Viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới khác viêm tắc tĩnh mạch nông chi dưới như thế nào?
Viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới (huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới) là thuật ngữ chỉ căn bệnh về mạch máu do cục máu đông xuất hiện làm tắc lòng mạch. Làm thế nào để phân biệt viêm tắc tĩnh mạch sâu và viêm tắc tĩnh mạch nông chi dưới? Cùng tìm hiểu qua bài viết tổng hợp dưới đây.
Viêm tắc tĩnh mạch sâu và viêm tắc tĩnh mạch nông chi dưới: Đều do cục máu đông
Viêm tắc tĩnh mạch nông hay sâu đều là một dạng bệnh lý về mạch máu, do cục máu đông đột ngột xuất hiện dẫn đến tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn tĩnh mạch.
Tĩnh mạch gồm có 3 loại: tĩnh mạch nông, tĩnh mạch sâu và tĩnh mạch xuyên. Cục máu đông ở tĩnh mạch nông thường xuất hiện do hoạt động tiêm, truyền tĩnh mạch lâu ngày, hoặc kĩ thuật tiêm không đảm bảo gây nhiễm trùng. Tổn thương tĩnh mạch nông do huyết khối được gọi chung là bệnh viêm tắc tĩnh mạch nông.
Viêm tắc tĩnh mạch sâu do cục máu đông xuất hiện trong tĩnh mạch sâu. Quá trình hình thành cục máu đông ở tĩnh mạch sâu thường phức tạp hơn, do sự kết hợp của thương tổn nội mạc và quá trình đông máu dẫn đến ứ huyết và hình thành huyết khối. Những người có nguy cơ cao bị viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới bao gồm:
- Người cao tuổi, người béo phì thừa cân.
- Người có tiền sử mắc bệnh phải nằm một chỗ, ít đi lại, đã từng bị suy giãn tĩnh mạch.
- Phụ nữ mang thai hoặc dùng thuốc tránh thai kéo dài, chị em kiêng khem sau đẻ mổ, nạo phá thai….
- Người bị ung thư, phẫu thuật khớp gối, khớp háng, tiểu khung, ổ bụng hoặc bị tai biến, nhiễm trùng… phải nằm bất động trong thời gian dài.
- Người mắc bệnh tăng đông máu bẩm sinh hoặc thiếu hụt các yếu tố protein S, protein C, antithrombin III….
Hình ảnh mô phỏng viêm tắc tĩnh mạch nông và viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới
Phân biệt triệu chứng viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới và viêm tắc tĩnh mạch nông chi dưới
Triệu chứng viêm tắc tĩnh mạch nông chi dưới bao gồm:
- Nổi tĩnh mạch nông ngoằn ngoèo dưới da.
- Dấu hiệu xơ cứng, đau dọc tĩnh mạch nông.
Người bệnh thường có tiền sử đã từng tiêm truyền tĩnh mạch trong thời gian dài.
Triệu chứng viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới bao gồm:
- Đau nhiều, phù nề, biến dạng phần chân bị bệnh.
- Chân bị bệnh có hiện tượng đỏ, đau nhiều, tăng trương lực so với bên chân khỏe.
- Bệnh nặng có thể lở loét, biến dạng, hoại tử chi.
Để chẩn đoán phân biệt viêm tắc tĩnh mạch nông và viêm tắc tĩnh mạch sâu, bác sĩ chuyên khoa có thể áp dụng một số biện pháp như: siêu âm Doppler tĩnh mạch để phát hiện vị trí và kích cỡ của cục máu đông.
Ngoài ra, khi thăm khám bác sĩ cũng cần chẩn đoán tìm ra các nguyên nhân liên quan như: rối loạn đông máu, do bệnh lý (bệnh mạn tính hoặc ung thư). Nếu phát hiện viêm tắc tĩnh mạch sâu cần chẩn đoán sớm và xác định phương án dự phòng biến chứng thuyên tắc phổi.
Viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới: Nguy hiểm hơn viêm tắc tĩnh mạch nông
Viêm tắc tĩnh mạch nông có thể điều trị trong thời gian ngắn, hầu như không gây nguy hiểm đến các cơ quan khác. Viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới có thể làm cục máu đông vỡ ra, di chuyển trong lòng mạch lên đến phổi, dẫn đến đột tử, khó thở vì thuyên tắc động mạch phổi. Ngoài ra, hầu hết các bệnh nhân mắc viêm tắc tĩnh mạch sâu còn phải đối mặt với các biến chứng phù, lở loét, chảy máu, mủ ở chi dưới. Tình trạng này khiến người bệnh gặp khó khăn khi vận động, thậm chí vết loét có thể gây hoại tử, nhiễm trùng.
Viêm tắc tĩnh mạch sâu có thể gây hoại tử chi
Điều trị viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới: Không đơn giản
Nguyên tắc điều trị viêm tắc tĩnh mạch sâu là ngăn chặn tăng kích cỡ cục máu đông và giảm biến chứng thuyên tắc mạch phổi. Một số cách thường dùng như:
- Sử dụng thuốc chống đông:
Hiện nay có 2 loại thuốc chống đông thường dùng là thuốc uống và thuốc tiêm truyền dưới da. Trong đó, Heparin trọng lượng phân tử thấp được dùng phổ biến nhất, áp dụng trong khoảng 5 – 7 ngày đầu. Sau đó, cân nhắc sử dụng thuốc kháng vitamin K (thuốc chống đông đường uống) lâu dài.
Trong thời gian sử dụng thuốc chống đông cần chú ý theo dõi chỉ số INR trong máu để ngăn chặn tác dụng phụ xuất huyết nguy hiểm. Thuốc chống đông có thể bắt buộc phải sử dụng cả đời, tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân.
- Dùng tất áp lực:
Các loại vớ y khoa có áp lực từ 20 – 30 mmHg sẽ tạo áp lực đến tĩnh mạch, làm ly giải cục máu đông, ngăn chặn cục máu di chuyển trong lòng mạch cũng được khuyến khích sử dụng.
- Kết hợp dinh dưỡng, vận động:
Đối với bệnh nhân viêm tắc tĩnh mạch chi dưới khi điều trị cần phải nằm tại giường và có thể đi lại sau 1-2 ngày với sự hỗ trợ của vớ y khoa. Người bệnh nên tránh ăn các thực phẩm gây táo bón, tăng cường ăn các loại rau xanh, hoa quả. Tùy thuộc vào mức độ bệnh lý, có viêm loét hay không mà bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn chế độ vận động thích hợp.
Mong rằng bài viết đã giúp bạn phân biệt viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới và viêm tắc tĩnh mạch nông. Để ngăn chặn bệnh lý mạch máu phổ biến này, bạn không nên hút thuốc lá, ăn uống lành mạnh và vận động thể chất thường xuyên để máu huyết lưu thông đến các cơ quan.