Điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng keo sinh học: Nên hay không?
Điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng keo sinh học là một bước tiến mới trong việc chữa trị suy giãn tĩnh mạch chân. Tuy nhiên, phương pháp này có ưu, nhược điểm gì, có gây tác dụng phụ không, hiệu quả điều trị như thế nào? Dưới đây là lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa mạch máu về biện pháp điều trị mới này.
Suy giãn tĩnh mạch: Căn bệnh không đơn giản
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là căn bệnh âm thầm, dai dẳng, tiến triển chậm nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt, thậm chí có thể gây biến chứng dẫn đến lở loét, hoại tử chi.
Cơ chế gây suy giãn tĩnh mạch chân là do van tĩnh mạch bị suy yếu làm máu không được lưu thông từ chân đến tim, dẫn đến ứ đọng lâu ngày, làm biến dạng, ảnh hưởng mô tế bào xung quanh.
Các yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ suy yếu van tĩnh mạch, giảm lưu thông máu như:
- Yếu tố tuổi tác: Người càng có tuổi cao càng có nguy cơ lão hóa mạch máu, tốc độ lưu thông máu giảm.
- Do thói quen sinh hoạt sai lệch: Người thường xuyên đứng, ngồi quá lâu, vận động ít hoặc làm công việc nặng nhọc hàng ngày sẽ khiến tĩnh mạch chân tăng áp lực, gây thương tổn đến suy giãn tĩnh mạch.
- Do chế độ ăn uống kém: Người ăn ít chất xơ, ăn nhiều đồ dầu mỡ, ít rau xanh, uống ít nước, sử dụng các loại chất kích thích, bia rượu… đều làm tuần hoàn máu kém.
- Do cân nặng tăng quá nhanh, mang thai, thừa cân – béo phì dẫn đến tăng áp lực đến với tĩnh mạch.
Suy giãn tĩnh mạch chân mặc dù không trực tiếp nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây khó chịu, đau đớn, dẫn đến cản trở sinh hoạt, làm việc.
Ngoài ra, tắc mạch máu lâu ngày có thể dẫn đến hình thành cục máu đông, tăng nguy cơ thuyên tắc mạch máu gây lở loét, hoại tử, tàn phế chân. Cục máu đông còn có thể trôi nổi trong mạch máu, khiến tăng nguy cơ thuyên tắc động mạch phổi gây đột tử do suy hô hấp.
Hình ảnh suy giãn tĩnh mạch chân
Quy trình điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng keo sinh học
Điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng keo sinh học phải thực hiện kĩ thuật siêu âm, để xác định chính xác vùng tĩnh mạch chi dưới bị bệnh trước. Sau đó bác sĩ sẽ thực hiện kĩ thuật chuyên môn:
- Bước 1: Thực hiện gây tê bằng thuốc gây tê ở khu vực tĩnh mạch suy giãn.
- Bước 2: Bác sĩ dùng ống thông mỏng và nhỏ chèn vào trong tĩnh mạch bất thường.
- Bước 3: Thực hiện tiêm keo sinh học VenaSeal vào trong tĩnh mạch.
Sau khi tiêm keo sinh học, người bệnh có thể đi bộ, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, cũng cần tránh các hoạt động mang vác các vật nặng, tập thể dục thể thao sau khi điều trị.
Hình ảnh điều trị suy giãn tĩnh mạch chân bằng keo sinh học
Điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng keo sinh học có ưu điểm gì?
Điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng keo sinh học VenaSeal là phương pháp mới được ứng dụng. Phương pháp này ứng dụng loại keo xâm nhập vào trong tĩnh mạch bất thường. Keo sinh học sẽ khiến tĩnh mạch cứng lại, sau đó được cơ thể hấp thụ, teo nhỏ để máu huyết lưu thông sang tĩnh mạch khỏe mạnh. Từ đó sẽ giúp hết các triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch.
Phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng keo sinh học có nhiều ưu điểm:
- Quá trình điều trị diễn ra nhanh (khoảng 30 phút), không gây sẹo.
- Mỗi tĩnh mạch chỉ tiêm 1 liều duy nhất, sử dụng 1 lỗ kim.
- Có thể kết hợp vớ y khoa và sinh hoạt bình thường sau khi điều trị.
Tuy nhiên, phương pháp này vẫn còn nhiều nhược điểm như:
- Không phải bất kì bệnh nhân mắc suy giãn tĩnh mạch nào cũng có thể điều trị bằng keo sinh học. Việc chỉ định điều trị cần phải dựa trên kết quả thăm khám, siêu âm mạch máu kĩ càng.
- Bộ dụng cụ tiêm và keo sinh học VenaSeal có giá thành đắt đỏ nên chi phí điều trị rất cao.
- Phương pháp này chủ yếu thực hiện cho người mắc suy giãn tĩnh mạch nông, không áp dụng với các trường hợp mắc suy giãn tĩnh mạch sâu, có hiện tượng lở loét, hoại tử da.
- Phương pháp này có khả năng tái phát khá cao (khoảng 5 – 10%), chưa đem lại hiệu quả điều trị tuyệt đối.
- Trong quá trình điều trị có thực hiện kĩ thuật tiêm thuốc tê, chống chỉ định với những người có tiền sử mẫn cảm với loại thuốc gây tê.
Mặc dù điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng keo sinh học không gây tổn hại đến các mô cơ và hệ thống dây thần kinh xung quanh, đem lại tác dụng phục hồi nhanh nhưng khả năng tái phát cao và chi phí điều trị đắt đỏ nên cần cẩn trọng.
Bơm keo sinh học vào lòng tĩnh mạch
Làm thế nào để ngăn chặn suy giãn tĩnh mạch tái phát?
Sau khi điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng keo sinh học, bạn nên tham khảo một số cách đơn giản dưới đây để tăng hiệu quả điều trị tận gốc:
- Ngồi đúng tư thế:
Không ngồi bắt chéo chân sẽ dẫn đến tăng áp lực đến vùng tĩnh mạch chân và đùi, làm máu lưu thông kém. Cũng không nên ngồi lâu tại chỗ, nên gác cao chân hoặc đi lại vận động ít phút trong giờ làm việc.
- Tăng cường tập thể dục thể thao:
Tập thể dục điều độ, thường xuyên rất tốt cho sức khỏe. Bạn nên tăng cường các môn thể thao vừa sức như khiêu vũ, bơi lội, đạp xe, đi bộ….
- Nên kê chân lên cao khi ngủ:
Đặt gối dưới chân khi ngủ sẽ giúp hỗ trợ phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch nhờ tăng cường lưu thông máu, giảm tắc nghẽn mạch máu.
- Kiểm soát cân nặng:
Tăng cân quá nhanh, béo phì thừa cân đều khiến tĩnh mạch chân chịu nhiều áp lực. Người bệnh nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, không sử dụng chất kích thích sẽ giúp mạch máu hoạt động tốt hơn.
Điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng keo sinh học là phương pháp mới có nhiều ưu điểm nhưng cũng dễ tái phát và mức chi phí điều trị lớn. Người bệnh nên lựa chọn bệnh viện uy tín để thăm khám sẽ được bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị tốt nhất.