Có nên phẫu thuật trị giãn tĩnh mạch chân? Bác sĩ chuyên khoa mách bảo
Phẫu thuật là một trong những phương pháp trị suy giãn tĩnh mạch chân được rất nhiều người quan tâm. Có nên phẫu thuật trị giãn tĩnh mạch chân không? Dưới đây là những ưu điểm và nhược điểm của phương pháp phẫu thuật cho bạn tham khảo.
Tìm hiểu chung về bệnh suy giãn tĩnh mạch
Tĩnh mạch chân được chia làm 3 loại:
- Tĩnh mạch nông: gồm có tĩnh mạch hiển ngoài và tĩnh mạch hiển trong. Bệnh suy giãn tĩnh mạch đa phần gặp ở tĩnh mạch nông.
- Tĩnh mạch sâu: Tĩnh mạch sâu thường đi kèm với vùng động mạch. Bệnh lý thường gặp ở tĩnh mạch sâu là viêm tắc tĩnh mạch.
- Tĩnh mạch xuyên: Có nhiệm vụ dẫn truyền máu từ tĩnh mạch nông sang tĩnh mạch sâu.
Suy giãn tĩnh mạch 2 chi dưới là dấu hiệu giãn tĩnh mạch nông, dẫn đến tĩnh mạch nổi rõ lên dưới da, khi siêu âm thấy xuất hiện dòng chảy trào ngược. Tùy thuộc vào nguyên nhân mà người ta chia suy giãn tĩnh mạch thành nhiều nhóm:
- Suy giãn tĩnh mạch nguyên phát: Tình trạng giãn tĩnh mạch nổi lên, dài ra, suy giảm chức năng vận chuyển máu.
- Suy giãn tĩnh mạch thứ phát: Van tĩnh mạch bị mất chức năng trước, rồi ứ máu, dẫn đến giãn tĩnh mạch.
- Suy giãn tĩnh mạch ở thai phụ: Tĩnh mạch giãn nở do nội tiết tố thay đổi hoặc do trọng lượng của thai nhi tăng dẫn đến chèn ép tĩnh mạch sâu. Một số chị em có thể hết suy giãn tĩnh mạch sau khi sinh.
- Suy giãn tĩnh mạch bẩm sinh: Hình thành do khiếm khuyết van tĩnh mạch bẩm sinh.
Hiện nay, suy giãn tĩnh mạch được chia làm các cấp độ:
- Độ 0: Chỉ xuất hiện các triệu chứng đau mỏi chân, nghỉ ngơi sẽ hết.
- Độ 1: Biểu hiện giãn tĩnh mạch, sưng mắt cá chân, tĩnh mạch dạng lưới.
- Độ 2: Giãn tĩnh mạch to.
- Độ 3: Biểu hiện phù chân, giãn tĩnh mạch.
- Độ 4: Có thêm dấu hiệu chàm da, sạm da, thay đổi sắc tố da.
- Độ 5: Có thêm dấu hiệu lở loét chân.
- Độ 6: Có biểu hiện lở loét chân đang tiến triển, có thể bị hoại tử, nhiễm trùng.
Suy giãn tĩnh mạch có thể dẫn đến biến chứng rối loạn dòng chảy, loạn dưỡng cẳng chân, thậm chí gây viêm tắc tĩnh mạch. Nếu để lâu còn có thể dẫn đến cục máu đông trong thành mạch, tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch, gây biến chứng đột tử nếu không được điều trị kịp thời.
Tổng hợp 6 cấp độ mắc suy giãn tĩnh mạch chân
Có nên phẫu thuật trị giãn tĩnh mạch chi dưới?
Phương pháp phẫu thuật thường chỉ áp dụng khi các biện pháp điều trị nội khoa không đem lại hiệu quả. Khi mới mắc bệnh, bạn có thể sử dụng tất y khoa để đẩy máu lưu thông nhanh. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê đơn có các loại thuốc chống viêm, giảm đau, tăng độ bền thành mạch hoặc chích xơ tĩnh mạch.
Hiện nay có các phương pháp phẫu thuật chi dưới như:
+ Phương pháp Stripping: Biện pháp bóc, tách, rút toàn bộ tĩnh mạch bị giãn nở.
+ Phương pháp Chivas: Loại bỏ tĩnh mạch nhỏ tại chỗ hoặc làm đông mạch tĩnh mạch bằng hoạt chất Nitơ lỏng.
Phương pháp phẫu thuật giãn tĩnh mạch chi dưới áp dụng cho đối tượng nào?
Phẫu thuật chủ yếu áp dụng cho bệnh nhân mắc suy giãn tĩnh mạch nông cấp độ 3, đã áp dụng các loại thuốc điều trị nội khoa không hiệu quả.
Phẫu thuật chống chỉ định cho những đối tượng có sức khỏe quá yếu, người mắc vấn đề rối loạn đông máu, người bị lở loét, hoại tử nặng.
Quy trình thực hiện phẫu thuật giãn tĩnh mạch chi dưới
- Bước 1: Chuẩn bị phẫu thuật: Bác sĩ chuyên khoa sẽ chuẩn bị các dụng cụ phẫu thuật, điều dưỡng, máy móc thiết bị. Ngoài ra, bác sĩ sẽ giải thích về quy trình phẫu thuật cho bệnh nhân cùng với những nguy cơ tai biến có thể gặp phải.
- Bước 2: Bác sĩ thực hiện sát khuẩn chân cho bệnh nhân, bệnh nhân nằm trong tư thế duỗi thẳng chân.
- Bước 3: Bác sĩ thực hiện gây tê tủy sống. Sau khi thuốc tê ngấm, rạch da ở giữa, rồi tiến hành thắt bỏ các nhánh tĩnh mạch, thực hiện các bước phẫu thuật rồi khâu, đóng vết mổ.
Sau mổ cần theo dõi các chỉ số huyết áp, nhiệt độ cơ thể và kịp thời xử lí các tai biến. Một số biến chứng có thể gặp phải như sưng vết mổ, chảy mủ, ứ dịch tại vết mổ. Nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường cần phải đi thăm khám ngay lập tức để được bác sĩ giải quyết kịp thời.
Hình ảnh phẫu thuật giãn tĩnh mạch chân
Phẫu thuật giãn tĩnh mạch chi dưới: Cần thận trọng
Phẫu thuật giãn tĩnh mạch chi dưới có thể tái phát bệnh. Phẫu thuật cũng gây nhiều nguy cơ nhất định. Một số biến chứng thường gặp là phản ứng với thuốc gây mê, chảy máu sau khi phẫu thuật, thậm chí tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gây huyết khối tĩnh mạch sâu.
Phẫu thuật còn có thể gây các biến chứng nhất thời như tê chân, châm chích chân, phồng vết thương, thương tổn dây thần kinh, phù chân. Ngoài ra, chi phí phẫu thuật trị suy giãn tĩnh mạch cũng khá tốn kém về chi phí nên người bệnh cần cẩn trọng.
Sau khi phẫu thuật suy giãn tĩnh mạch, người bệnh có thể về nhà ngay sau đó hoặc sau 1-2 ngày theo dõi. Hầu hết bệnh nhân có thể quay trở lại công việc trong khoảng vài ngày.
Bác sĩ chuyên khoa khuyên người bệnh nên cẩn trọng khi phẫu thuật trị suy giãn tĩnh mạch. Tốt nhất bạn nên tham khảo kĩ ý kiến của bác sĩ về phương pháp phẫu thuật, quá trình thực hiện và các nguy cơ gặp phải để được tư vấn cụ thể.