, người mắc viêm tắc mạch máu chi dưới còn phải đối mặt với tình trạng đau, sưng, màu da chân tái, thậm chí có thể tàn tật do nhiễm trùng, hoại tử mô.
Ước tính khoảng 80% bệnh nhân mắc viêm tắc mạch máu chi phát hiện bệnh muộn và có khoảng 50% bệnh nhân đối mặt với các triệu chứng hậu huyết khối như đau nhức, viêm loét, vận động chi dưới khó khăn trong thời gian dài.
Chẩn đoán viêm tắc mạch máu chi dưới: Cần cẩn trọng
Triệu chứng đau ở người mắc viêm tắc mạch máu chi dưới rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý về xương khớp, biến chứng bàn chân ở bệnh nhân tiểu đường.
Ngoài các dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán viêm tắc mạch máu chi dưới còn cần kiểm tra các mạch đập ở khoeo chân, ống gót chân, mu chân, nếp bẹn. Trường hợp không cảm nhận được mạch đập hoặc mạch yếu hơn mức bình thường, có thể do viêm tắc mạch máu.
Hiện nay, siêu âm mạch máu được đánh giá là phương pháp chẩn đoán tốt nhất để phát hiện các vùng tĩnh mạch, động mạch bị tắc, hẹp như thế nào. Ngoài ra, một số phương pháp khác như chụp kỹ thuật số DSA hoặc chụp cắt lớp hệ động mạch chủ bụng chậu, chụp cắt lớp chi dưới cũng giúp xác định vị trí và mức độ tắc nghẽn.
Chẩn đoán viêm tắc mạch máu chi dưới cần được phân biệt với các bệnh lý khác có liên quan để việc điều trị tích cực hơn.
Biến chứng viêm tắc động mạch có thể gây tàn phế, cắt cụt chi
Gợi ý điều trị viêm tắc mạch máu chi dưới
Viêm tắc mạch máu chi dưới gồm nhiều loại: viêm tắc động mạch, viêm tắc tĩnh mạch nông, viêm tắc tĩnh mạch sâu. Do vậy, việc điều trị cần căn cứ vào bệnh lý để có phương pháp đặc trị phù hợp.
Theo Tây y, điều trị chủ yếu ngăn chặn biến chứng thuyên tắc phổi. Hiện nay có một số biện pháp thường dùng như sau:
- Điều trị viêm tắc động mạch chi dưới:
Phương pháp nong, đặt ống thông stent dưới động mạch ở vùng chậu, khoeo, đùi…. Dụng cụ được đặt vào động mạch chi dưới là các dây dẫn, ống thông, stent được đưa vào thông qua thương tổn ở động mạch đùi. Trong đó, ống thông có gắn bóng sẽ giúp mở rộng lòng mạch, stent giúp mở và giữ khu vực lòng mạch không bị tái hẹp. Điều này giúp máu lưu thông, giảm triệu chứng đau nhức, mỏi chân, giảm nguy cơ viêm loét, hoại tử. Tuy nhiên, mức chi phí điều trị khá cao và đòi hỏi phải có bác sĩ có tay nghề cao thực hiện tránh biến chứng.
- Điều trị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới:
Điều trị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới thường sử dụng thuốc chống đông. Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ cân nhắc thời gian và loại thuốc chống đông khác nhau. Biện pháp phẫu thuật loại bỏ cục máu đông cũng có thể được áp dụng, tuy nhiên tỉ lệ tái phát khá cao.
Ngoài ra, để tăng cường lưu thông máu, người mắc viêm tắc mạch máu chi dưới cần chú ý giảm các thực phẩm nhiều dầu mỡ, giữ cân nặng bình ổn và tập thể dục nhẹ nhàng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Viêm tắc mạch máu chi dưới là căn bệnh có thể gây tử vong. Mong rằng bài viết đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức để nhận biết và phòng tránh căn bệnh này.