Bệnh suy tĩnh mạch và tất tần tật những điều không thể bỏ qua
Bệnh suy tĩnh mạch không còn xa lạ với chúng ta. Nhất là khi ngày càng nhiều công việc có đặc thù phải đứng lâu, ngồi nhiều khiến điều hòa máu huyết kém, nguy cơ suy giãn tĩnh mạch tăng cao. Để hiểu rõ về bệnh suy tĩnh mạch, nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị, bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây.
Bệnh suy tĩnh mạch thường gặp ở vị trí nào?
Bệnh suy tĩnh mạch còn có nhiều tên gọi khác như: Suy giãn tĩnh mạch chi dưới, giãn tĩnh mạch chân, giãn tĩnh mạch chi dưới,…. Đa phần bệnh xảy ra ở chi dưới nhiều hơn, do cấu tạo mạch máu ở chi dưới dài, phức tạp và nằm cách xa tim. Vì vậy, lưu thông máu thường kém hơn so với các cơ quan khác.
Bệnh suy tĩnh mạch được xác định xảy ra ở tĩnh mạch nông, tĩnh mạch xuyên, tĩnh mạch sâu. Trong đó, tỉ lệ bệnh nhân mắc suy giãn tĩnh mạch nông và sâu chiếm nhiều nhất.
Suy giãn tĩnh mạch chân gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng
Những ai có nguy cơ mắc bệnh suy tĩnh mạch? Thực tế, bất kì ai cũng có thể mắc bệnh. Trong đó, nhóm người cao tuổi, phụ nữ, người thừa cân, người thường xuyên phải đứng, ngồi 1 vị trí có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Bệnh suy tĩnh mạch: Có thể đến từ thói quen sinh hoạt hàng ngày
Tỉ lệ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch đang có xu hướng tăng nhanh chóng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động. Nguyên nhân có thể do bẩm sinh van tĩnh mạch bị khiếm khuyết, hoặc do các yếu tố khác tác động như:
- Do tuổi tác:
Càng cao tuổi thì nguy cơ mắc suy tĩnh mạch càng cao. Bởi vì tuổi cao khiến cho tĩnh mạch bị lão hóa, chức năng vận chuyển máu bị suy giảm. Ước tính tỉ lệ người trên 60 tuổi mắc bệnh chiếm khoảng 70%. Tuy nhiên, người trưởng thành trong độ tuổi lao động đang có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn trước do nhiều yếu tố thói quen sinh hoạt, công việc tác động.
- Do cân nặng:
Người béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao. Béo phì, thừa cân gây sức ép lớn đến thành mạch, làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch.
- Do thói quen có hại cho tĩnh mạch:
Người có đặc thù công việc bắt buộc phải ngồi, hoặc đứng trong nhiều ngày có nguy cơ mắc bệnh cao. Chị em có thói quen đi giày cao gót, mặc đồ bó sát cơ thể, hoặc đi giày dép chật trong thời gian dài, ngồi xổm, ngồi bắt chéo chân… đều không tốt cho tĩnh mạch.
Đặc biệt, tỉ lệ nữ giới mắc bệnh suy tĩnh mạch chiếm đến 70%. Hormone của nữ giới liên tục thay đổi trong chu kì kinh nguyệt, có thai, sinh con, mãn kinh,… đều tác động đến hoạt động của tĩnh mạch.
Nổi gân xanh: Dấu hiệu điển hình của bệnh suy tĩnh mạch
- Biểu hiện bệnh suy tĩnh mạch giai đoạn đầu:
Bệnh nhân thường ít phát hiện suy tĩnh mạch ở giai đoạn đầu. Các triệu chứng nóng rát chân, tê chân, nặng chân, mỏi bắp chân thường xuất hiện vào chiều tối khiến người bệnh khó chịu. Người bệnh cũng có thể bị sưng chân, đau chân, nhưng các triệu chứng này thường thoáng qua, nghỉ ngơi là hết. Khi vận động mạnh, hoặc đứng ngồi quá lâu, các triệu chứng này thường gia tăng rõ rệt.
- Biểu hiện bệnh suy tĩnh mạch tiến triển nặng:
Bệnh suy tĩnh mạch nếu không được phát hiện và ngăn chặn sớm sẽ khiến các triệu chứng nặng nề hơn. Tĩnh mạch có dấu hiệu phình to, giãn rộng, có thể nhìn và sờ thấy bằng mắt thường. Nếu chạm tay vào tĩnh mạch còn cảm thấy cứng và đau nhiều.
Người bệnh còn cảm thấy sưng chân, tấy chân, phù nề. Nếu không được điều trị đúng, chân còn dễ bị lở loét, nhiễm trùng.
Hệ lụy của suy giãn tĩnh mạch chân đến sức khỏe
Điều trị bệnh suy tĩnh mạch: Càng sớm càng tốt
Bệnh suy tĩnh mạch có nguy hiểm không? Thực tế, suy giãn tĩnh mạch tiến triển rất âm thầm, gây đau đớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc hàng ngày.
Suy giãn tĩnh mạch nặng có thể khiến tĩnh mạch bị vỡ ra nếu không may chạm vào vùng da bệnh. Các vết loét do bệnh suy tĩnh mạch cũng rất khó để điều trị dứt điểm do máu không được vận chuyển đến vùng chi bị thương tổn. Đồng thời, tĩnh mạch suy yếu cũng làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến tắc tĩnh mạch tại chỗ, thậm chí còn gây thuyên tắc phổi làm tăng biến chứng đột tử.
Có thể nói, bệnh suy tĩnh mạch không thể chủ quan. Người bệnh nên dừng các thói quen xấu có hại cho tĩnh mạch, ăn uống lành mạnh, tăng cường tập luyện và đi thăm hám để được bác sĩ điều trị sớm.