Giãn tĩnh mạch nông và sâu có gì khác biệt? Các dấu hiệu nhận biết bệnh
Suy giãn tĩnh mạch bao gồm giãn tĩnh mạch nông và sâu. Đây là bệnh lý phổ biến nhưng chưa nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý của người bệnh. Để phân biệt rõ hơn về suy giãn tĩnh mạch nông và giãn tĩnh mạch sâu, hãy tham khảo ngay nội dung bài viết dưới đây.
Tìm hiểu về cấu tạo của tĩnh mạch nông và sâu
Hệ thống động mạch trong cơ thể có vai trò đưa máu từ tim đến các cơ quan khác. Tĩnh mạch đảm nhiệm dẫn truyền máu từ các cơ quan trở về tim. Tĩnh mạch nông nằm ngay phía dưới da, có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Tĩnh mạch sâu nằm trong lớp cơ, có cấu tạo van tĩnh mạch hoạt động 1 chiều. Khi máu được bơm từ cẳng chân về tim, đi qua van tĩnh mạch, hệ thống van sẽ khóa lại giúp máu không bị ứ lại ở cẳng chân.
Suy giãn tĩnh mạch là căn bệnh phổ biến thường xảy ra ở đội tuổi trên 30. Bệnh lý suy giãn tĩnh mạch rất phổ biến, nhưng các triệu chứng thường không rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn với bệnh lý như: đau khớp, viêm khớp, đau dây thần kinh cơ. Người bệnh hầu như chỉ đi khám khi thấy các triệu chứng quá nặng, thậm chí có tiến triển thành viêm loét chân.
Suy giãn tĩnh mạch chủ yếu xảy ra ở chi dưới
Ước tính trên thế giới, tỉ lệ nam giới mắc suy giãn tĩnh mạch nông chiếm khoảng 1% nhưng nữ giới chiếm đến 4,5%. Tỷ lệ mắc suy giãn tĩnh mạch gia tăng theo tuổi tác, tuổi lao động chiếm khoảng 35% nhưng tuổi nghỉ hưu có thể chiếm đến 50%.
Nghiên cứu ở Việt Nam, tỉ lệ nữ giới mắc bệnh cao gấp 3 lần nam giới. Trong đó, phụ nữ làm việc văn phòng thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, do phải ngồi lâu 1 chỗ, kết hợp với thói quen đi giày cao gót. Đặc biệt, nguy cơ mắc suy giãn tĩnh mạch còn tăng cao khi chị em mang thai, tỷ lệ mắc lên đến 20 - 30%.
Phân biệt giãn tĩnh mạch nông và sâu
Giãn tĩnh mạch nông và sâu về cơ bản có nhiều triệu chứng chung như:
- Cảm thấy đau, tức 2 chân.
- Chuột rút.
- Nặng chân, mỏi chân.
- Tê chân như có kiến cắn, châm chích ở cẳng chân.
- Phù chân, phù nhiều vào buổi chiều và tối.
Tuy nhiên, suy giãn tĩnh mạch nông thường dễ nhận thấy dấu hiệu tĩnh mạch nổi to, ngoằn ngoèo dưới da ở ngay giai đoạn đầu. Suy giãn tĩnh mạch sâu làm các tĩnh mạch trong cơ bị ứ máu, khiến người bệnh khó nhận biết bệnh ở giai đoạn đầu. Các triệu chứng đau, sưng, nặng chân, chuột rút, tê bì,… ở người mắc giãn tĩnh mạch sâu thường âm ỉ và nghiêm trọng hơn.
Các cấp độ tiến triển của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân
Biến chứng của suy giãn tĩnh mạch nông thường nhẹ hơn giãn tĩnh mạch sâu. Người mắc giãn tĩnh mạch nông có thể phải đối mặt với viêm, loét tĩnh mạch nông. Giãn tĩnh mạch sâu nguy hiểm hơn, không chỉ gây nên các vết loét khó điều trị mà còn thúc đẩy nguy cơ hình thành cục máu đông, làm tắc mạch tại chỗ hoặc gây thuyên tắc các vùng tĩnh mạch khác. Cục máu đông cũng có thể vỡ ra, di chuyển theo lòng mạch dẫn đến thuyên tắc mạch phổi, tăng nguy cơ đột tử do khó thở, đau tức ngực.
Muốn phân biệt chính xác giãn tĩnh mạch nông hay sâu cần đến bệnh viện để thực hiện siêu âm Doppler mạch máu. Kết quả siêu âm sẽ cho thấy vị trí tĩnh mạch bị trào ngược, mức độ giãn tĩnh mạch và có biện pháp điều trị phù hợp.
Phòng tránh giãn tĩnh mạch nông và sâu: Cần thay đổi từ thói quen sinh hoạt hàng ngày
Giãn tĩnh mạch nông và sâu đều có thể hình thành từ thói quen hoặc công việc bắt buộc phải đứng hoặc ngồi lâu, ít vận động. Người thường xuyên hút thuốc lá, đi giày dép chật, mang giày cao gót, ăn ít chất xơ, tăng cân quá nhanh cũng khiến áp lực ở chân tăng cao, dẫn đến giãn tĩnh mạch chân. Vì vậy để ngăn ngừa suy giãn tĩnh mạch, mỗi người nên tránh các thói quen gây hại cho thành mạch, tích cực vận động để máu huyết lưu thông đều đặn đến các cơ quan.
Ngoài ra, những người có nguy cơ cao (người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người làm công việc phải đứng lâu, ngồi nhiều, béo phì,…) nên kê cao chân khi ngủ, ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước để ngăn chặn táo bón. Một số trường hợp có thể sử dụng tất y khoa để giảm bớt áp lực cho thành mạch.
Tĩnh mạch trong cơ thể luôn luân chuyển theo chiều từ dưới lên trên, từ nông vào sâu. Khi tĩnh mạch bị suy yếu ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và cuộc sống và gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe. Nếu bạn đang nghi ngờ mắc suy giãn tĩnh mạch sâu, hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám.