Mổ suy giãn tĩnh mạch chân có gây biến chứng không?
Suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng, cũng không nghiêm trọng như giãn tĩnh mạch sâu nhưng lại gây mất thẩm mỹ và hạn chế khả năng vận động của bệnh nhân. Phẫu thuật giãn tĩnh mạch nông là phương pháp được nhiều người lựa chọn nhưng liệu rằng biện pháp này có để lại biến chứng gì không, có trị bệnh tận gốc hay không? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Vì sao suy giãn tĩnh mạch nông chủ yếu xảy ra ở chi dưới?
Cấu tạo tĩnh mạch chi dưới bao gồm các bộ phận:
- Tĩnh mạch nông: Đây là bộ phận nằm ở dưới da, được chia làm 2 nhóm chính là: tĩnh mạch ngoài thường nằm ở khu vực mặt trong đùi từ vùng mắt cá chân đến nếp bẹn và tĩnh mạch trong có đặc điểm nhỏ hơn, nằm ở vị trí mắt cá chân cho đến khoeo chân. Suy giãn tĩnh mạch nông thường xảy ra ở vùng chi dưới do tĩnh mạch dài, cấu tạo phức tạp.
- Tĩnh mạch sâu: Đây là vùng tĩnh mạch nằm sâu trong lớp cơ, không thể nhìn thấy bằng mắt thường, có chứa van tĩnh mạch nên không gây suy giãn mà chủ yếu gây viêm tắc tĩnh mạch.
- Tĩnh mạch xuyên: Vùng tĩnh mạch kết nối với tĩnh mạch xuyên đảm nhiệm vai trò dẫn truyền máu từ tĩnh mạch nông sang tĩnh mạch sâu.
Suy tĩnh mạch nông chi dưới là căn bệnh mãn tính, dẫn đến tĩnh mạch nổi to dưới da, lưu thông máu kém. Suy giãn tĩnh mạch nông được chia làm các nhóm như sau:
- Suy giãn tĩnh mạch nguyên phát: Đây là tình trạng tĩnh mạch giãn ra, dài rồi mới dẫn đến mất khả năng lưu thông máu.
- Suy giãn tĩnh mạch thứ phát: Tình trạng van tĩnh mạch bị chèn ép dẫn đến mau lưu thông kém trước, sau đó mới giãn dài và xơ cứng.
- Suy giãn tĩnh mạch ở thai phụ: Đây là căn bệnh hình thành chủ yếu do tác động của hormone nội tiết tố và sự gia tăng kích thước của tử cung dẫn đến chèn ép tĩnh mạch. Một số trường hợp có thể tự hết nhưng cũng có nhiều trường hợp cần được điều trị.
- Suy giãn tĩnh mạch bẩm sinh: Bệnh hình thành do những khiếm khuyết van tĩnh mạch bẩm sinh nên rất khó điều trị, chủ yếu phải có biện pháp để ngăn chặn biến chứng, giúp máu lưu thông tốt hơn.
Mổ giãn tĩnh mạch chân có thể áp dụng tùy vào tình hình sức khỏe bệnh nhân
Suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới có bao nhiêu cấp độ?
Suy giãn tĩnh mạch nông gồm có các cấp độ như sau:
- Cấp độ 0: Giãn tĩnh mạch hầu như không có triệu chứng nghiêm trọng. Người bệnh chủ yếu nhận thấy đau mỏi chân nhưng chỉ cần nghỉ ngơi là hết.
- Cấp độ 1: Giãn tĩnh mạch nhẹ, có dạng lưới kèm theo triệu chứng sưng mắt cá chân.
- Cấp độ 2: Hình thành giãn và phình tĩnh mạch.
- Cấp độ 3: Bệnh nhân có thể nhận thấy dấu hiệu phù nề nhưng hầu như không gây tổn thương da.
- Cấp độ 4: Da có dấu hiệu tổn thương, sạm da, chàm da, xơ mỡ bì da.
- Cấp độ 5: Tình trạng da sạm, chàm kèm theo lở loét.
- Cấp độ 6: Lở loét nghiêm trọng, chảy mủ, phù chân.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, suy giãn tĩnh mạch chủ yếu được phát hiện muộn do dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy, bạn nên chú ý theo dõi các triệu chứng đau chân, nổi tĩnh mạch để sớm đi thăm khám và điều trị kịp thời.
Giãn tĩnh mạch nông chi dưới có thể gây nên những biến chứng gì?
