Viêm tắc tĩnh mạch nông chi dưới chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Viêm tắc tĩnh mạch nông chi dưới còn được gọi là bệnh huyết khối tĩnh mạch nông. Chẩn đoán viêm tắc tĩnh mạch nông cần phân biệt với các bệnh lý về mạch máu khác để điều trị đạt hiệu quả tốt hơn.
Nguyên nhân gây viêm tắc tĩnh mạch nông chi dưới là gì?
Viêm tắc tĩnh mạch nông chi dưới hình thành do cục máu đông xuất hiện trong lòng tĩnh mạch nông ở chân. Viêm tắc tĩnh mạch nông cũng có thể gặp ở chi trên, hoặc tĩnh mạch ngực, vú.
Nguyên nhân cục huyết khối xuất hiện thường là do hoạt động tiêm truyền hoặc đặt catheter tĩnh mạch gây nên. Đặc biệt người có tiền sử mắc giãn tĩnh mạch nông cũng dễ bị huyết khối tĩnh mạch nông. Mặc dù, viêm tắc tĩnh mạch nông được đánh giá là ít khi gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm tắc tĩnh mạch sâu nhưng các triệu chứng đau nhức, căng cứng, sưng đỏ chân cũng cản trở sinh hoạt và lao động của người bệnh.
Ngoài ra, huyết khối tĩnh mạch nông cũng có khả năng di chuyển đến các vùng khác của thân mình và cũng là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm như ung thư tuyến nội tiết, ung thư tuyến tụy nên cần được thăm khám và điều trị dứt điểm.
Hình ảnh viêm tắc tĩnh mạch nông
Chẩn đoán viêm tắc tĩnh mạch nông chi dưới
Chẩn đoán viêm tắc tĩnh mạch nông cần chú ý đến các dấu hiệu lâm sàng:
- Chân sưng, đau, nóng, đỏ, phù nề
- Tĩnh mạch nổi, xơ cứng, đau dọc tĩnh mạch.
- Phản ứng viêm có thể kéo dài khoảng 1 – 2 tuần nhưng mầm bệnh có thể kéo dài hơn.
- Triệu chứng phù chân, đau nhiều ở bắp chân.
- Nếu có triệu chứng sốt, ớn lạnh có thể do nhiễm trùng huyết
Để chẩn đoán viêm tắc tĩnh mạch nông chính xác nhất nên thực hiện kĩ thuật siêu âm giúp phát hiện vị trí cục máu đông và mức độ tắc nghẽn.
Ngoài ra, bác sĩ cần xác định tiền sử bệnh như: có bị chấn thương không, có tiền sử tiêm truyền tĩnh mạch trong thời gian dài không. Đặc biệt, viêm tĩnh mạch nông chi dưới cũng có thể hình thành ở phụ nữ có thai, hoặc người bị giãn tĩnh mạch, người bị ung thư…. Do vậy, khi chẩn đoán bệnh cũng cần kết hợp để xác định nguyên nhân.
Chẩn đoán viêm tắc tĩnh mạch nông chi dưới cần phân biệt với các bệnh lý khác như: ban đỏ cứng, viêm mô tế bào, viêm mô xơ, ban đỏ dạng nút, viêm mô mỡ dưới da và viêm mạch bạch huyết.
Chụp X - quang tĩnh mạch ngoại biên
Phương pháp điều trị viêm tắc tĩnh mạch nông chi dưới
Dưới đây là một số biện pháp điều trị viêm tắc tĩnh mạch nông chi dưới thường được áp dụng:
- Với các bệnh nhân đang sử dụng phương pháp thông tĩnh mạch bằng ống thông chất dẻo, truyền trong tĩnh mạch nông dẫn đến viêm cần phải kiểm tra ống thông thường xuyên để ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng.
- Sử dụng chườm ấm và dùng thuốc chống viêm không Steroid giúp giảm đau.
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về việc dùng thuốc chống đông để ngăn chặn cục huyết phát triển. Các loại thuốc chống đông thường dùng như: Fondaparinux, Heparin trọng lượng phân tử thấp cần cân nhắc liều lượng phù hợp để tránh biến chứng chảy máu.
- Phương pháp phẫu thuật áp dụng cho các trường hợp tĩnh mạch đùi và hiển bị viêm tắc tĩnh mạch nông. Bác sĩ có thể chỉ định tách và thắt tĩnh mạch hiển ở điểm nối hoặc cắt bỏ phần tĩnh mạch bị bệnh, bảo tồn tĩnh mạch khỏe mạnh.
- Sử dụng các thảo dược tự nhiên: Y học cổ truyền gọi viêm tắc mạch máu nói chung là chứng thoát thư, do huyết mạch không thông dẫn đến ứ đọng máu lâu ngày làm cơ nhục bị thương tổn. Đông y có rất nhiều vị thuốc quý như: Đan sâm, Xích thược, Đương quy, Hoàng kỳ, Xuyên khung… giúp thông mạch hoạt huyết kết hợp với các dược liệu tăng sức bền thành mạch sẽ giúp máu huyết lưu thông, làm tĩnh mạch khỏe mạnh.
- Biện pháp phối hợp: Người bệnh nên thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế các thực phẩm nhiều dầu mỡ để mạch máu được lưu thông. Tập luyện đúng cách, kê cao chân khi ngủ cũng là cách phối hợp giúp máu huyết điều hòa đến các cơ quan.
Viêm tắc tĩnh mạch nông chi dưới mặc dù không nguy hiểm như viêm tắc tĩnh mạch sâu nhưng vẫn cần có biện pháp điều trị sớm, ngăn chặn các triệu chứng sưng, đau, ảnh hưởng đến đời sống.