Bệnh vỡ tĩnh mạch ở chân: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng ngừa
Bệnh vỡ tĩnh mạch chân xảy ra khi tĩnh mạch chân có hiện tượng nứt, vỡ, thoát máu ra ngoài. Vỡ tĩnh mạch chân có nguy hiểm không? Cùng nghe ý kiến đánh giá của các chuyên gia dưới đây.
Thế nào là bệnh vỡ tĩnh mạch chân?
Đối với người mắc suy tĩnh mạch, tĩnh mạch bị giãn nở khiến máu chảy ngược trở lại chân, tạo ra áp lực trên tĩnh mạch chân và cuối cùng là vỡ tĩnh mạch. Tĩnh mạch phình to quá mức, mất khả năng đàn hồi sẽ dần nứt và vỡ. Các triệu chứng của vỡ tĩnh mạch bao gồm đau, sưng và bầm tím. Nếu vỡ tĩnh mạch chân không được ngăn chặn còn có thể gây thiếu máu cấp rất nguy hiểm.
Hình ảnh minh họa giãn, vỡ tĩnh mạch chân
Suy giãn tĩnh mạch thường diễn biến âm thầm trong thời gian rất dài. Trước kia, độ tuổi mắc suy giãn tĩnh mạch chủ yếu là người cao tuổi nhưng nay tỉ lệ người trẻ trong độ tuổi lao động mắc bệnh rất cao. Vỡ tĩnh mạch chân chỉ là 1 trong những biến chứng phổ biến của suy giãn tĩnh mạch. Giãn vỡ tĩnh mạch còn làm tăng nguy cơ lở loét chi do làm biến dạng mô tế bào xung quanh tĩnh mạch.
Bệnh vỡ tĩnh mạch ở chân: Tổng hợp các yếu tố nguy cơ gây bệnh
Vỡ tĩnh mạch chân có thể hình thành do chấn thương. Chấn thương nặng ở chân có thể gây tổn thương tĩnh mạch, làm vỡ tĩnh mạch, gây xuất huyết, bầm tím dưới da.
Người mắc suy giãn tĩnh mạch không có biện pháp điều trị đúng đắn cũng có nguy cơ cao bị vỡ tĩnh mạch chân. Đặc biệt những người hàng ngày phải đứng hoặc ngồi trong thời gian dài như: Nhân viên văn phòng, lái xe, giáo viên, công nhân, thợ may… khiến lượng máu bị ứ đọng lâu ngày càng có nguy cơ suy giãn, vỡ tĩnh mạch cao. Chị em thường có thói quen đi giày cao gót khiến áp lực đến tĩnh mạch chân gia tăng, van tĩnh mạch chịu nhiều áp lực làm việc suy yếu hơn, khiến máu khó lưu thông về tim hơn. Nhiều người trẻ hiện nay có lối sống ít vận động, ăn uống không kiểm soát khiến thừa cân, béo phì cũng là đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh.
Vỡ tĩnh mạch chân gây nên các vết bầm tím dưới da
Chị em mang thai, tăng cân quá nhanh cũng tác động khiến tĩnh mạch giãn nở, tăng nguy cơ vỡ tĩnh mạch. Vỡ tĩnh mạch không chỉ gây nên các vết xuất huyết, bầm tím dưới da mà còn có thể khiến biến dạng mô tế bào, gây lở loét chân. Các vết loét này thường rất khó phục hồi do tĩnh mạch bị thương tổn nặng nề, không thể trao đổi dinh dưỡng và oxi nuôi dưỡng tế bào.
Biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa bệnh vỡ tĩnh mạch ở chân
Người mắc suy giãn tĩnh mạch nên duy trì thói quen ăn uống, sinh hoạt phù hợp để phòng tránh những biến chứng của bệnh, trong đó có vỡ tĩnh mạch ở chân như:
- Ăn uống đầy đủ các thực phẩm giàu dinh dưỡng, vitamin E, C, chất xơ.
- Uống đủ nước, ít nhất 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày.
- Kiểm soát trọng lượng của cơ thể, tránh tăng cân quá mức.
- Không mặc quần áo bó sát hoặc sử dụng giày dép quá chật.
- Nên đi giày đế thấp thay cho giày cao gót.
- Vận động cơ thể thường xuyên bằng các bài tập thể dục thể thao phù hợp, nhất là người hay đứng nhiều, ngồi lâu nên thực hiện nâng hạ chân tại chỗ để giảm áp lực cho tĩnh mạch.
- Không thoa dầu nóng, ngâm chân nước nóng… vì có thể làm cho tĩnh mạch giãn nở nghiêm trọng hơn.
- Không ăn đồ ăn cay, nóng, thực phẩm nhiều đường, muối.
Bệnh vỡ tĩnh mạch ở chân là biến chứng nguy hiểm của suy giãn tĩnh mạch. Khi phát hiện những triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch như đau nhức, tê bì, mỏi chân, người bệnh nên đến ngay bệnh viện gần nhất để kiểm tra và tuân thủ phác đồ điều trị.