Giãn tĩnh mạch nông chi dưới có thể được nhận biết bằng các dấu hiệu lâm sàng như:
- Giai đoạn mới chớm bệnh: Người bệnh cảm thấy phù chân, nặng chân, đau chân, chuột rút chủ yếu vào ban đêm. Khi kê chân lên cao hoặc nghỉ ngơi sẽ hết.
- Giai đoạn sau: Người bệnh có dấu hiệu rối loạn dinh dưỡng trên da, tĩnh mạch nông nổi to, ngoằn ngoèo như con giun. Nếu có triệu chứng nhiễm trùng người bệnh còn thấy sốt, chảy máu, mủ ở vết loét dưới chân.
Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng như:
- Gây rối loạn dòng máu chảy: Suy giãn tĩnh mạch có thể khiến chân sưng to, đau vùng cẳng chân, buốt chân, chuột rút, nhất là khi ngủ.
- Loạn dưỡng cẳng chân: Chân có thể xuất hiện các vết chàm, thay đổi sắc tố da, máu ứ đọng dẫn đến loạn dưỡng chân.
- Búi tĩnh mạch gây đau và mất thẩm mỹ: Tĩnh mạch sưng phồng có thể dẫn đến đau nhức chân, nặng chân, trường hợp vỡ tĩnh mạch còn gây máu thoát ra ngoài làm phù chân. Các búi tĩnh mạch gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng do bầm máu...
- Loét cẳng chân: Giãn tĩnh mạch lâu ngày sẽ dẫn đến loét chân, có thể dẫn đến nhiễm trùng, cắt cụt chân.
Mổ giãn tĩnh mạch có hiệu quả nhưng dễ tái phát
Phương pháp mổ giãn tĩnh mạch nông chi dưới như thế nào?
Khi mới chớm mắc bệnh, bạn có thể được chỉ định dùng tất y khoa giúp phục hồi sự chênh lệch áp suất giữa tĩnh mạch nông và tĩnh mạch xuyên. Sau đó, bác sĩ có thể tư vấn bạn sử dụng thuốc chống đông, kháng viêm, tăng độ bền thành mạch hoặc chích xơ tĩnh mạch.
Nếu áp dụng các biện pháp trên không hiệu quả, bác sĩ có thể tư vấn bạn áp dụng một trong số các biện pháp phẫu thuật như:
- Phẫu thuật Stripping: Là phương pháp bóc tách, cắt bỏ toàn bộ tĩnh mạch bị thương tổn.
- Phẫu thuật Chivas: Phương pháp lấy tính mạch nhỏ tại chỗ sau đó sẽ thực hiện nối tĩnh mạch.
Ngoài ra, hiện nay Tây y còn có phương pháp đông lạnh tĩnh mạch bị suy giãn bằng nito lỏng nên bạn có thể cân nhắc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Phẫu thuật giãn tĩnh mạch chi dưới có gây biến chứng không?
Phẫu thuật Stripping được áp dụng thông dụng hơn cả. Bác sĩ sẽ sử dụng các máy móc chuyên dụng để bóc toàn bộ tĩnh mạch bị giãn. Phương pháp này chỉ định cho các đối tượng bị giãn tĩnh mạch nông từ cấp độ 3 trở đi và dùng thuốc không có tác dụng.
Phẫu thuật mổ giãn tĩnh mạch chi dưới có gây biến chứng không là băn khoăn của rất nhiều bệnh nhân. Thực tế phương pháp này không áp dụng cho các bệnh nhân có sức khỏe quá yếu, có vấn đề về đông máu. Các bước phẫu thuật được tiến hành như sau:
- Bước 1: Bệnh nhân nằm ngửa trên bàn mổ, điều dưỡng thực hiện sát khuẩn rộng toàn bộ 2 chân.
- Bước 2: Bác sĩ sẽ tiến hành gây tê tủy sống, sau đó rạch vùng da giữa nếp lằn bẹn, thắt bỏ toàn bộ tĩnh mạch bị giãn.
- Bước 3: Bác sĩ thực hiện luồn Stripper, tiến hành kéo Stripper theo hướng từ trên xuống dưới kết hợp với dùng gạc cuộn băng ép.
- Bước 4: Khâu thẩm mỹ cho vết mổ.
Mổ giãn tĩnh mạch chân có gây biến chứng gì không? Thông thường, sau khi mổ bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng huyết áp, thân nhiệt của bệnh nhân để xử lý những biến chứng. Người bệnh có thể bị tụ máu theo đường tĩnh mạch, tổn thương bề mặt da, tổn thương dây thần kinh... Do vậy, bạn nên cân nhắc kĩ khi áp dụng phương pháp điều trị này.