Giãn tĩnh mạch chân nhẹ có phải điều trị không?
Câu hỏi:
Chào bác sĩ,
Tôi 35 tuổi, do khi mang thai tôi tăng nhiều cân trong thai kì (20kg) nên các gân xanh ở chân nổi lên. Tôi đã sinh con được hơn 1 năm nhưng tình trạng nổi gân xanh không thuyên giảm. Tôi có tìm hiểu thì được biết mình đang có biểu hiện của bệnh giãn tĩnh mạch chân giai đoạn nhẹ. Tôi muốn hỏi bác sĩ là mắc giãn tĩnh mạch chân nhẹ thì có cần phải đi khám và lấy thuốc điều trị không?
(Ngọc Liên, Thanh Hóa)
Trả lời:
Chào bạn,
Giãn tĩnh mạch chân còn có tên gọi khác là suy van tĩnh mạch chân, suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Khi cơ thể tăng cân quá nhanh sẽ khiến tăng áp lực cho tĩnh mạch chân, dẫn đến giảm lưu lượng máu suy giãn tĩnh mạch. Tình trạng này gặp rất nhiều ở phụ nữ mang thai. Ngoài ra, những người làm công việc thường xuyên phải đứng hoặc ngồi lâu 1 chỗ cũng khiến áp lực mạch máu gia tăng, lâu ngày sẽ khiến tĩnh mạch giãn ra. Giai đoạn nhẹ, người bệnh thường chỉ cảm thấy mỏi chân, tê đau chân, lâu ngày còn kèm theo các triệu chứng:
- Phù chân: Phù nề ở mắt cá chân, bàn chân, hoặc mang giày dép chật chội hơn mức bình thường.
- Chàm da: Màu sắc da chân thay đổi thành màu tím, xanh do bị ứ đọng máu lâu ngày.
- Loét da: Khi tình trạng ứ máu lâu ngày không hết sẽ khiến tổn thương các mô tế bào xung quanh, lâu dần làm loét da. Những vết loét này thường khó lành hơn bình thường do máu huyết không được điều hòa, mô tế bào không nhận đủ dinh dưỡng và oxi để phục hồi.
- Tăng nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch: Cục máu đông có thể hình thành trong lòng mạch làm gia tăng huyết khối tĩnh mạch, thuyên tắc động mạch. Trong đó, thuyên tắc tĩnh mạch sâu có thể làm tăng nguy cơ thuyên tắc phổi, dẫn đến đột tử bất ngờ.
Suy giãn tĩnh mạch có thể tiến triển nặng khiến tĩnh mạch nổi lên ngoằn ngoèo, đau chân, thậm chí lở loét
Suy giãn tĩnh mạch chân là bệnh lý nên không thể tự hồi phục, bắt buộc phải được điều trị. Trường hợp bạn mắc suy giãn tĩnh mạch chân nhẹ, điều trị càng sớm càng mang lại hiệu quả tốt. Bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và nghe tư vấn của bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.
Ngoài ra, bạn nên tăng cường tập thể dục thể thao để tăng lưu thông máu, giảm bớt các triệu chứng khó chịu. Đồng thời, nên hạn chế ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ, tránh tăng cân quá nhanh, không ăn các thực phẩm cay nóng vì có thể làm tình trạng bệnh nặng nề hơn.