Giãn tĩnh mạch cổ chân và biện pháp đơn giản điều trị tại nhà
Giãn tĩnh mạch chân gây mỏi chân, nặng chân, đau nhức chân. Đặc biệt, các tĩnh mạch nổi lên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ. Giãn tĩnh mạch cổ chân có điều trị tại nhà được không?. Theo dõi bài viết để hiểu thêm về bệnh lý phổ biến này.
Như thế nào là giãn tĩnh mạch cổ chân?
Tĩnh mạch có vai trò quan trọng trong hệ tuần hoàn, đảm nhiệm dẫn tuyền máu từ các cơ quan trở về tim. Cấu tạo tĩnh mạch sâu thường có van nhỏ giúp ngăn máu chảy ngược dòng. Khi van tĩnh mạch bị tổn thương sẽ khiến cho hoạt động tĩnh mạch bị suy yếu đi, máu huyết bị ứ đọng lại gây giãn tĩnh mạch, nổi lên dưới da. Đây là biểu hiện của bệnh suy giãn tĩnh mạch.
Giãn tĩnh mạch có thể hình thành ở nhiều vị trí khác như hậu môn, bìu tinh hoàn, thực quản, nhưng phổ biến nhất là ở đùi và chân. Chị em khi mang thai cũng có thể bị suy giãn tĩnh mạch do áp lực từ trọng lượng cơ thể dồn xuống.
Giãn tĩnh mạch cổ chân thường nhìn thấy tĩnh mạch nổi li ti, ngoằn ngoèo dưới da màu xanh, tím. Ngoài ra, người bệnh còn có 1 số triệu chứng điển hình khác như:
- Cảm giác nóng, rát, đau nhói ở chân.
- Cảm giác khó chịu, nặng chân, phù chân.
- Chuột rút vào ban đêm.
- Sưng bàn chân, mắt cá chân.
Bề mặt da bị giãn rộng, thay đổi màu sắc, ngứa da. Thậm chí nặng nề hơn còn gây loét da, nhiễm trùng da. Khi điều trị suy giãn tĩnh mạch cần chú ý tuân thủ phác đồ, cân bằng lối sống khoa học.
Giãn tĩnh mạch chằng chịt xung quanh cổ chân
Hướng dẫn điều trị giãn tĩnh mạch cổ chân tại nhà
Để giảm bớt các triệu chứng khó chịu do giãn tĩnh mạch cổ chân, người bệnh có thể tham khảo một số bí quyết đơn giản dưới đây:
1. Tăng cường hoạt động thể chất kết hợp massage chân
Người mắc suy giãn tĩnh mạch giai đoạn đầu có thể áp dụng các bài tập để tăng cường lưu thông máu huyết ở chân đến tim, hỗ trợ điều trị hiệu quả. Bác sĩ chuyên khoa lưu ý là bạn không nên chọn các bài tập, môn thể thao gây áp lực lớn cho chân như chạy bộ đường dài, đá bóng, quần vợt…. Thay vào đó, bạn nên đi bộ nhẹ nhàng, Yoga, tập xoay cổ chân…. Người bệnh cũng có thể tập nâng cao chân để giảm bớt các triệu chứng sưng chân, phù nề. Bạn có thể kê cao chân những lúc rảnh rỗi hoặc khi đi ngủ ít nhất mỗi ngày 20 phút, thực hiện mỗi ngày 3 – 4 lần để mang lại hiệu quả.
Đi bộ đúng cách giảm suy giãn tĩnh mạch
Ngoài ra, người bệnh cũng nên massage nhẹ nhàng để hỗ trợ lưu thông máu, nhất là ở vùng tĩnh mạch chân. Mỗi ngày nên massage thường xuyên, nhẹ nhàng, không nên massge quá mạnh. Bạn nên sử dụng kết hợp đầu ngón tay với bàn tay để xoa bóp từ vùng gót chân đến mắt cá chân. Khi cảm thấy khó chịu hoặc đau đớn nên dừng massage và thực hiện nâng cao chân.
2. Duy trì thói quen tốt cho tĩnh mạch chân
Một số thói quen giúp tuần hoàn máu ở chân được lưu thông bao gồm:
- Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu, nhất là các công việc như bán hàng, lái xe, giáo viên, bác sĩ... nên có thời gian giải lao, nghỉ ngơi giữa giờ làm việc.
- Thường xuyên thay đổi tư thế để kích thích lưu thông máu, có thể duy trì các bài tập kéo giãn cơ ngắn.
- Không mang giày cao gót trong thời gian dài vì đi giày cao gót làm tăng áp lực xuống bắp chân, khiến máu dồn nhiều hơn đến tĩnh mạch, làm tăng ứ máu vùng chi dưới.
- Đi ngủ kê cao chân.
- Giảm cân, giữ cân nặng khỏe mạnh, tránh thừa cân béo phì dẫn đến gây áp lực cho tĩnh mạch.
- Mặc trang phục rộng rãi, thông thoáng, không mặc đồ bó sát để tránh cản trở máu lưu thông.
Kê cao chân khi ngủ giúp đẩy máu về tim
3. Thay đổi chế độ dinh dưỡng hợp lý
Ăn uống lành mạnh, khoa học không chỉ giải quyết các vấn đề về sức khỏe mà còn giúp hỗ trợ điều trị suy giãn tĩnh mạch chân tốt. Người mắc giãn tĩnh mạch cổ chân nên có thực đơn ăn uống tích cực như:
- Tăng cường các thực phẩm giàu vitamin C, E hỗ trợ cơ thể sản sinh elastin và collagen, giữ cho vùng tĩnh mạch mạnh khỏe, ít bị giãn nở.
- Bổ sung nhóm thực phẩm giàu chất xơ như yến mạch, các loại hạt, đậu, ngũ cốc, lúa mì… trong chế độ ăn uống để ngăn chặn táo bón, giảm bớt áp lực đến vùng tĩnh mạch.
- Một số thực phẩm nên ăn bao gồm: bắp cải, bông cải xanh, hành, cải bó xôi, trái cây họ cam, quýt, táo, anh đào, nho… rất giàu vitamin, khoáng chất, giảm áp lực đến thành mạch.
- Nhóm thực phẩm giàu Kali như: khoai tây, cá hồi, đậu, cá ngừ… giúp giảm suy giãn tĩnh mạch, ngăn chặn giữ nước trong cơ thể.
4. Kết hợp dùng tất y khoa trị giãn tĩnh mạch
Tất y khoa trị suy giãn tĩnh mạch được thiết kế bằng loại vải đặc biệt, giúp tạo áp lực đến thành mạch, bơm máu trở về tim. Tất y khoa nên dùng hàng ngày, nhất là với những người làm công việc đứng lâu, ngồi nhiều. Khi ngủ nên bỏ tất y khoa và kê cao chân. Dùng tất y khoa cũng cần chú ý đi khám thường xuyên để lựa chọn size phù hợp nhất với tình trạng của bản thân.
Giãn tĩnh mạch cổ chân thường dễ nhận thấy với các tĩnh mạch màu xanh tím nổi chằng chịt quanh vùng cổ chân. Bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Người bệnh hãy duy trì thói quen sinh hoạt, ăn uống lành mạnh để kiểm soát và điều trị bệnh.