Giãn tĩnh mạch ở tay là bệnh gì? Có điều trị được không?
Giãn tĩnh mạch ở tay nổi lên ngoằn ngoèo dưới da có thể chạy dọc từ bắp tay xuống đến bàn tay khiến nhiều người hoang mang không hiểu đây là bệnh gì, có chữa được không. Nội dung bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này.
Giãn tĩnh mạch ở tay là bệnh gì?
Giãn tĩnh mạch ở tay còn gọi là suy giãn tĩnh mạch tay, hình thành khi tĩnh mạch ở tay bị giãn rộng và nổi to hơn. Tĩnh mạch giãn ra làm người bệnh nhìn thấy rõ các gân màu xanh tím từ cánh tay cho đến bàn tay. Tình trạng giãn tĩnh mạch tay gây diễn biến âm ỉ như đau, tê kéo dài.
Giãn tĩnh mạch tay thường có tỉ lệ bệnh nhân ít hơn so với giãn tĩnh mạch chân. Một số người cao tuổi, người gầy yếu, suy dinh dưỡng khi lớp mỡ dưới cơ ít đi sẽ làm cho tĩnh mạch nổi to hơn mức bình thường.
Giãn tĩnh mạch ở tay khiến các tĩnh mạch nổi gân màu xanh tím, tĩnh mạch giãn to, ngoằn ngoèo từ vùng cổ tay xuống. Giãn tĩnh mạch ở tay có thể dẫn đến đau nhức, phù nề. Mặc dù rất ít khi có biến chứng như ở tĩnh mạch chân nhưng bệnh cũng gây mất thẩm mỹ, khó chịu và cần điều trị sớm.
Giãn tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo dưới tay
Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch ở tay là gì?
Giãn tĩnh mạch chân hình thành khi lượng máu ứ đọng nhiều trong tĩnh mạch. Ở tĩnh mạch tay thường ít áp lực hơn, nhưng khi lưu lượng máu kém lâu ngày không được phát hiện và can thiệp dẫn đến suy giãn. Một số yếu tố nguy cơ làm tăng giãn tĩnh mạch ở tay bao gồm:
- Tuổi cao: Càng lớn tuổi, lớp mỡ dưới da càng ít đi, lưu lượng máu cũng giảm dần, làm tĩnh mạch nổi to và rõ dưới da. Đặc biệt các van tĩnh mạch còn hoạt động kém khiến máu ứ đọng và tĩnh mạch dần giãn to.
- Yếu tố di truyền: Nguy cơ mắc bệnh của những người có bố hoặc mẹ bị suy giãn tĩnh mạch thường cao gấp 2 – 3 lần người bình thường.
- Do công việc: Người thường xuyên dùng tay để mang vác các vật nặng, hoặc phải sử dụng tay liên tục sẽ có bàn tay nổi gân xanh nhiều hơn. Người làm việc trong môi trường có nhiệt độ cao cũng khiến cho tĩnh mạch tay, chân giãn to.
- Giới tính: Bệnh xảy ra chủ yếu ở nữ giới, tỉ lệ cao gấp 3 lần nam giới. Nguyên nhân là do hormone nữ thay đổi theo chu kì kinh nguyệt, tác động của thời kì mang thai, uống thuốc tránh thai… khiến lưu thông máu bị ảnh hưởng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Giãn tĩnh mạch ở tay có biểu hiện gì?
Giãn tĩnh mạch ở tay thường có các dấu hiệu không rõ ràng khiến nhiều người nhầm lẫn với bệnh tuổi già, bệnh xương khớp như:
- Nặng tay, tê tay, đau mỏi tay.
- Xuất hiện mạch máu màu xanh, tím nổi rõ dưới da, nhìn thấy bằng mắt thường.
- Cảm giác căng tức, đau âm ỉ vùng tĩnh mạch giãn.
Giãn tĩnh mạch thường ít gây lở loét như ở chân, tuy nhiên cũng làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch, có thể di chuyển đến phổi dẫn đến đột tử do tắc mạch phổi.
Phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch ở tay
1. Thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống
Giãn tĩnh mạch ở tay có thể dễ dàng được phòng ngừa nhờ chế độ sinh hoạt, ăn uống phù hợp như:
- Tập thể dục hàng ngày: Mỗi người nên có thời gian vận động, mỗi ngày có thể dành ra 30 phút để tập luyện, giúp cải thiện tuần hoàn máu.
- Chế độ ăn uống khoa học: Bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ từ hoa quả, rau xanh là cách tốt nhất để mạch máu khỏe mạnh. Những thực phẩm có hại như đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, chất béo có hại… nên hạn chế tối đa. Đặc biệt, mỗi người cũng cần chú ý ăn uống khoa học, tránh béo phì, thừa cân cũng làm giảm lưu lượng máu.
- Sắp xếp công việc phù hợp: Nếu công việc của bạn phải thường xuyên mang vác các vật nặng, hãy có thời gian để đôi tay thư giãn, nghỉ ngơi. Có thể tham khảo các bài tập nhẹ nhàng cho đôi tay, tập nâng cao tay để đổ máu về tim.
Chế độ ăn uống nhiều rau xanh tốt cho giãn tĩnh mạch
2. Phương pháp dùng thuốc
- Sử dụng thuốc tiêm gây xơ hóa tĩnh mạch: Loại thuốc này thường được dùng để chữa trị các tĩnh mạch nhỏ, tĩnh mạch mạng nhện. Tiêm xơ hóa làm chết các tĩnh mạch bị giãn để máu huyết lưu thông sang các tĩnh mạch khỏe mạnh khác. Không nên áp dụng tiêm xơ hóa với các tĩnh mạch giãn to, hoặc có cục máu đông trong lòng tĩnh mạch bởi có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
- Thuốc Đông y: Y học cổ truyền có rất nhiều dược liệu giúp thông mạch, hoạt huyết, tăng sức bền thành mạch. Sử dụng các dược liệu lành tính giúp giảm nhanh các biểu hiện của suy giãn và viêm tắc tĩnh mạch và không gây tác dụng phụ.
3. Một số biện pháp khác
Bác sĩ chuyên khoa có thể tư vấn bạn tiêm laser nội mạch. Phương pháp này dùng nhiệt để loại bỏ các tĩnh mạch bị bệnh, tuy nhiên cũng chỉ nên áp dụng cho các tĩnh mạch nhỏ, không nên dùng cho tĩnh mạch lớn.
Ngoài ra, phương pháp phẫu thuật cắt – nối tĩnh mạch cũng được sử dụng. Phương pháp này áp dụng cho vùng tĩnh mạch giãn lớn, nhưng có thể để lại sẹo và chi phí phẫu thuật cao.
Trên đây là toàn bộ hiểu biết về giãn tĩnh mạch ở tay cho bạn tham khảo. Mong rằng bài viết đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin bổ ích để sớm loại bỏ những tĩnh mạch ngoằn ngoèo ở tay.