Giãn tĩnh mạch ở người trẻ tuổi, vì sao phổ biến?
Tỉ lệ mắc giãn tĩnh mạch chân đang có xu hướng trẻ hóa độ tuổi. Trước kia, chiếm đa phần là người trên 60 tuổi, thì ngày nay độ tuổi trưởng thành mắc suy giãn tĩnh mạch rất phổ biển. Vì sao giãn tĩnh mạch ở người trẻ tuổi tăng cao? Cùng tìm hiểu qua nội dung bài viết dưới đây.
Lí do giãn tĩnh mạch ở người trẻ tuổi rất phổ biến
Trước đây độ tuổi phổ biến mắc suy giãn tĩnh mạch trên 60 tuổi. Ngày nay, độ tuổi mắc bệnh trẻ hóa hơn, thường rơi vào khoảng 30 – 40 tuổi. Một trong những yếu tố quan trọng gây suy giãn tĩnh mạch chân ở người trẻ tuổi là do thói quen ăn uống, công việc và thói quen có hại cho thành mạch. Tuy nhiên, đa số người trẻ tuổi thường coi thường, bỏ qua các triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch ở giai đoạn đầu chỉ đến khi bệnh nặng mới đi thăm khám.
Đi giày cao gót là thói quen làm gia tăng suy giãn tĩnh mạch ở chị em
Một số dấu hiệu nhận biết sớm suy giãn tĩnh mạch chân không nên coi thường như:
- Cảm thấy đi giày dép chật hơn mức bình thường.
- Đau mỏi chân, tê chân, nóng râm ran ở vùng bắp chân.
- Chuột rút nhiều vào ban đêm.
- Nặng chân, tê cứng, đau nhức chân.
- Mạch máu dưới chân màu xanh, tím như mạng nhện hoặc to, nổi rõ ngoằn ngoèo như búi giun.
- Phù chân.
Giãn tĩnh mạch không chỉ ảnh hưởng thẩm mỹ mà còn nguy hại đến sức khỏe
Bác sĩ chuyên khoa khuyên rằng khi phát hiện các triệu chứng trên, người bệnh nên sớm đến các cơ sở y tế để được thăm khám, làm xét nghiệm siêu âm Doppler mạch máu giúp chẩn đoán chính xác giãn tĩnh mạch chân. Bác sĩ cũng cho rằng phụ nữ trẻ tuổi chiếm tỉ lệ mắc suy giãn tĩnh mạch khá lớn. Nguyên nhân có thể từ thói quen đi giày cao gót, dùng thuốc tránh thai. Chị em thay đổi nội tiết trong kỳ kinh nguyệt, mang thai tăng cân quá nhanh… cũng dẫn tới suy giãn tĩnh mạch chân.
Ngoài ra, cuộc sống hiện đại có rất nhiều công việc bắt buộc phải đứng hoặc ngồi lâu trong thời gian dài như: lễ tân, nhân viên bán hàng, lái xe, công nhân đứng máy, thợ may…. Kết hợp với chế độ ăn uống không khoa học, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, đồ dầu mỡ cùng với thói quen ít tập luyện thể dục thể thao càng khiến nguy cơ giãn tĩnh mạch tăng lên.
Điều chỉnh thói quen sống – Yếu tố tiên quyết ngăn chặn suy giãn tĩnh mạch
Để phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch, những người thuộc đối tượng có nguy cơ cao như:
- Người cao tuổi.
- Người có tiền sử gia đình bố hoặc mẹ đã từng mắc giãn tĩnh mạch chân.
- Phụ nữ.
- Người có công việc phải đứng hoặc ngồi lâu một chỗ.
- Người ít vận động cơ thể.
Cần chú ý:
- Thay đổi thói quen sinh hoạt, duy trì các hoạt động thể dục thể thao mỗi ngày, nhất là các bộ môn như: đạp xe, đi bộ, Yoga, bơi lội để máu huyết được lưu thông, hạn chế nguy cơ ứ đọng máu trong thành tĩnh mạch.
- Bổ sung chế độ ăn uống nhiều vitamin, chất xơ, hoa quả, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, đường ngọt, muối mặn.
- Duy trì cân nặng ở mức ổn định, tránh tăng cân quá nhanh.
- Người làm công việc văn phòng hoặc phải đứng, ngồi lâu nên chú ý thay đổi tư thế trong thời gian làm việc, đi lại, vận động để máu từ chân dồn về tim tốt hơn.
- Đi ngủ hoặc ngồi làm việc nên kê cao chân ở góc 45 độ.
- Mặc trang phục rộng rãi, thoáng mát, sử dụng giày đế bằng để giảm bớt áp lực cho chân.
Giãn tĩnh mạch ở người trẻ tuổi đang có xu hướng gia tăng tỉ lệ. Thăm khám sức khỏe định kỳ cũng là cách tốt để phát hiện và phòng tránh bệnh. Người trẻ nên có ý thức xây dựng chế độ làm việc, sinh hoạt và ăn uống phù hợp hơn để cơ thể khỏe mạnh.