Bài thuốc Đông y trị suy giãn tĩnh mạch chân: Dùng đúng cách, hiệu quả cao
Tỉ lệ bệnh nhân mắc suy giãn tĩnh mạch đang ngày càng tăng cao, đặc biệt có xu hướng trẻ hóa. Sử dụng các thảo dược tự nhiên là phương pháp được rất nhiều người lựa chọn và có hiệu quả. Bài viết tổng hợp các bài thuốc điều trị suy giãn tĩnh mạch chân tốt nhất hiện nay.
Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch theo quan điểm Đông y
Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý gặp nhiều nhất ở phụ nữ, đặc biệt là những người phải làm việc liên tục ngồi 1 chỗ hoặc đứng quá lâu. Bệnh nhân thường có biểu hiện nặng chân, chuột rút, nổi gân xanh tĩnh mạch, nhức chân… ảnh hưởng đến thẩm mỹ và cuộc sống.
Quan điểm của Đông y cho rằng cơ thể của con người là chỉnh thể thống nhất, trung tâm là ngũ tạng Can, Tâm, Phế, Thận, Tỳ được điều phối bởi hệ thống kinh lạc (máu huyết).
Khí huyết được lưu thông đến các cơ quan, nuôi dưỡng ngũ tạng. Khi chức năng kinh lạc được vận động khỏe mạnh, máu huyết điều hành thông suốt đến các cơ quan sẽ giúp chống lại ngoại tà xâm nhập, ngăn chặn nhiều bệnh tật. Ngược lại, kinh lạc không thông, khí huyết không được vận hành sẽ dẫn đến ngoại tà xâm nhập.
Y học cổ truyền quan niệm: “Thông bất thống, thống bất thông” được hiểu là nếu kinh lạc thông thì không gây đau, ngược lại nếu đau thì kinh lạc không thông. Muốn chữa gốc của bệnh cần tăng cường chính khí cơ thể để máu huyết được điều hòa.
Đông y gọi suy giãn tĩnh mạch là chứng phong, xuất phát từ suy giảm chính khí cơ thể, dẫn đến vệ khí suy giảm, Âm – Dương mất cân bằng, phong tà xâm nhập, gây nên các triệu chứng: tê bì chân tay, chuột rút, phù chân, nổi tĩnh mạch….
Nguyên nhân gây bệnh do: âm hư – huyết ứ, khí huyết ứ, do dương hư dẫn đến tổn thương chính khí, máu huyết không thông.
Đôi chân bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch chân
Các loại thuốc Đông y trị suy giãn tĩnh mạch chân dùng nhiều nhất
Y học cổ truyền lưu giữ rất nhiều bài thuốc Đông y trị suy giãn tĩnh mạch chân. Thảo dược điều trị suy giãn tĩnh mạch chân là nhóm dược liệu có công dụng bổ khí huyết, hoạt huyết, thúc đẩy lưu thông máu huyết. Ngoài ra, kết hợp với các loại thuốc đem lại công dụng tăng cường sức bền thành mạch, tăng độ đàn hồi cho tĩnh mạch sẽ đem lại hiệu quả trị bệnh tận gốc.
Nhóm thảo dược giúp hoạt huyết bao gồm: Đan sâm, Xuyên khung, Xích thược, Hoàng cầm…. Nhóm dược liệu giúp tăng sức bền thành mạch, hoạt huyết, giảm đau như: Hoa hòe, Thục địa, Ngưu tất… Kết hợp với các dược liệu tăng sức đề kháng cho cơ thể như: Kim ngân hoa, Liên kiều… giúp thông kinh lạc, phục hồi chức năng Can, Thận, làm cơ thể khỏe mạnh.
Gợi ý bài thuốc Đông y trị suy giãn tĩnh mạch chân
Bài thuốc Đào hồng tứ vật thang được dùng điều trị cho những bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch, viêm tắc tĩnh mạch, đem lại hiệu quả cao. Bài thuốc mang lại công dụng trục huyết ứ, hoạt huyết, giảm đau, lương huyết thanh nhiệt, dưỡng huyết, hành khí.
Thành phần của bài thuốc bao gồm:
Đương quy 20g Xích thược 20g
Hồng hoa 15g Đào nhân 16g
Xuyên khung 15g Sinh địa 15g
Hoàng kỳ 12g Thục địa 10g
Hòe hoa 20g Đan sâm 20g.
Một số vị thuốc trong bài Đào hồng Tứ vật thang
Trong đó:
- Đan sâm, Xích thược, Đào nhân, Hồng hoa: Giúp tán ứ, hoạt huyết, chống viêm.
- Xuyên khung: Giúp thông kinh, hoạt huyết, trị phong thấp, cao huyết áp.
- Thục địa: Giúp sinh tân, thanh nhiệt.
- Hoa hòe: Đây là phần nụ của hoa hòe có chứa hoạt chất Rutin cao, giúp tăng sức bền thành mạch, tăng độ đàn hồi cho tĩnh mạch, trị cao huyết áp, ngăn chặn xuất huyết.
- Sinh địa: Giúp lương huyết, bổ huyết.
- Hoàng kỳ: Giúp tăng cường lưu thông máu, hành khí, hoạt huyết cho máu trở về tim.
Cách dùng: Uống trong khoảng 20 – 30 ngày, mỗi ngày uống 1 thang, chia làm 2 lần, uống sau khi ăn. Lưu ý khi dùng thuốc không ăn đồ cay nóng.
Biện pháp hỗ trợ điều trị suy giãn tĩnh mạch chân
Ngoài việc sử dụng bài thuốc Đông y trị suy giãn tĩnh mạch chân hàng ngày, bạn nên kết hợp thay đổi một số thói quen tốt giúp tăng cường lưu thông máu như:
- Nên đi bộ hoặc tập thể dục thể thao vừa sức. Các hoạt động co duỗi cẳng chân giúp đẩy máu từ chân lên tĩnh mạch cao hơn, rồi quay trở về tim. Tập thể dục thể thao nên chú ý tập vừa sức. Người mắc suy giãn tĩnh mạch nông nên tập luyện khoảng 10 – 30 phút/ ngày giúp giảm ứ đọng máu. Trường hợp mắc suy giãn tĩnh mạch sâu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
- Suy giãn tĩnh mạch sâu là căn bệnh liên quan đến thói quen sinh hoạt và làm việc. Nếu bạn là người làm công việc thường xuyên phải đứng hoặc ngồi lâu một chỗ nên có thời gian giải lao, đi lại trong khoảng 5 - 10 phút để máu huyết được lưu thông. Khi ngồi làm việc có thể kết hợp bài tập co duỗi chân, nhón gót chân, gập cổ chân… để lưu chuyển tốt hơn. Nên ngồi thẳng lưng, không ngồi bắt chéo chân.
- Chế độ ăn uống nên hạn chế các món ăn nhiều dầu mỡ, đồ chiên xào, các loại thức ăn nhanh. Tăng cường rau, củ, quả chứa nhiều vitamin và chất xơ rất tốt cho tĩnh mạch.
- Khi ngủ nên kê cao chân để máu di chuyển về tim.
Trên đây là thông tin tổng hợp về bài thuốc Đông y trị suy giãn tĩnh mạch chân và các biện pháp kết hợp giúp giảm nhanh các triệu chứng chuột rút, tê bì, mỏi chân, nặng chân, nổi tĩnh mạch. Bạn nên kết hợp dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn, uống và tập luyện để đôi chân luôn khỏe, đẹp.