Giãn tĩnh mạch tay: Nguyên nhân và cách điều trị
Giãn tĩnh mạch tay thường ít gặp và ít nguy hiểm hơn giãn tĩnh mạch chân. Tuy nhiên, giãn tĩnh mạch tay cũng gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng, đồng thời còn gây tê mỏi, đau nhức tay. Dưới đây là tổng hợp những nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng và các biện pháp điều trị giãn tĩnh mạch tay hiệu quả nhất.
Suy giãn tĩnh mạch tay là gì?
Khi các van tĩnh mạch tay bị suy yếu, làm hoạt động đưa máu trở về tim bị suy giảm. Điều này dẫn đến hệ quả là máu huyết sẽ ứ đọng lại trong tĩnh mạch, lâu dần sẽ làm tĩnh mạch giãn nở to.
Dấu hiệu nổi bật nhất thường thấy là các đường gân tĩnh mạch nổi to, nhìn rõ dưới da. Giãn tĩnh mạch thường nổi to nhất ở phần mu bàn tay trở xuống các ngón tay. Suy giãn tĩnh mạch phổ biến nhất là ở chân, có thể làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch rất nguy hiểm. Giãn tĩnh mạch tay thường nhẹ nhưng gây mất thẩm mỹ và gây nhiều phiền toái, cản trở các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Đôi tay bị suy giãn tĩnh mạch nổi gân xanh ngoằn ngoèo
Một số triệu chứng của giãn tĩnh mạch tay
Các triệu chứng của bệnh giãn tĩnh mạch tay thường không rõ rệt ở giai đoạn đầu. Đến khi bệnh nặng, người bệnh mới nhận thấy các biểu hiện:
- Cảm thấy căng tức, khó chịu ở vùng tĩnh mạch bị giãn.
- Triệu chứng tê tay, nặng tay.
- Mạch máu sưng to, nổi phồng lên dưới da, nhất là ở bàn tay, mu bàn tay.
Giãn tĩnh mạch tay có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào, nhất là ở người già có lưu thông máu kém. Giãn tĩnh mạch tay cũng là nguyên nhân dẫn đến đau nhức, tê mỏi tay nhưng rất nhiều người chủ quan không đi thăm khám để bệnh tiến triển nặng. Một số ít trường hợp có thể làm xuất hiện cục huyết khối trong tĩnh mạch tay, dẫn đến viêm huyết khối tĩnh mạch tay, nặng hơn gây lở loét, hoại tử. Huyết khối ở tĩnh mạch tay cũng có thể vỡ ra, di chuyển theo lòng mạch đi đến phổi, làm tăng nguy cơ tắc mạch phổi dẫn đến khó thở, đột tử bất ngờ.
Các yếu tố nguy cơ gây giãn tĩnh mạch tay
Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch tay là do máu ứ đọng bên trong thành mạch. Một số yếu tố nguy cơ khiến máu huyết ứ đọng như:
- Tuổi tác: Người tuổi càng cao thì van tĩnh mạch càng suy yếu, khiến cho máu lưu thông về tim và điều phối đến các cơ quan khác kém đi.
- Môi trường làm việc: Người làm việc ở môi trường có nhiệt độ cao, tuần hoàn máu thường kém hơn, nhiệt độ cũng khiến máu di chuyển về các mao mạch làm mát da nhiều hơn, từ đó làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch.
- Mang vác các vật nặng: Người thường xuyên tập thể dục quá sức cho đôi tay, mang vác nặng làm áp lực ở tĩnh mạch tay nhiều hơn, tĩnh mạch giãn to hơn.
- Thói quen xấu cho đôi tay: Mặc áo bó sát tay, ngủ đè lên tay… đều là nguyên nhân dẫn đến giãn tĩnh mạch tay.
- Thay đổi nội tiết tố: Chị em sử dụng thuốc tránh thai, mang thai, tiền mãn kinh… đều khiến nội tiết tố thay đổi, tăng nguy cơ tổn thương mạch máu.
- Dinh dưỡng kém: Ăn uống không lành mạnh, thiếu hụt vitamin C, E, chất xơ, uống ít nước… đều rất có hại cho thành mạch.
- Bệnh di truyền: Người có bố hoặc mẹ đã từng mắc suy giãn tĩnh mạch cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Bệnh giãn tĩnh mạch tay thường bị chủ quan, cho rằng không quá nghiêm trọng. Vì thế, người bệnh thường đi khám muộn, làm tĩnh mạch giãn rộng, các biểu hiện và biến chứng bệnh nặng làm điều trị khó khăn hơn.
Tĩnh mạch tay nổi to dưới da
Tổng hợp các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch tay
Căn cứ vào biểu hiện giãn tĩnh mạch tay đã bao gồm biến chứng hay chưa mà bác sĩ sẽ gợi ý cho bạn một số phương pháp điều trị như sau:
- Phương pháp nội khoa:
Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giúp tăng cường sức bền thành mạch, giảm đau, tăng trương lực tĩnh mạch, hoặc thuốc chống đông máu (nếu có dấu hiệu huyết khối).
- Phương pháp phẫu thuật cắt tĩnh mạch:
Phẫu thuật cắt tĩnh mạch bị suy giãn được thực hiện bằng vết mổ ở tay, sau đó loại bỏ vùng tĩnh mạch bị bệnh.
- Phương pháp dùng tia laser:
Đây là phương pháp dùng nhiệt làm teo tĩnh mạch nhỏ bị giãn để máu huyết lưu thông sang các vùng khác.
- Phương pháp tiêm xơ cứng:
Phương pháp này thực hiện tiêm thuốc gây xơ vào thành mạch máu nhằm làm teo tĩnh mạch bị giãn.
Tiêm xơ tĩnh mạch thường áp dụng cho các tĩnh mạch nhỏ
- Phẫu thuật cắt và nối tĩnh mạch:
Phương pháp này áp dụng cho các trường hợp tĩnh mạch lớn bị giãn nở. Biện pháp này cần được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ có chuyên môn để tránh để lại sẹo sau phẫu thuật.
- Sử dụng vớ tay:
Vớ y khoa được thiết kế loại vải chuyên biệt giúp tạo ra lực co bóp, làm tăng lưu lượng máu.
Nếu bệnh nhân có biểu hiện viêm tĩnh mạch, có huyết khối tĩnh mạch cần phải kết hợp dùng thuốc chống viêm, thuốc kháng sinh, thuốc chống đông… theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc điều trị để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Giãn tĩnh mạch tay mặc dù không gây nguy hiểm ngay lập tức nhưng để lâu dài sẽ gây phiền toái, đau nhức, tê mỏi tay, thậm chí tiềm ẩn nhiều biến chứng mạch máu khác. Để phòng ngừa giãn tĩnh mạch tay, người bệnh nên tập thể dục thường xuyên giúp máu lưu thông đến các cơ quan, tránh mặc đồ bó sát, ăn uống lành mạnh…. Với những người có nguy cơ cao mắc bệnh nên khám sức khỏe định kì để phát hiện và điều trị bệnh sớm.